Thảm họa điện năng Venezuela bước sang ngày thứ 5: Quốc hội đối lập ban bố "tình trạng báo động"

Hồng Anh |

Dự kiến việc khôi phục mạng lưới điện tại Venezuela sẽ phải mất từ 5 đến 6 ngày nữa mới hoàn thành.

Reuters đưa tin, hôm thứ Hai (11/3) vừa qua, Quốc hội Venezuela do phe đối lập của Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaidó lãnh đạo đã ban bố "tình trạng báo động" do mất điện kéo dài khiến hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu của nước này bị tê liệt, đồng thời khiến hàng triệu người dân phải vật lộn trong cảnh thiếu thức ăn và nước sạch.

Tình trạng mất điện diện rộng tại Venezuela đã tiếp tục kéo dài sang ngày thứ 5, mặc dù điện đã được cấp trở lại tại hầu hết các khu vực của thủ đô Caracas. Tổng thống Nicolás Maduro đã tuyên bố đây là một "hành động phá hoại" của phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn, đồng thời triển khai lực lượng quân đội tới bảo vệ mạng lưới điện.

Sự cố mất điện diện rộng đã khiến tình hình tại Venezuela vốn đã bất ổn vì lạm phát và khủng hoảng chính trị càng thêm bất ổn hơn, khi lãnh đạo đối lập Guaidó kêu gọi người dân biểu tình phản đối chính phủ.

Thảm họa điện năng Venezuela bước sang ngày thứ 5: Quốc hội đối lập ban bố tình trạng báo động - Ảnh 1.

Tình trạng chìm trong bóng tối đã bước sang ngày thứ 5. Ảnh: Reuters.

"Không có gì là bình thường ở Venezuela cả, và chúng tôi sẽ không cho phép người khác coi thảm kịch này là chuyện bình thường. Đó là lí do chúng tôi cần ban bố tình trạng báo động", Tổng thống lâm thời tự xưng Guaidó tuyên bố trong phiên họp của Quốc hội Venezuela - hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập.

Theo Hiến pháp Venezuela, Tổng thống được quyền ban bố tình trạng báo động khi xảy ra những thảm họa "gây tổn hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia". Tuy nhiên Hiến pháp Venezuela không nêu rõ việc ban bố tình trạng báo động sẽ có tác động thế nào đối với đất nước.

"Tổng thống lâm thời" tự xưng Guaidó nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn của Mỹ, hầu hết các quốc gia phương Tây và nhiều nước láng giềng Mỹ-Latinh, tuy nhiên Tổng thống hợp hiến Maduro vẫn tiếp tục giữ quyền kiểm soát đối với lực lượng vũ trang và các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, chính quyền ông Maduro cũng nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các trường học và công ty đã ngừng hoạt động từ hôm thứ 2 vừa qua (11/3), và trong một bản tin phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez đã tiếp tục thông báo kéo dài "kì nghỉ" thêm 24 giờ nữa.

Theo một số nguồn tin, các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ cảng chính Jose đã phải ngừng trong những ngày này lại do mất điện, ảnh hưởng tới nguồn doanh thu chủ yếu của Venezuela.

Tình trạng mất điện đã khiến thực phẩm bắt đầu thối rữa trong tủ lạnh của người dân, các bệnh viện phải khó nhọc xoay xở để duy trì thiết bị y tế hoạt động. Theo thông tin của phe đối lập Venezuela, ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong đợt mất điện diện rộng này, trong đó có cả trẻ sơ sinh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bác bỏ cáo buộc của chính quyền ông Maduro và tuyên bố rằng tình trạng mất điện hiện nay là hậu quả của nhiều năm xao nhãng, đồng thời chỉ trích tập đoàn Rosneft của Nga vì đã bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ khi tiếp tục nhập khẩu dầu từ tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela - PDVSA.

Phía Mỹ đã tiếp tục gây sức ép nhằm vào chính quyền ông Maduro và các bên ủng hộ, điển hình là lệnh trừng phạt mới nhất đối với một ngân hàng Nga vì đã giao dịch với PDVSA.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Venezuela đang tiếp tục nỗ lực khôi phục hoạt động của hệ thống điện toàn quốc. Dự kiến việc khôi phục sẽ phải mất từ 5 đến 6 ngày nữa mới hoàn thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại