Cú nhảy vọt
35 năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài nhỏ bên bờ biển, lặng lẽ tồn tại bên Hong Kong sầm uất và giàu có.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi, khi nơi đây được chọn để trở thành đặc khu kinh tế - khuyến khích đầu tư kinh doanh và đầu tư nước ngoài - đầu tiên của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Thâm Quyến đã quét sạch những khu ổ chuột của công nhân lao động. Các nhà máy dây chuyền tự động do lao động nhập cư điều hành cũng lũ lượt rời đi. Thay vào đó là sự xuất hiện của các ngân hàng, công ty công nghệ, trụ sở nghiên cứu.
Thị trấn từng là nơi sinh sống của 60.000 cư dân những năm 80 nhanh chóng phát triển thành một đô thị 15 triệu người vào năm 2016. Ngôi làng nhỏ đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ lớn nhất. Nếu như Thung lũng Silicon là thủ đô phần mềm của thế giới, thì có thể nói, Thâm Quyến sẽ là công xưởng phần cứng toàn cầu: 90% thiết bị điện tử trên thế giới được sản xuất tại Thâm Quyến, bao gồm cả tivi và điện thoại di động.
"Mọi con đường sản xuất phần cứng đều dẫn đến Thâm Quyến" - Cyril Ebersweiler, nhà sáng lập HAXLR8R nói.
Trung tâm của phần cứng Thâm Quyến tọa lạc tại khu Hoa Cường Bắc - một trong những "chợ" công nghệ lớn nhất thế giới, nơi người ta có thể nhìn thấy mọi thương hiệu công nghệ mới nhất từ Tây đến Tàu. Nguyên khu Hoa Cường Bắc có khoảng 20 trung tâm mua sắm lớn, tổng diện tích lên đến 70 triệu mét vuông, với xấp xỉ 130 nghìn lao động làm việc ở đây. Mỗi năm, doanh thu từ khu vực này có thể đạt 20 tỷ USD.
Thâm Quyến không chỉ gia công thiết bị. Nhờ vào cái gọi là hệ sinh thái mở Shanzai (sản xuất ra các "bản sao" của "bản gốc"), các sản phẩm được sản xuất ra nhanh và linh hoạt hơn.
Một số công ty công nghệ ở Thâm Quyến đã dành rất nhiều nguồn lực, thời gian để thiết kế những sản phẩm mới, tham khảo thiết kế từ các thương hiệu. Những thiết kế mở này được gọi là "gongban" - "public board". Những gongban này được rất nhiều các công ty sản xuất tại Trung Quốc sử dụng trực tiếp, hoặc sửa đổi và phát triển thêm những tính năng mới của mình trên đó.
Biến công nghệ Trung Quốc trở thành nỗi "khiếp sợ" của thế giới
Thâm Quyến là quê hương của những công ty công nghệ lớn bậc nhất thế giới ngày nay: gã khổng lồ Tencent, ông lớn Huawei và người bạn đồng hành ZTE, cũng như nhà sản xuất robot Makeblock, bên cạnh nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới DJI.
Có rất nhiều công ty Trung Quốc sản xuất hàng nhái, nhưng DJI thì không. Công ty thành lập năm 2006 bởi một sinh viên đại học tên Frank Wang. Ban đầu, cậu ấy chế tạo linh kiện cho máy bay tự lái, và sau đó là xây dựng một đế chế của riêng mình.
"Tôi cho rằng giá trị cốt lõi của DJI là luôn cải cách và sáng tạo. Ví dụ, khi chúng tôi sản xuất ra máy bay tự lái thì chưa có flying camera tự động đâu, chính chúng tôi đã tạo ra chúng" – Yang Shuo, giám đốc công nghệ của DJI nói.
DJI trình làng flying camera tự động lần đầu tiên năm 2012 – với cái tên Phantom. Từ đó, họ sản xuất những chiếc camera tự động to hơn cũng có, nhỏ hơn cũng có và siêu nhỏ cũng không thiếu, thậm chí là những chiếc chuyện dụng để giám sát nông trại – tất cả đều bán chạy, thu về hàng tỷ USD mỗi năm.
"Nhà sáng lập của chúng tôi, sau khi DJI đã gặt hái được một chút thành quả, anh ấy đã nghĩ đến việc tổ chức một cuộc thi robot của riêng mình - RoboMasters. Anh ấy muốn các kỹ sư được công nhận như những ngôi sao. Chúng tôi hi vọng cuộc thi này sẽ truyền cảm hứng cho tất cả các kỹ sư công nghệ Trung Quốc" –Yang Shuo chia sẻ.
Không chỉ có cuộc thi RoboMasters, còn có chương trình truyền hình thực tế RoboMasters, hoạt hình anime RoboMasters. Tất cả đều nhằm mục tiêu truyền cảm hứng cho một thế hệ kỹ sư công nghệ mới của Trung Quốc, tham gia vào lĩnh vực này và phát triển chúng hơn nữa.
Huawei thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) - một cựu kỹ sư không quân hàm của Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc ở Thâm Quyến. Tại thời điểm đó, tất cả các thiết bị viễn thông của Trung Quốc đều phải nhập khẩu, ông muốn tự sản xuất ra các thiết bị đó tại Trung Quốc, và cuối cùng đã thành công, vượt mặt các công ty nước ngoài.
Công ty nhanh chóng thay thế các linh kiện sản xuất ở Hong Kong trên thị trường bằng các sản phẩm của riêng mình. Sự hậu thuẫn của chính phủ giúp Huawei có được những ưu thế cần thiết để tăng trưởng, họ chỉ cần làm tốt việc của mình là đủ.
Họ đã làm tròn vai. Họ đã tự sản xuất được pin không dây, thiết bị di động, viễn thông, và những sản phẩm cốt lõi nhất của Internet, và quan trọng là giá của họ rẻ hơn rất nhiều. Tất nhiên có những quốc gia khác, những công ty khác ở châu Âu chế tạo được những sản phẩm này, nhưng Huawei đang đi đầu về giá và bỏ xa các đối thủ của họ.
Đến năm 2012, Huawei trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2018, họ đã đuổi kịp Apple, trở thành nhà sản xuất smartphone thứ 2 toàn cầu. Nhưng thành công lớn nhất của Huawei, khiến Hoa Kỳ phải khiếp sợ công nghệ Trung Quốc, chính là cuộc cách mạng 5G. Quốc hội Mỹ đã phải ban lệnh cấm các thiết bị Huawei, đồng thời kêu gọi EU tẩy chay điện thoại thông minh 5G của họ.
Thâm Quyến giờ đây đã không còn thỏa mãn với vài trò "thủ phủ phần cứng", tham vọng của họ là trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ, chứ không chỉ là nơi người ta đến mua mua đồ điện tử và đồ chơi giá rẻ. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ sớm nhìn thấy sự thay đổi từ "Made in China" sang "Designed in China".
Tất cả những thứ ta đang thấy, chỉ là khởi đầu.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…
Theo