Người đứng đầu Sở phòng cháy nông thôn bang New South Wales ông Shane Fitzsimmons cho hay, một vòi rồng lửa đã nhấc bổng một xe cứu hỏa 12 tấn lên không trung và khiến nóc xe bị va đập mạnh, làm một lính cứu hỏa thiệt mạng cùng hai người khác bị thương.
Ông Fitzsimmons nói điều kiện khắc nghiệt mà lực lượng cứu hỏa phải đối mặt vào tối ngày 30/12 (giờ địa phương) ở vùng Albury, miền nam bang New South Wales, "thực sự khủng khiếp".
Một phương tiện chỉ huy cũng bị bão lửa cuốn bay lên cao và làm nhân viên cứu hỏa trong xe bị thương nghiêm trọng. Trong khi đó, tình hình đám cháy gần Albury vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Các vụ cháy đã lan rộng ở khắp vùng đông nam Australia kể từ tháng 10, và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại bang Victoria, cơ quan phòng cháy chữa cháy cho biết lửa cháy đang hướng về các thị trấn ven biển. Người dân trong khu vực đã được thúc giục di chuyển đến các bãi biển hay những vùng an toàn do lực lượng cứu hỏa bảo vệ.
4.000 du khách và người dân địa phương đã mắc kẹt trên bãi biển ở thị trấn Mallacoota do những lối thoát bằng đường bộ không còn khả thi. Khói bốc lên từ các đám cháy biến ngày thành đêm, nhà chức trách nói rằng lửa cháy đang gây ra những cơn bão khắc nghiệt và "các cuộc tấn công bằng than hồng".
Một đám khói bốc lên cao 12km do đám cháy ở East Gippsland tạo ra, được nhìn thấy từ phía bắc Bairnsdale ở bang Victoria, Australia (Ảnh: Chris Hopkins / The Guardian)
Giới chức bang Victoria trong nhiều ngày qua đã cảnh báo 30.000 du khách rời khỏi khu vực này - một trong hàng trăm địa điểm chịu sự tàn phá của mùa cháy rừng khốc liệt năm nay. Công tác chuẩn bị cho các phương án sơ tán người dân từ đường biển và đường không cũng được sẵn sàng.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân cho biết họ đã chuẩn bị áo phao để đề phòng tình huống phải sơ tán bằng đường thủy. Nhiệt độ ở các khu vực cháy rừng có thể đạt tới hàng trăm độ C, sức nóng tạo ra có thể giết chết bất kỳ ai đến gần phạm vi cháy trước khi ngọn lửa chạm vào họ.
Cuộc khủng hoảng cháy rừng ở Australia được cho là hệ quả của tình trạng hạn hán và biến đổi khí hậu kéo dài, nhưng tình hình đã diễn biến tồi tệ hơn từ ngày 30/12 với gió mạnh kéo đến và nhiệt độ tăng cao trên khắp cả nước - lên đến 47 độ C ở miền tây Australia và 40 độ C ở nhiều vùng miền khác, bao gồm ở hòn đảo ôn đới Tasmania.
Các nhà khoa học cáo buộc biến đổi khí hậu là tác nhân khiến cho mùa cháy rừng ở Australia kéo dài và khắc nghiệt hơn. Thủ tướng Scott Morrison thừa nhận mối liên hệ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu, song tiếp tục giữ lập trường ủng hộ ngành khai thác than mang lại lợi nhuận lớn cho Australia, cũng như loại trừ những hành động tiếp theo để giảm lượng khí thải.