Thảm kịch IL-20: Không, ngàn lần không! Nga đừng chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria

Bình Nguyên |

Sau thảm kịch máy bay IL-20 bị bắn hạ, có ý kiến cho rằng Nga sẽ sớm chuyển giao cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tối tân. Tuy nhiên, dường như đây sẽ là một sai lầm?

Vụ Không quân Israel "giăng bẫy" lừa tên lửa phòng không S-200 Syria bắn nhầm, hạ gục máy bay trinh sát IL-20 của Nga bắn nhầm khiến toàn bộ phi hành đoàn 15 người thiệt mạng đã đẩy tình hình Trung Đông trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, nhất là khi Nga đanh thép tuyên bó sẽ có những hành động cứng rắn.

Điều này khiến giới quan sát quân sự quốc tế nhận định, sau khi chỉ đích danh "thủ phạm" phải chịu trách nhiệm cho thảm họa IL-20 bị bắn rơi, Nga có thể áp dụng những đòn trả đũa với Israel và sẽ sớm chuyển giao cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tối tân vốn đã bị Moscow trì hoãn lâu nay do sức ép quốc tế.

Dù bị Nga tuyên bố "phải chịu trách nhiệm" nhưng Israel vẫn cương quyết sẽ tiếp tục tiến hành các vụ không kích tấn công lực lượng Iran và Hezbollah khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cho hay, Tel Aviv sẽ không ngừng các hoạt động quân sự tại Syria.

Vậy Nga có thực sự "ra tay" khi chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria? Họ có thể gặp phải những rủi ro gì?

Thảm kịch IL-20: Không, ngàn lần không! Nga đừng chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 Israel "giăng bẫy" để tên lửa phòng không S-200 Syria bắn nhầm máy bay trinh sát IL-20 Nga. Ảnh minh họa.

Phòng không Syria có trình độ tác chiến kém?

Đây là điều mà truyền thông Nga và phương Tây tranh cãi bấy lâu nay, đặc biệt là sau đợt tấn công bằng tên lửa của Mỹ-Anh-Pháp hôm 14/04/2018 nhằm vao Syria với cái cơ "Damascus sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường".

Mỹ và liên quân bảo hầu hết các tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của họ đã đánh trúng mục tiêu, còn BQP Nga thì ngay sau đợt tập kích kết thúc đã công bố kết quả sơ bộ: Syria đánh chặn thành công quá nửa số đạn tên lửa hành trình mà Mỹ-Anh-Pháp sử dụng. Tuy nhiên, sau đó phía Nga đã hạ thấp tỷ lệ này xuống khá nhiều.

Khách quan mà nói, dựa trên các bức không ảnh chụp sau chiến dịch tấn công, liên quân đã thành công phần nào khi phá hủy được toàn bộ các mục tiêu đã định, không một tòa nhà nào còn nguyên vẹn, tất cả đều trở thành đồng gạch vụn không hơn không kém.

Trong khi Nga-Syria tuyên bố đã bắn hạ nhiều tên lửa và "bắt sống" một số quả còn gần như nguyên vẹn, nhưng lại chưa hề có bức ảnh nào được tung ra để chứng minh cho điều này.

Chính vì thế, người ta có quyền nghi ngờ Nga-Syria thổi phồng kết quả trận đánh hôm 14/04 của phòng không Syria và rằng hiệu suất chiến đấu của lực lượng này rất kém, để tên lửa liên quân lọt lưới phá hủy nhiều mục tiêu.

Tiếp đó, trong các trận đối đầu với không quân Israel, phòng không Syria không ngăn chặn được triệt để các tên lửa phóng tới, khiến nhiều mục tiêu của cả Syria lẫn Iran, Hezbollah bị đánh trúng, thiệt hại nặng.

Đỉnh cao của trình độ tác chiến kém đó là vụ tên lửa phòng không S-200 Syria bắn nhầm, hạ gục máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Nga, điều mà nhẽ ra không thể xảy ra khi họ nắm rất rõ đường bay của nó.

Thảm kịch IL-20: Không, ngàn lần không! Nga đừng chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria - Ảnh 3.

Mô tả tình huống máy bay trinh sát IL-20 Nga bị bắn nhầm. Nguồn: BQP Nga.

Tất nhiên, một trong những nguyên nhân chính là KQ Israel đã "giăng bẫy" quá hoàn hảo, nhưng lỗi chủ yếu vẫn là do kíp chiến đấu có bản lĩnh và trình độ tác chiến kém, luống cuống, rồi trí trong xử lý tình huống trên không, quyết định bắn một cách "bừa bãi", chẳng biết mình đang nhằm vào cái gì.

Phòng không Syria chủ quan, kỷ luật kém?

Trong khi toàn bộ các tổ hợp tên lửa phòng không, radar Nga bố trí ở Syria đều được ngụy trang rất tốt bằng các loại bạt chuyên dụng thì dường như phòng không Syria lại không làm như vậy.

Có thể thấy rõ điều này khi các ảnh chụp gần đây hầu như phòng không Syria chẳng ngụy trang gì hết, và họ đã phải lĩnh một hậu quả hết sức nặng nề.

Đó là máy bay không người lái cảm tử của Israel đã "vồ trúng", tiêu diệt một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Syria nằm chơ vơ giữa đường băng một sân bay quân sự mà không hề có ngụy trang hay công sự che chắn.

Thảm kịch IL-20: Không, ngàn lần không! Nga đừng chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria - Ảnh 4.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 bị Israel tiêu diệt.

Trong tác chiến phòng không, đây là điều tối kỵ, phải chăng các kíp chiến đấu tên lửa Syria không tuân thủ kỷ luật, chủ quan và quá dễ dãi? Vì thế, cái giá phải trả là rất đắt.

Nếu Nga chuyển giao cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tối tân, liệu tình trạng này có tiếp tục diễn ra? Có thể lắm chứ bởi các kíp chiến đấu mới được đào tạo sẽ phải mất rất nhiều thời gian, có thể là hàng năm trời, thậm chí nhiều năm trời, để làm chủ khí tài mới!

Thảm kịch IL-20: Không, ngàn lần không! Nga đừng chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria - Ảnh 5.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2 Favorit của Nga.

Chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể khiến S-300 bị đối phương tiêu diệt trước khi kịp phóng đạn.

Và nếu điều này xảy ra, một lần nữa vũ khí Nga sẽ bị Syria làm "mất thiêng" như bao nhiêu vụ "tày trời" đã từng khiến Liên Xô và nhiều quốc gia đồng minh điêu đứng khi Ai Cập, Syria liên tiếp để Israel-Mỹ "bắt sống" nhiều loại vũ khí hiện đại trong những thập niên 1960-1970.

Israel đã thề rằng họ sẽ truy diệt tới cùng các tổ hợp tên lửa S-300 một khi chúng được chuyển giao cho Syria.

Tel Aviv đã nói là làm, liệu S-300 của Syria sẽ tồn tại được bao lâu khi mà từng ngày từng giờ bị Israel săn diệt? Liệu các kíp chiến đấu tên lửa Syria có bảo toàn được lực lượng?

Không, ngàn lần không! Nga cần phải có cái "đầu lạnh", đừng vì căng thẳng nhất thời mà chuyển giao cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tối tân ngay lúc này để rồi hối không kịp!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại