Trước thực trạng trên, từ ngày 27/5 đến nay, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân để tìm biện pháp giải quyết.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau cuộc đối thoại, ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết do tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt nên người dân nghi ngờ nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Trong buổi đối thoại, theo ghi nhận trên tờ Dân việt, ông Nguyễn Văn Thân (người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, Sông Cầu) chia sẻ: "Chính quyền thống kê có hơn 523.970 con tôm hùm tại đây bị chết.
Nếu tính giá đổ đồng bình quân 800.000 đồng/con, thì đã có ít nhất 400 tỷ đồng của dân Sông Cầu vừa bị "đổ bỏ" theo đợt tôm hùm chết này. Hầu hết bà con nuôi tôm hùm ở đây đều trắng tay, nợ nần chồng chất.
Chúng tôi đang rất bức xúc, đề nghị chính quyền phải mau chóng điều tra làm rõ có phải tôm hùm chết là do Nguyễn Hưng xả thải hay không?".
Trước phản ánh của người dân, đoàn kiểm tra do Sở TN&MT tỉnh Phú Yên chủ trì đã lấy mẫu nước thải của nhà máy chế biến thủy sản thuộc Công ty TNHH Nguyễn Hưng để xét nghiệm.
Tôm chết được chất thành đống. Ảnh: Báo Nông nghiệp
Nói về các nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng tôm hùm chết đồng loạt, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói: "Bước đầu, cơ quan chức năng của tỉnh nghi nguyên nhân khiến tôm hùm chết hàng loạt là do hiện tượng thủy triều đỏ.
Hàng năm, vào mùa này khi trời nắng nóng, xuất hiện mưa giông là tầng đáy ở những vùng nuôi tôm hùm xuất hiện hiện tượng này, khiến khu vực đó thiếu oxy, làm tôm nuôi gần đáy chết nhiều. Nhưng năm nay thì diễn ra sớm hơn, tôm chết nhiều hơn".
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên, nguyên nhân ban đầu khiến tôm chết là do mật độ nuôi quá dày, thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi.
Khi thời tiết chuyển đột ngột dẫn đến tình trạng tảo đỏ phát triển quá mức ở tầng đáy, gây hiện tượng thiếu oxy cục bộ vào ban đêm làm cho các loài thủy sản nuôi và sống trong tự nhiên bị chết ngạt.
Mặt khác, khi tôm bị yếu, tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường nước nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi, như bệnh sữa, làm tôm chết nhanh hơn, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Tổng hợp