Chính quyền Syria đã gần như chiếm được toàn bộ phía đông Aleppo. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc nội chiến khủng khiếp của nước này; số phận của nhiều nhóm nổi dậy chưa bao giờ tối tăm đến thế. Mặc dù vậy, số nhận định rằng họ sẽ giơ vũ khí đầu hàng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, mọi hy vọng hàn gắn đất nước hoặc đưa hàng triệu người dân quay về quê hương ngày một xa vời. Assad sẽ trị vì trên một vùng đất chết.
Không còn hy vọng cho quân nổi dậy
Phiến quân tiến vào Aleppo từ năm 2012. Cho đến mùa hè 2015, họ vẫn mường tượng về một chiến thắng trước Assad.
Nhưng được Nga và Iran tương trợ, cánh buồm của Assad luôn căng gió. Về mặt quân sự, Assad liên tiếp tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của ông là giải phóng mọi tấc đất Syria khỏi hình bóng "bọn khủng bố".
Bản thân Assad cũng thừa nhận rằng mục tiêu này là rất xa vời. Trả lời tờ al Watan hồi đầu tháng, Assad nói rằng chiến thắng tại Aleppo sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến. "Nhưng thật sự mà nói, điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt chiến tranh trên toàn lãnh thổ Syria."
Các nhà phân tích tình báo thuộc Flashpoint Partners cho rằng, đợt tấn công của IS tái chiếm thành cổ Palmyra vừa qua là minh chứng cho tình hình chiến sự phức tạp tại nhiều vùng ở Syria. "Bọn chúng đã chiếm được hàng chục mỏ khí và dầu trong thành phố, và khiến IS có bàn đạp để tiến vào tỉnh Homs".
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào của một giải pháp chính trị khả thi. Ngay cả trong thời khắc nguy cấp nhất - giữa 2015 - phe chính phủ cũng không bao giờ nghĩ đến việc hạ vũ khí. Giờ đây, nhất là khi Assad nắm trong tay quân cờ chiến lược, không có lý do gì để phải thỏa thuận.
Hơn nữa, môi trường quốc tế cũng đang trở nên thuận lợi hơn cho phe chính phủ so với 2011.
Cảnh hoang tàn tại Aleppo. Ảnh: BBC
Tấn công sai đối tượng
Hàng loạt trận chiến tương tàn ở Aleppo chỉ càng xoáy sâu thêm vào nỗi thù hận và tuyệt vọng của phe nổi dậy, cũng như hàng ngàn người dân bị mắc kẹt, không thể nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.
Một bộ phận người dân căm ghét chính phủ đã tuyên bố thà chết còn hơn đầu hàng.
Phản ứng của phương Tây với tình hình nước sôi lửa bỏng tại Aleppo chỉ gói gọn trong những lời lẽ chỉ trích tại Liên Hợp quốc, và các hành vi kêu gọi nhân đạo, thường xuyên bị Moscow phủ quyết.
Liên minh châu Âu tuyên bố không có kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trên cơ sở "không còn nước thành viên nào yêu cầu làm việc thêm về việc trừng phạt."
Bị dồn vào chân tường, các nhóm nổi dậy có khả năng sẽ thỏa thuận với nhóm Hồi giáo cực đoan chỉ để sống sót. Một số thậm chí sẽ bị sát nhập vào các nhóm chiến đấu.
Giám đốc MI6 Younger nhận định "do Syria và Nga định nghĩa rằng bất cứ ai phản đối chính quyền là khủng bố, Moscow và Assad đã cô lập chính những đồng minh tiềm năng có thể giúp tiêu diệt các phe phái cực đoan."