Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện một cơn lốc xoáy (còn gọi là vòi rồng) chưa từng có trong lịch sử tại dãy Andes (dài 7.000km, chạy dọc bờ Tây lục địa Nam Mỹ).
Nhà địa chất học Kathleen Benison đến từ trường Đại học Tây Virginia (Mỹ) và đồng sự đã phát hiện ra loại thảm họa tự nhiên kỳ lạ này khi đang nghiên cứu sa mạc tinh thể kỳ lạ ở vùng núi cao có tên Salar de Gorbea ở dãy Andes (thuộc biên giới giữa Chile và Argentina).
Salar de Gorbea là khu vực không giống với bất cứ khu vực nào trên Trái Đất. Không chỉ khô hạn, hiếm mưa, người ta còn thấy một vùng Salar de Gorbea ánh lên những sắc màu của pha lê.
Sa mạc Salar de Gorbea là khu vực không giống với bất cứ khu vực nào trên Trái Đất. Ảnh: The Guardian.
Lốc xoáy khổng lồ xuất hiện chỉ cách nơi Kathleen Benison nghiên cứu khoảng vài km. Độ lớn, tốc độ và thành phần của cơn lốc xoáy là các miếng tinh thể dài gần 30cm khiến nhà địa chất học phải gọi nó với cái tên "Quỷ bụi".
Hình ảnh cơn lốc xoáy tại Salar de Gorbea. Ảnh: The Guardian.
Phát biểu với tờ The New York Times (Mỹ), Kathleen Benison cho biết: "Tôi chưa từng chứng kiến tận mắt thứ gì khủng khiếp như vậy trong đời. Nếu những lốc xoáy bụi khiến bạn thấy mù mịt và bị thổi tung lên thì những cơn lốc xoáy tinh thể này có thể cắt da thịt bạn không thương tiếc."
Sau khi chờ những cơn lốc xoáy "Quỷ bụi" tan đi, đội nghiên cứu của Kathleen Benison nhận thấy những đụn thủy tinh, tàn dư của trận lốc xoáy, cao gần 5m và có đường kính đến 500m.
Hiện tại, các nhà khoa học đang nghiên cứu cơ chế hình thành của lốc xoáy tinh thể được đánh giá là lớn nhất, hung hãn nhất Trái Đất tại Salar de Gorbea.
Cho đến nay, bí ẩn sa mạc tinh thể Salar de Gorbea vẫn đang khiến giới địa chất học "điên đầu" khám phá. Những nghiên cứu bước đầu cho hay, phải là những trận vòi rồng (lốc xoáy) khủng khiếp nhất hành tinh mới có thể đưa những tinh thể này lên vùng núi cao Andes.
Các nhà khoa học cho biết, các tinh thể hình thành từ một hồ miệng núi lửa mặn và có tính axit mạnh. Hồ miệng núi lửa này cao khoảng 5.000m so với mực nước biển.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Geology.
Dịch từ: Sciencealert