Thân tín của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên bàn việc gì?

Minh Thu |

Đại sứ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi trao đổi với thân tín của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 17/11 giữa lúc tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt.

Theo Kyodo, ông Song Tao, người đứng đầu Ban Đối ngoại thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc đã gặp mặt ông Choe Ryong Hae, phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên sau khi ông Song đặt chân tới thủ đô Bình Nhưỡng vào chiều qua. Đây là hoạt động trao đổi cấp cao đầu tiên giữa Trung - Triều trong hơn một năm qua.

Chuyến thăm của ông Song tới Triều Tiên diễn ra sau một tuần Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Bắc Kinh và thảo luận với ông Tập. Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã thống nhất “gia tăng sức ép kinh tế cho tới khi Bình Nhưỡng chịu từ bỏ con đường khiêu khích và nguy hiểm”.

Tổng thống Trump đã miêu tả chuyến thăm của ông Song là “động thái lớn” trên Twitter hôm 16/11 và nhấn mạnh “chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra”.

Kể từ ngày 15/9 sau vụ phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản, Triều Tiên chưa tiến hành thêm bất cứ vụ phóng thử tên lửa nào.

Về phần mình, Trung Quốc cho hay mục tiêu chính trong chuyến thăm của ông Song là thông báo với Triều Tiên về kết quả Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra hồi cuối tháng 10 cũng như thảo luận về mối quan hệ song phương giữa hai nước cùng những vấn đề hai bên đều quan tâm.

Theo một nguồn tin giấu tên, phái đoàn Trung Quốc gồm 10 thành viên do ông Song đứng đầu sẽ ở lại Bình Nhưỡng tới ngày 20/11, Nhiều khả năng, ông Song sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong thời gian qua, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép lớn với Trung Quốc để buộc quốc gia này có thêm hành động kiềm chế Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần khẳng định, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cần được giải quyết triệt để thông qua “đối thoại và tham vấn” cũng như đề xuất kế hoạch “đóng băng kép” để hạ nhiệt căng thẳng.

Hôm 17/11, tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên đã cho đăng một bài bình luận nhấn mạnh, Mỹ thật “khờ dại” khi kêu gọi đối thoại nhằm buộc Triều Tiên phải hủy bỏ phát triển vũ khí hạt nhân trong khi Washington vẫn thi hành “chính sách thù địch” với Bình Nhưỡng.

“Vấn đề liên quan tới lợi ích của chính phủ và an ninh của người dân thì không thể đưa lên bàn đàm phán. Chúng ta không quan tâm tới các cuộc đối thoại”, tờ Rodong Sinmun viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại