Khi trẻ con phải… tội
Ở kỳ 1, chúng tôi đã đề cập đến vụ phanh phui gian lận tuổi tác của bóng đá Việt Nam (VFF) các năm 2001, 2002 và 2003. Trong thời gian ấy, rất nhiều vụ được đưa ra ánh sáng và Đậu Sỹ Điệp, người vốn được coi là "thần đồng" của SLNA bị phát hiện là "ăn gian" tuổi. Cụ thể, thời điểm Điệp giành Vua phá lưới giải nhi đồng U11, thì cầu thủ này đã ở… tuổi 16, 17.
Báo chí đã vào cuộc và rất nhiều "bí mật" đã được… khai quật. Nhưng lãnh đạo của SLNA lúc bấy giờ vẫn khăng khăng cho rằng, lỗi chính trong vụ gian lận này là do... gia đình của Đậu Sỹ Điệp khai man tuổi, kể từ lúc cầu thủ này xin gia nhập đội bóng.
Thậm chí, một vị "quan lớn" còn đòi được… khen ngợi vì đã phát hiện ra vở kịch "con lạc đà chui qua lỗ kim" là có thật. Lần theo những chứng cứ, các đồng nghiệp của chúng tôi đã về đến tận ngôi trưởng ở TP.Vinh (Nghệ An) mà Điệp đang theo học để xác minh và cơ quan chức trách đã vào cuộc.
Cuối cùng thì trắng – đen đã rõ mồn một. SLNA bị tước tất cả các danh hiệu và cấm thi đấu 2 năm ở tất cả những giải đấu có liên quan đến vụ gian lận tuổi. Ở tuổi 17, Đậu Sỹ Điệp trở nên nổi tiếng nhờ "tai tiếng" hơn là tài năng của mình. Anh chạy trốn khỏi những ánh mắt dị nghị, soi sét của bạn bè, của đồng nghiệp, của hàng xóm…
Đậu Sỹ Điệp (áo vàng, bên phải) chờ đợi cơ hội vào sân bóng phủi.
Ở tuổi 17, Đậu Sỹ Điệp vẫn còn là một cậu bé hơn là một anh chàng thanh niên "bẻ gãy sừng trâu". Ấy vậy mà phải chịu tất cả những "đòn roi" do căn bệnh thành tích của "người lớn" gây ra.
"Nói thật, tôi chẳng biết gì cả, nghe nói được đá bóng thì vác balo lên và đi thôi. Chuyện dài lắm, kể bao giờ cho hết chữ để anh ghi báo…
Mà thôi, chúng ta bỏ qua chuyện cũ này đi. Cũng chẳng hay ho gì với những chuyện như vậy đâu. Cuộc sống mà, cứ nghĩ nó là cái duyên đi. Đen thôi đỏ chấp tất phải không anh?!", Điệp nói với chúng tôi với giọng trầm.
Còn rất nhiều "thần đồng" như Đậu Sỹ Điệp
Sau chủ trương chống vấn nạn gian lận tuổi trong bóng đá của VFF, SLNA đã tiến hành rà soát 62 trường hợp. Số gian lận tuổi ở lứa U15 là 8 em. Trong lứa U13 thì số lượng khai không đúng tuổi lên đến kỷ lục, đặc biệt có 5 em đang học lớp 11, 7 em học lớp 10.
Ngoài những trường hợp đã được báo chí nêu nhiều như Đậu Sỹ Điệp, còn có những cái tên quen thuộc khác như Nguyễn Ánh Bá Tư, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Thanh Hải…
"Thần đồng" SLNA nay làm công nhân và đá "phủi"
Chúng tôi tình cờ gặp khi Đậu Sỹ Điệp cùng các "chiến hữu" của đội Lam Hồng FC đang tham gia giải "phủi" sân 7 người Trường Thịnh 2017 diễn ra trên sân 367 (Hoàng Hoa Thám, Tân Bình, TP.HCM).
Hỏi mới biết, Lam Hồng FC là đội bóng có sự góp mặt của một số cầu thủ từng ăn tập tại lò SLNA, Quân Khu 4 và đa số đều có gốc gác từ Nghệ An, Hà Tĩnh. Chính vì thế, ông bầu đội bóng này mới lấy tên là Lam Hồng FC.
Đậu Sỹ Điệp thuộc biên chế của Lam Hồng FC. Nhưng theo tiết lộ của ông bầu đội bóng, dù chân còn "ngoan" nhưng Điệp đã mất vị trí vào tay người khác vì không đáp ứng được thể lực.
"Dạo này bia bọt nhiều nên tui tăng cân vù vù. Đây là giai đoạn tui đang kiêng cữ để lấy lại thân hình ‘mi nhon’ như ngày trước để được ra sân chơi bóng", Điệp hài hước nói về bản thân.
Chúng tôi cũng đã hỏi Điệp cơ duyên nào đưa anh vào tới tận Vũng Tàu? Anh nói: "Cũng từ bóng đá mà ra cả. Trong một dịp cùng với bạn đi đá giải hội Nông dân được hạng Nhì thì được để ý.
Thấy chân cẳng còn chơi được, họ tuyển về chơi bóng đá, rồi tui xin vào làm việc ở một công ty dầu khí tại Vũng Tàu. Công việc cũng nhàn nhưng thời gian gần đây, dầu bán không được nên cuộc sống chỉ tàm tạm".
Đậu Sỹ Điệp (ngồi, thứ 2 từ phải qua trái) hiện là công nhân trong ngành dầu khí.
Năm 2013, Đậu Sỹ Điệp lấy vợ. Cho đến bây giờ, anh đã có một cô công chúa xinh xắn. Bà xã của anh cũng làm bên công ty dầu khí nhưng cuộc sống chẳng phải khá giả gì. Hai vợ chồng còn phải thuê nhà ở trọ và anh đã tính tới ngày "quy cố hương".
"Sống trên đất khách quê người, không có gia đình nên mọi thứ cái gì cũng khó khăn. Cũng may được một số bạn bè thân hữu hỗ trợ chứ không cũng mệt.
Tui tính rồi, gắng cày thêm thời gian nữa, nếu không ổn thi về Nghi Lộc (Nghệ An) lái xe cho ông già. Nói chung con cái lớn rồi cũng phải lo cho tương lai của nó nữa. Thân mình sao cũng được, còn vợ con thì khác…", đoạn nói xong, Đậu Sỹ Điệp nhìn với ánh mắt xa xăm.
Đêm qua, tôi nhắn tin hỏi Điệp vài thứ. Anh khá cởi mở, nhưng được mấy câu thì Điệp xin phép đi ngủ sớm. Và lý do duy nhất là ngủ để có sức khỏe để mai đi… kiếm cơm.
"Thần đồng" của SLNA dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, giờ cũng là người đàn ông của gia đình. Đó là điều đáng quý và đáng trân trọng ở Đậu Sỹ Điệp, cái tên một thời từng làm mưa làm gió ở các giải nhi đồng chỉ vì đam mê của con trẻ và cả những "con tính danh vọng" từ người lớn.
Bài 3: Đến Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh cũng nể "thần đồng" dăm phần
Đậu Sỹ Điệp có tài năng nhưng anh không có duyên với bóng đá đỉnh cao. Sau khi rời SLNA, anh ra Hà Nội rồi ngược vào Vinh và bến đáp cuối là Vũng Tàu. Nói đến tài năng của Sỹ Điệp, những người như Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh cũng phải nể dăm phần…
Nỗi đau Trần Thế Vọng
Cũng vì bất chấp mọi sự gian dối, bóng đá Việt Nam từng phải chứng kiến một nỗi đau khó quên, của tài năng trẻ Gia Lai – Trần Thế Vọng. Cầu thủ này từng toả sáng rực rỡ trên sân chơi dành cho các cầu thủ nhí toàn quốc. Thế Vọng không chỉ là niềm hy vọng một thời của phố Núi mà còn cả bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, em đã không tới với trái bóng tròn, giày đinh, áo số sau vụ phanh phui liên quan đến gian lận tuổi. Sau khi nghỉ bóng đá, Vọng phải làm lơ xe để mưu sinh. Cũng chẳng ai ngờ, người cũng được coi là "thần đồng" lại qua đời vì tai nạn giao thông.