Cụ thể, thầy Park nói: "Nếu tạo điều kiện để đội U22 Việt Nam có 5 tuần chuẩn bị cho SEA Games 30, tôi xin hứa sẽ mang về chức vô địch môn bóng đá nam tại đại hội thể thao khu vực".
Lời hứa của HLV Park Hang-seo thoạt nghe có vẻ không quá khó khăn, vì vào cuối năm thì V.League cũng đã nghỉ, VFF có thể thoải mái triệu tập các cầu thủ lên chuẩn bị cho SEA Games 2019.
Tuy nhiên, gần như tất cả trụ cột ở U22 Việt Nam dự SEA Games hiện cũng đang là những nhân tố quan trọng trên ĐTQG, sẽ thi đấu vòng loại World Cup 2022 vào tháng 9, 10 và 11. Những Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng... gần như sẽ cùng ĐTQG thi đấu đến tận 19/11, tức sau đó chỉ còn hơn 1 tuần là ra sân tại SEA Games.
Cứ cho là những ngôi sao này không cần nghỉ ngơi 1 chút nào, lập tức sang U22 Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games thì khoảng thời gian cũng chỉ còn hơn 1 tuần.
Khó khăn chồng chất cho HLV Park Hang-seo khi nhận nhiệm vụ vô địch SEA Games 2019.
Đành rằng trước đó các trụ cột này cũng vẫn dưới quyền thầy Park, tập luyện và thi đấu trên ĐTQG. Nhưng bóng đá là môn thể thao phối hợp, điều cần thiết là toàn đội U22 Việt Nam cần rèn luyện với nhau để tạo sự nhuần nhuyễn, chứ không phải chia năm, xẻ bảy thế này.
Chưa kể, khoảng cách giữa các trụ cột ở đội U22 với phần còn lại là khá lớn. Cứ nhìn cách U22 Việt Nam với đội hình phụ thi đấu giải Vô địch U22 ĐNÁ 2019 cách đây ít tuần thì biết. Khi đó, các học trò của ông Nguyễn Quốc Tuấn đã thể hiện bộ mặt khá nhạt nhòa và phải cố gắng hết sức mới đoạt được vị trí thứ 3, sau khi thắng hiểm chủ nhà Campuchia 1-0.
Như vậy, về hình thức lẫn thực chất, VFF đều khó đáp ứng điều kiện của HLV Park Hang-seo, tức có 5 tuần để một đội "U22 hoàn chỉnh" chuẩn bị cho SEA Games 2019. Phương án tập trung nhỏ lẻ, để "gom vào cho đủ" 5 tuần dĩ nhiên cũng không phải cách làm hoàn hảo.
HLV Park Hang-seo đề ra một yêu cầu rất hợp lý nhưng lời đề nghị ấy vừa nói đã thấy đầy khó khăn. Vậy thì cái vế "tôi xin hứa sẽ mang về chức vô địch môn bóng đá nam tại đại hội thể thao khu vực" nên hiểu thế nào đây?