Thách thức nào chờ đợi cầu thủ Việt kiều nếu khoác áo tuyển Việt Nam?

Hồng Nam |

Filip Nguyễn, Alexander Đặng có thể trội hơn cầu thủ Việt Nam về chuyên môn, nhưng không dễ để những cái tên Việt kiều này toả sáng trong màu áo tuyển QG.

Mọi ĐTQG đều muốn có sự phục vụ của những cầu thủ ưu tú nhất. Sau thành công ở các giải trẻ, giải khu vực cũng như giải châu Á, tuyển Việt Nam cần có thêm gương mặt mới để tiếp tục nâng tầm và hướng tới những mục tiêu xa hơn.

Đó là lý do hàng loạt tuyển thủ Việt kiều đang thi đấu tại châu Âu hay Việt Nam như Filip Nguyễn, Alexander Đặng, Martin Lo lọt vào tầm ngắm của HLV Park Hang Seo cùng ban chuyên môn của VFF.

Filip Nguyễn bắt xuất sắc ở Slovan Liberec

Alexander Đặng đang chơi bóng ở giải hạng Nhất Na Uy. Filip Nguyễn còn trội hơn khi bắt ở giải VĐQG Cộng hoà Czech và đoạt danh hiệu "Thủ môn hay nhất mùa". Tài năng của các cầu thủ Việt kiều là không phải bàn cãi. Cộng với kinh nghiệm nhiều năm chơi bóng ở châu Âu, đây có thể là nguồn bổ sung quý giá cho tuyển Việt Nam trong tương lai gần. Tuy nhiên, không phải cứ có cá nhân xuất chúng, tập thể tự khắc mạnh.

Để chơi tốt ở ĐTQG, các cầu thủ còn phải đáp ứng nhiều yếu tố khác bên cạnh chuyên môn (đã được thẩm định). Nếu được triệu tập vào tuyển Việt Nam, các tài năng Việt kiều sẽ đối diện những thách thức nào?

Đầu tiên phải kể đến rào cản ngôn ngữ. Mang dòng máu Việt trong người, song không phải cầu thủ Việt kiều nào cũng biết tiếng Việt. Thủ môn Filip Nguyễn không nói sõi tiếng Việt và chỉ giao tiếp bằng tiếng Czech hoặc tiếng Anh, ngay cả khi trao đổi với phóng viên hay CĐV Việt Nam.

Không biết tiếng Việt sẽ là thiệt thòi lớn của Filip Nguyễn khi so với Văn Lâm - thủ môn mang hai dòng máu Việt - Nga nói tiếng Việt cực tốt.

Thách thức nào chờ đợi cầu thủ Việt kiều nếu khoác áo tuyển Việt Nam? - Ảnh 1.

Văn Lâm vượt qua rào cản ngôn ngữ. (Ảnh: Zing)

Vị trí thủ môn yêu cầu tính giao tiếp rất cao trên sân. Khả năng trao đổi giữa thủ môn và hậu vệ trong các tình huống phòng ngự bóng sống - bóng chết quan trọng không kém những pha bay người cứu thua.

Nếu Filip Nguyễn đứng trong khung gỗ và lựa chọn giao tiếp với đồng đội bằng tiếng Anh, sẽ không có nhiều cầu thủ trên sân hiểu nhanh để đưa ra phản xạ tức thì. Nền tảng ngoại ngữ của cầu thủ Việt Nam nói chung vẫn chưa được tốt.

Ngôn ngữ có thể là rào cản với mọi cầu thủ. Ở Incheon United, Công Phượng chật vật hoà nhập do chưa thành thạo tiếng Hàn Quốc. Trong tự truyện "phút 89", Công Vinh thừa nhận anh như... người xa lạ khi đứng trong tập thể CLB Leixoes (Bồ Đào Nha) vì không biết ngoại ngữ. Ở tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo luôn yêu cầu học trò thông tin liên tục trên sân hay ngay cả trong bữa ăn.

Trợ lý Lê Huy Khoa từng chia sẻ ông phải "dịch và nói liên tục trong bữa ăn". Giao tiếp là công cụ hữu ích nhất để duy trì mối liên hệ giữa các cầu thủ, củng cố sức mạnh tập thể. Nếu Filip Nguyễn hay Alexander Đặng không nói tốt tiếng Việt, không dễ để bộ đôi này chơi tốt dù chuyên môn có vững đến mấy.

Yếu tố thứ hai là khác biệt về thời tiết, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các cầu thủ đang chơi tại châu Âu để hoà nhập với môi trường Việt Nam. Khí hậu nóng, ẩm thay đổi thất thường khiến nền tảng thể lực gặp vấn đề nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.

Thách thức nào chờ đợi cầu thủ Việt kiều nếu khoác áo tuyển Việt Nam? - Ảnh 2.

Thời tiết ở Czech hay Na Uy rất khác Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên VTC News, Filip Nguyễn nói anh từng được cảnh báo về thời tiết ở Việt Nam, song chưa chắc thủ môn này đã vượt được rào cản ở vùng đất hiếm khi anh đặt chân đến. Tương tự với Alexander Đặng chơi bóng ở Na Uy trong điều kiện khí hậu tương đối lạnh.

Sở dĩ Văn Lâm không mất thời gian hoà nhập vì thủ môn này đã bắt nhiều năm ở V-League và từng phải sang Lào chống chọi với thời tiết khô nóng. Martin Lo cũng đang chơi cho Phố Hiến FC và có thời gian bắt nhịp với khí hậu.

Yếu tố thứ ba là khác biệt về văn hoá, một khái niệm mang tính mơ hồ, tương đối, song để hoà nhập, các cầu thủ Việt kiều cần hiểu rõ văn hoá Việt Nam trong cách giao tiếp, ứng xử với đồng đội và ban huấn luyện.

Tuyển Việt Nam luôn có những nhóm cầu thủ thân thiết và mối quan hệ này giúp họ hiểu ý hơn khi tập luyện, thi đấu trên sân. Nếu cầu thủ Việt kiều không chuẩn bị tinh thần, sự lạc lõng là khó tránh khỏi.

Thách thức nào chờ đợi cầu thủ Việt kiều nếu khoác áo tuyển Việt Nam? - Ảnh 3.

Alexander Đặng có hoà nhập tốt nếu được triệu tập?

Cuối cùng, lịch thi đấu chồng chéo sẽ là trở lực để các cầu thủ Việt kiều cống hiến. AFF Cup diễn ra vào cuối năm, thời điểm các giải VĐQG châu Âu bước vào giai đoạn căng thẳng. Các đội bóng châu Âu của Filip hay Alexander Đặng có quyền từ chối nhả người nếu thời gian diễn ra giải không trùng với ngày thi đấu của FIFA.

Philippines từng mất sự phục vụ của Neil Etheridge - cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên chơi ở Ngoại hạng Anh do Cardiff City không nhả người. Do đó, ĐTQG sẽ thiệt quân trước những giải đấu diễn ra ngoài khung FIFA. Đây là điều ban huấn luyện tuyển Việt Nam phải tính toán trước.

Dẫu sao, những yếu tố kể trên đều có thể khắc phục được nếu ĐTQG tạo điều kiện và các cầu thủ Việt kiều thực sự cố gắng phá vỡ rào cản. Tuyển Việt Nam vẫn cần là tập thể của những con người mang dòng máu Việt Nam ưu tú nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại