Cho đến giờ vụ án này vẫn chưa có lời giải mặc dù hơn một nửa thế kỷ qua các nhà khoa học, chuyên gia phân tích, điều tra viên đến từ nhiều nước đã cố gắng nghiên cứu, tìm cách phá án.
HÀNH TRÌNH ĐỊNH MỆNH
Chuyến đi thám hiểm thiên nhiên có thể trở thành một trải nghiệm thú vị đối với những người thích đi đó đây du lịch khám phá, nhưng đối với nhóm leo núi của Viện Bách khoa Ural (nay là Đại học Kỹ thuật quốc gia Ural) thì đó là hành trình một đi không trở lại.
Ngày 25/1/1959, một hướng dẫn viên trượt tuyết cùng 3 kỹ sư và 7 sinh viên thuộc Viện Bách khoa Ural (thành phố Sverdlovsk, Liên bang Xô Viết cũ) đón chuyến tàu tới phía bắc vùng núi Ural để thực hiện hành trình mạo hiểm chinh phục dãy núi Otorten.
Thủ lĩnh của nhóm leo núi là Igor Dyatlov, 23 tuổi (sau này được đặt tên cho con đèo nơi 9 người thiệt mạng) là một thanh niên sôi nổi, nhiệt thành.
Anh tổ chức chuyến đi cho những con người có sở thích leo núi mạo hiểm, với mục đích tạo ra môi trường thực tế huấn luyện thể chất để các thành viên chuẩn bị tinh thần cho những chuyến đi khó khăn, vất vả hơn sau này.
Trưởng nhóm Igor Dyatlov.
Khi nhóm rời nhà ga và chuẩn bị lên xe khách hướng về dãy núi Ural, một thành viên trong đội Yury Yudin cảm thấy không được khỏe và buộc phải ở lại tĩnh dưỡng ở thị trấn Vizhai.
Ôm tạm biệt những người đồng đội, Yudin nhìn họ dần rời xa với ánh mắt ganh tị mà không hề biết mình may mắn biết bao khi là người duy nhất trong đội không bỏ mạng trên vùng núi giá lạnh.
Những năm tháng sau trong cuộc đời của Yudin luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ không thể khám phá ra loại năng lực gì đã cướp mất mạng sống những người bạn của mình.
Hai ngày sau, 9 nhà leo núi trẻ, bao gồm hướng dẫn viên leo núi Alexander Zolotarev, 3 kỹ sư Rustem Slobodin, Georgyi Krivonischenko và Nicolas Thibeaux-Brignollel cùng các sinh viên Yuri Doroshenko, Zinaida Kolmogorova, Lyudmila Dubinina, theo chân đội trưởng Dyatlov tiến lên điểm dừng chân đầu tiên trong chặng đường vượt núi Gora Otorten.
Hành trình định mệnh bắt đầu vào tối 28/1/1959 nhưng không một ai hoàn thành được đích đến, và cũng không một ai sống sót trở về.
Những thi thể đầu tiên
Theo lịch trình, đội thám hiểm của Dyatlov sẽ chỉ mất 3 ngày để leo lên đỉnh ngọn Kholat và quay trở lại thị trấn Vizhai vào ngày 11/2/1959. Đến lúc đó, họ sẽ phát điện tín về cho gia đình người thân thông báo hoàn thành nhiệm vụ.
Cho đến ngày trở về, khi không có bất kỳ bức điện tín nào được thông báo, phần lớn gia đình các nhà leo núi cũng không mảy may tỏ vẻ lo lắng, vì họ cho rằng những chuyến đi thám hiểm dài ngày kiểu này hiếm khi hoàn thành đúng thời hạn.
Nhưng bẵng đi một tuần vẫn không hề xuất hiện mẩu tin tức gì từ nhóm thám hiểm, người thân bắt đầu cảm thấy bất an. Họ yêu cầu Viện Bách khoa Ural tổ chức ngay một cuộc tìm kiếm và hoạt động cứu hộ.
Khu lều rách nát - hiện trường vụ mất tích.
Sau vài ngày tìm kiếm không có kết quả, quân đội và chính quyền vào cuộc. Máy bay quân sự và trực thăng được điều động đến vùng núi hẻo lánh tìm kiếm trên diện rộng.
Mãi đến 25/2, một viên phi công phát hiện điều bất thường trên sườn núi phía dưới, dần hé lộ những tin tức đầu tiên của vụ án 9 người mất tích.
Ngay ngày hôm sau, một đơn vị tìm kiếm - trong đó có sinh viên trường bách khoa Mikhail Sharavin - bắt đầu tìm đường lên sườn núi phía đông của ngọn núi được mã hóa “1079” trong hồ sơ điều tra.
Ngọn núi này là nơi sinh sống của tộc người Mansi, có tên gọi địa phương “Kholat Syakhl”, mang nghĩa là “Ngọn núi chết chóc”.
Khi đến được vị trí phát hiện vật bất thường, đội cứu hộ tìm thấy một chiếc lều bị phá nát hoàn toàn, xung quanh là những dấu chân hoảng loạn của ít nhất 8 người đang cố gắng thoát khỏi căn lều.
Bản báo cáo của Sharavin miêu tả cảnh tượng: “Chúng tôi phát hiện một chiếc lều rách toạc, một nửa bị tuyết phủ kín. Bên trong không có gì ngoài đồ đạc và giày của nhóm leo núi”.
Những vết chân còn sót lại quanh lều được xác định là của các nạn nhân chưa kịp đi giày, chỉ dùng chân trần hoặc đeo tất giẫm lên tuyết chạy trốn.
Có hai người đã chạy men theo sườn núi xuống rừng rậm phía dưới, nhưng sau đó, đội cứu hộ cũng mất dấu vết tìm kiếm khi tuyết phủ kín mặt đất cách khu vực lều trại gần 500 mét.
Nỗ lực kiên trì tìm kiếm đến cùng, Sharavin tìm thấy dấu vết tàn tro, dụng cụ đánh lửa… và thi thể đông cứng của hai thành viên Doroshenko và Krivonischenko.
Đau thương hơn, họ chết trong tư thế lõa thể chỉ vọn vẹn có chiếc quần lót trên người. Xung quanh bọn họ ngổn ngang vài mảnh vỏ cây tùng.
Phân tích sau này của tổ pháp y khẳng định những mảnh da ở trên thân cây tùng bên cạnh là của hai nạn nhân. Rõ ràng bọn họ vì một nỗi sợ kinh hoàng nào đó, cố gắng trèo lên cây trốn thoát nhưng không thành.
Tại thời điểm đó, đội cứu hộ tin rằng có thể xuất hiện một con “quái vật” đã làm những người trong nhóm leo núi hoảng sợ đến mức không kịp mặc quần áo, bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt chạy ra ngoài và bất lực bấu víu vào cây làm rách da thịt nhằm tìm cho mình chỗ trú ẩn an toàn.
Nhưng điểm kì lạ ở chỗ không hề có dấu vết bất kì “sinh vật” nào đuổi theo, và sự thật nạn nhân còn có thời gian đốt lửa sưởi ấm, cũng như thi thể vẫn còn nguyên vẹn không có thương tích nặng, lại khiến cho các nhà điều tra đau đầu khó hiểu.
Không lâu sau khi tìm ra thi thể của Doroshenko và Krivonischenko, đơn vị tìm kiếm phát hiện tiếp thi thể của đội trưởng Dyatlov cách đó gần 280 m.
Dyatlov chết trong trạng thái nằm ngửa, một tay nắm chặt một cành bạch dương trong khi tay còn lại bị co cứng và đóng băng đặt ở tư thế bảo vệ đầu trước “một thế lực tấn công không tên”.
Lần lượt nhóm cứu hộ phát hiện ra các thi thể tiếp theo. Bị chôn nửa người trong tuyết cách lều trại không xa là thi thể của Rustem Slobodin, gục mặt xuống mặt đất.
Hộp sọ của Slobodin đã chịu tổn thương khi có một áp lực gây ra vết nứt dài gần 20 cm, Song chuyên gia y tế sau đó khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của Slobodin là do bị hạ thân nhiệt chứ không phải do chấn thương.
Zinaida Kolmogorov được phát hiện ở vị trí xa nhất so với chỗ cắm trại. Có vết máu xuất hiện xung quanh thi thể của cô nhưng cho đến giờ vẫn chưa có kết luận vết máu đó có phải của Zinaida Kolmogorov hay không.
Các nhân viên cứu hộ cũng không hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ sinh viên này khi không phát hiện ra bất kì dấu vết vật lộn hay chống cự.