Ảnh minh họa.
GDP của Trung Quốc vẫn tăng trong quý 1/2023 nhưng sản lượng và doanh số bán ô tô và đồ gia dụng không thay đổi và triển vọng xuất khẩu vẫn còn u ám.
Tại ga Long Hoa, có nhiều bộ phận sắp xếp công ăn việc làm cho người di cư đến từ các vùng khác của Trung Quốc. Thế nhưng, một người tìm việc đến từ một thành phố nhỏ ở tỉnh Quảng Đông đã đến đây từ cuối tháng 3 cho biết: “Tôi đã ở đây 3 ngày rồi nhưng không hề có tuyển dụng nào phù hợp với kỹ năng của tôi cả.”
Việc làm cho lao động thời vụ từ các vùng nông thôn thường đi kèm với chỗ ở nhưng những người không thể tìm được việc làm thường chịu cảnh màn trời, chiếu đất. Cảnh những người di cư thất nghiệp co ro trong túi ngủ tại nhà ga đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội.
Một nhân viên bảo vệ tại nhà ga cho biết: “Mặc dù công nhân thời vụ đã quay trở lại nhưng hoạt động tại các nhà máy sản xuất vẫn chưa hồi phục đủ để thuê họ.”
Theo nhân viên này, các nhà chức trách địa phương đã mở nhà ở tạm thời cho 200 người vì lo ngại tình hình an ninh tại nhà ga ngày càng xấu đi. Những người di cư có thể ở trong những khu nhà trọ trong vài ngày để tìm việc làm, nhưng biện pháp tạm thời này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Số lượng người di cư vào cuối tháng 3 đã tăng 2,3% so với một năm trước đó và 3,1% so với cuối tháng 3 năm 2019 tức là trước khi Covid bùng phát.
Chính quyền địa phương đang cố gắng giải quyết tình trạng thất nghiệp. Tỉnh Quảng Đông đã đưa ra kế hoạch gửi 300.000 thanh niên đến các làng nông thôn vào cuối năm 2025 để hồi sinh nền kinh tế địa phương.
Trong số những người tham gia này, 10.000 người dự kiến sẽ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 10.000 người khác sẽ nhận được sự giúp đỡ để thành lập doanh nghiệp mới.
Sản xuất chậm chạp là một trong những lý do khiến thị trường lao động trầm lắng. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 3 tăng trưởng với tốc độ 3,0%, chậm lại so với mức tăng trưởng hàng năm là 3,6% vào năm 2022.
Triển vọng xuất khẩu cũng rất không chắc chắn. Trong số hàng chục cần cẩu thường dùng để di chuyển hàng hóa đến và đi từ các tàu tại cảng Thiên Tân, khoảng 60% trong số đó không hoạt động vào cuối tháng 3. "Các đơn đặt hàng nhận được từ nước ngoài ít hơn một nửa so với mức của năm trước," một chủ sở hữu thương mại ở Thiên Tân than thở.
Lạm phát cao hơn đã làm giảm nhu cầu ở nước ngoài đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Cơ quan hải quan cảnh báo thương mại bên ngoài của Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.
Với những khó khăn này, sự lo lắng bao trùm lên các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.
Tham khảo Nikkei Asia