Thảm họa núi lửa Krakatoa năm 1883: Trái đất giảm 1 độ C, tro bụi dài 27km che phủ bầu trời

Kiều Trang |

Thảm họa sóng thần hôm 22/12 không phải là lần đầu tiên núi lửa Krakatoa gây ra thiệt hại to lớn về người và của. Trước đó, vụ phun trào năm 1883 từng ghi nhận sức công phá lớn gấp 10.000 lần bom nguyên tử.

Vụ phun trào núi lửa Anak Krakatoa gây ra trận sóng thần hôm 22/12 đã khiến 429 người chết và 1300 người bị thương, đồng thời gây ra nhiều thiệt hại về tài sản. Đây không phải lần đầu tiên nơi đây xảy ra thảm họa thiên nhiên lớn như vậy.

Trước đó, vụ phun trào xảy ra vào năm 1883 đã trở thành một thảm họa gây chấn động thế giới và mang đến những tác động không nhỏ trên toàn cầu.

Vào ngày 27/8/1883, hòn đảo núi lửa nhỏ Krakatoa ở eo biển Sunda, nằm giữa Java và Sumatra đã ghi tên mình vào lịch sử bằng việc biến đổi thời tiết trên khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 37.000 người và truyền cảm hứng cho một trong những tác phẩm nghệ thuật kinh điển sau này.

Indonesia là một trong những quốc gia nằm ở khu vực có hoạt động kiến tạo mạnh nhất trên Trái đất và hiện là ngôi nhà của 127 ngọn núi lửa đang hoạt động. Phần lớn các quần đảo tại đây được hình thành do sự chuyển dịch của 3 mảng lục địa rộng lớn.

Đảo Anak Krakatoa, được mệnh danh là "đứa trẻ của Krakatoa" đã bắt đầu nổi lên mặt biển vào năm 1928 và về bản chất là một miệng núi lửa ở dưới đáy đại dương. Nó đã phun trào không thường xuyên kể từ thời điểm đó và đã vươn cao lên khoảng 300m so với mực nước biển.

Vào năm 2012, các nhà khoa học tại Hiệp hội Địa chất London nghiên cứu về sóng thần do núi lửa gây ra, đã cảnh báo về một sự cố tương tự như thảm họa hôm 22/12.

"Với mật độ dân số cao, sự tập trung của cơ sở hạ tầng đường bộ và công nghiệp dọc theo bờ biển Java và Sumatra, cùng với cấu trúc thấp của phần lớn vùng đất này khiến sóng thần có thể gây ra những tổn hại đáng kể", các nhà khoa học cho biết.

"Ví dụ về Krakatoa đã minh họa về việc sóng thần được tạo ra bởi các vụ phun trào núi lửa và rủi ro ở bờ biển là một mối nguy bị bỏ quên".

Vụ phun trào diễn ra ngày 22/12 được cho là đã khiến một phần của núi lửa Krakatoa sụp xuống biển, tạo thành các trận lở đất dưới nước, gây ra sóng thần đánh vào các khu vực ven biển.

Sức công phá lớn hơn bom nguyên tử Hiroshima

Vụ phun trào của Krakatoa vào tháng 8/1883 bao gồm 4 vụ nổ lớn vào 27/8, mỗi vụ nổ gây ra sóng thần ở khu vực xung quanh, tàn phá hơn 150 ngôi làng ven biển và ước tính có khoảng 37.000 người thiệt mạng.

Sức mạnh của vụ nổ năm 1883 được báo cáo là mạnh hơn 10.000 lần so với quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến 2, khiến những khối san hô khổng lồ nặng hàng trăm tấn dạt vào bờ và lượng tro bụi xả vào khí quyển đã làm giảm nhiệt độ toàn cầu hơn 1 độ C vào năm sau đó.

Vụ phun trào đã tạo ra một cột tro bụi dài 27km lan tỏa vào không khí, ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn cầu trong nhiều năm và khiến khu vực xung quanh chìm trong bóng tối. Nhiều tháng sau, những khối đá bọt khổng lồ, cây cối phủ tro và các mảnh vụn khác đã trôi dạt tới tận bờ biển Mauritius và Australia.

Thế giới đã biết đến vụ phun trào chỉ ngay trong vòng 24 giờ nhờ điện báo từ Jakarta và đây cũng là thảm họa tự nhiên đầu tiên được thông tin ra quốc tế với tốc độ nhanh như vậy.

Thảm họa núi lửa Krakatoa năm 1883: Trái đất giảm 1 độ C, tro bụi dài 27km che phủ bầu trời - Ảnh 2.

Cột tro bụi kéo dài đến 27km trong thảm họa Krakatoa năm 1883.- Ảnh: SCMP

"Tôi là hành khách trên một chiếc tàu hơi nước đi xuống phía tây eo biển Malacca vào sáng ngày 27/8 vừa qua được thuyền trưởng gọi lên để quan sát cảnh tượng bất thường trên bầu trời. Bầu trời rực rỡ như thể được thắp sáng bởi đèn điện", một hành khách cho biết.

"Đi kèm với nó là một tiếng nổ lớn như thể có một vụ bắn phá khốc liệt đang diễn ra - một tiếng nổ khiến chúng tôi tưởng rằng người Hà Lan đang có một cuộc chiến. Khi trời sáng, chúng tôi không thấy những tia sáng nữa, nhưng vẫn còn tiếng nổ".

Thảm họa chấn động trên toàn thế giới

Các vụ nổ từ Krakatoa thậm chí còn được nghe thấy ở Australia và trên khắp Ấn Độ Dương. Âm lượng của nó mạnh đến nỗi làm vỡ màng nhĩ của các thủy thủ người Anh cách địa điểm phun trào 70km.

Vụ nổ Krakatoa được ghi nhận lên tới 172 decibel (dB) ở cách hơn 100km. Trong khi đó, 120dB là ngưỡng gây ra đau đớn với con người. Đáng ngạc nhiên hơn, trong khoảng 5 ngày sau vụ nổ, các trạm thời tiết ở 50 thành phố trên toàn cầu vẫn cảm nhận được những áp lực dồn dập liên tục. Đó là khoảng thời gian âm thanh truyền đi trên khắp thế giới.

Vụ phun trào Krakatoa thậm chí đã truyền cảm hứng cho một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế kỷ 19, bức tranh "The Scream" của họa sĩ Edvard Munch.

Thảm họa phun trào 1883 được coi là tiền đề lịch sử đầu tiên cho vụ phun trào núi lửa Annak Krakatoa diễn ra vào năm 2018.

Với những ghi nhận thiệt hại về người và tài sản sau thảm họa xảy ra vào 22/12, cơ quan Quản lý Thiên tai quốc gia của Indonesia tiếp tục cảnh báo về sự phun trào liên tục của Anak Krakatoa và cho biết, nguy cơ bùng phát sóng thần tại khu vực này vẫn ở mức báo động cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại