Italia đã suy kiệt từ lâu
Thế giới gọi sự kiện Italia thua trận trước Bắc Macedonia và mất tấm vé dự World Cup 2022 là một thảm họa, một cú sốc. Đúng, đây là một thảm họa, đối với cả nền bóng đá Ý nói riêng và làng túc cầu thế giới nói chung. Một kỳ World Cup vắng Italia là điều mà thế giới đã từng phải trải qua, nhưng thú thật, cảm giác vẫn không hề quen thuộc chút nào.
Tuy nhiên, nếu gọi đây là một cú sốc lịch sử thì cần xem lại. Có thật sự là một cú sốc hay không khi Italy đã… chuẩn bị cho thất bại này từ khá lâu.
Đầu tiên chúng ta phải ý thức rằng: Việc Italia phải tham dự vòng play-off, dù chỉ rơi vào bảng đấu có Thụy Sĩ, Bắc Ireland, Bulgaria và Lithuania vốn dĩ đã phản ánh sự đi xuống của bóng đá Ý – một sự sa sút mà chúng ta có thể nhận ra khá dễ dàng sau EURO 2020.
Phải đá trận play-off là hệ quả của sự suy giảm đề kháng kéo dài cả một giai đoạn chứ không đơn thuần chỉ là những phút "hắt hơi sổ mũi" của một cơ thể khoẻ mạnh. Thất bại trước Bắc Macedonia được hình dung là thời khắc cơ thể Italy suy kiệt hoàn toàn.
Vậy điều gì đã dẫn tới sự suy kiệt đó?
Có 2 nguyên nhân đang xuất hiện la liệt trên các mặt báo. Thứ nhất, do huấn luyện viên Roberto Mancini quá bảo thủ, ít chịu thử nghiệm các phương án mới. Đội hình ông triệu tập có quá nhiều cầu thủ đã già hoặc xuống phong độ.
Thứ hai, do Italia chủ quan. Đối thủ Bắc Macedonia quá yếu, tiền đạo đã sút tung lưới Italia là Aleksandar Trajkovski chỉ là một cầu thủ đang thi đấu tại giải Saudi Arabia và từng thất bại thê thảm trong màu áo Palermo trước đây. Italy rõ ràng đã không nghiên cứu về đối thủ một cách nghiêm túc và đầy đủ sự tôn trọng.
Italia tự bắn vào chân mình
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Có bao giờ các tifosi đặt câu hỏi: Tại sao huấn luyện viên Mancini lại ít chịu thử nghiệm các phương án mới hay không?
Tại sao? Vì ông có lựa chọn sáng sủa nào để thử nghiệm đâu.
Giải vô địch quốc gia Italia lúc này đa phần là cầu thủ nước ngoài gánh team. Theo thống kê, có tới 62% cầu thủ được đăng ký tại Serie A mùa này là người nước ngoài. Và trong 38% cầu thủ còn lại là người Italia, đa phần cũng chỉ được sử dụng bởi các đội bóng nhỏ.
Chúng ta sẽ lấy một số đội bóng lớn ở Serie A ra làm ví dụ. Juventus mùa này dùng tới 66,4% cầu thủ nước ngoài, Roma để nhóm cầu thủ ngoại nhập chiếm tới 70% đội hình, Milan còn khủng khiếp hơn: 77,3% đội hình của họ là "lính lê dương". Vẫn biết rằng áp lực thành công khiến các ông lớn Serie A phải đặt niềm tin vào cầu thủ ngoại, nhưng để số lượng ngoại binh chiếm tỷ lệ khủng khiếp thế này thì không ổn chút nào.
4 câu lạc bộ dùng nhiều cầu thủ nội địa nhất là Empoli, Cagliari, Genoa và Sampdoria. Đây đều là những đội bóng tầm trung hoặc yếu ở Serie A. Thi đấu ở những môi trường này thì làm sao tài năng bản địa nở rộ được.
Sự phụ thuộc thái quá vào những cầu thủ nước ngoài khiến cho đất diễn của nhóm cầu thủ "cây nhà lá vườn" giảm sút đáng kể. Hiện tượng này từng huỷ diệt cả một giai đoạn của bóng đá Anh và khiến Liên đoàn bóng đá nước này phải nghĩ ra vô số cách thức giải quyết. Italia đã có một tấm gương để soi vào nhưng họ vẫn sa lầy. Đó là vấn đề về sự cầu thị và nhận thức.
Vì lý do này mà quanh đi quẩn lại, huấn luyện viên Roberto Mancini chỉ có thể triệu tập những cái tên cũ kỹ như Giorgio Chiellini, Lorenzo Insigne, Ciro Immobile… Lối chơi của Italia với những nhân tố này vốn đã bị bắt bài từ EURO 2020 rồi, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi họ không thể gây ra bất ngờ đối với những đối thủ nhỏ - nhóm đội tuyển chắc chắn sẽ nghiên cứu vô cùng kỹ về lối chơi và sức mạnh của từng cầu thủ Italia.
Những phân tích trên đây cho thấy vấn đề của Italia là một vấn đề mang tính hệ thống, chứ dăm ba thất bại thời gian gần đây không đơn thuần chỉ là tai nạn. Để vực dậy nền bóng đá Italia không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một huấn luyện viên, mà phải đến từ sự quyết tâm của cả một liên đoàn bóng đá. Roberto Mancini âu cũng chỉ là nạn nhân mà thôi.