Trong 2 tháng qua, Nga đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện tại nhiều thành phố lớn của nước này.
Giữa bối cảnh đó, Ukraine đã kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ khả năng phòng không và tìm cách đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Dù vậy, các chuyên gia nhận định, Ukraine đang sử dụng đạn dược với tỷ lệ báo động trước các cuộc tấn công này.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk khai hỏa. Ảnh: Tass
Loại vũ khí Ukraine muốn được Mỹ hỗ trợ nhất lúc này là Patriot - hệ thống tên lửa tầm xa được dự đoán là có thể chặn tên lửa đạn đạo của đối phương. Cho tới nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn trì hoãn thông qua quyết định trên. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi các quan chức Mỹ cho biết chính quyền ông Biden dự kiến sẽ thông báo về việc ký chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine sớm nhất là trong tuần này.
Trong khi đó, Kiev đã chuẩn bị việc tiếp nhận các hệ thống phòng không Hawk, trong đó có 6 hệ thống từ Tây Ban Nha.
"Nếu hàng trăm tên lửa phóng vào chúng tôi, chúng tôi có thể bắn rơi khoảng 70 - 80% trong số đó", Đại tá Yuriy Ignat thuộc Lực lượng Không quân Ukraine cho hay.
Trong khi đó, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine cho biết, Nga có đủ đạn dược cho một số cuộc tấn công lớn nữa.
Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích hàng tuần vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine từ 10/10.
Ông Ignat đã gọi những cuộc giao tranh gần đây giữa Nga và Ukraine là trò chơi mèo và chuột khi Kiev di chuyển và che giấu các hệ thống phòng không để tránh bị phát hiện trong khi Moscow tìm kiếm các điểm yếu trong mạng lưới phòng không của Ukraine.
Tuy nhiên, đạn dược và trang thiết bị dự phòng cho hệ thống S-300 và Buk của Ukraine - các vũ khí chính của Lực lượng Phòng không nước này đang sụt giảm. Các quan chức Ukraine xác nhận thông tin từ tình báo Anh cho biết Nga đang phóng các tên lửa hạt nhân X-55 với đầu đạn hạt nhân được thay thế bằng các đầu đạn giả để làm cạn kiệt đạn dược của Ukraine.
Phía Ukraine cũng cho biết việc mua thêm tên lửa sử dụng cho S-300 và Buk từ Nga - nơi sản xuất các loại đạn dược này, là điều bất khả thi. Việc tìm kiếm các nguồn cung sẵn có trên thị trường toàn cầu cũng không đơn giản.
Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI) cảnh báo hồi tháng trước về sự thờ ơ của phương Tây trước nhu cầu cấp bách trong việc thúc đẩy khả năng phòng không của Ukraine. Viện này cũng cho biết, nếu hệ thống đất đối không của Kiev cạn kiệt đạn dược, điều đó sẽ cho phép các máy bay ném bom hạng nặng của Nga hoạt động ở độ cao trung bình và độ cao lớn trên không phận Ukraine, gây bất lợi đáng kể cho nước này.
Các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết ngày 12/12 về việc "tiếp tục phối hợp để đáp ứng các yêu cầu cấp bách của quân đội Ukriane, với trọng tâm ngay lúc này là cung cấp Ukraine các hệ thống phòng không”.
Một số nhà quan sát nhận định, ngay cả khi kho tên lửa hành trình của Nga hao hụt, nước này vẫn sở hữu số lượng lớn tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, trong các cuộc tấn công UAV cảm tử của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, mặc dù loại vũ khí này ồn ào, chậm chạp và có thể dễ dàng bắn hạ nhưng đối phương sẽ khó có thể tiêu diệt tất cả UAV khi chúng được triển khai hàng loạt. Ngoài ra, các UAV này cũng rẻ hơn nhiều so với các tên lửa được sử dụng để đánh chặn chúng.
Oleksiy Melnyk, một cựu Trung tá thuộc Lực lượng Không quân Ukraine, hiện là Giám đốc think tank Trung tâm Razumkov tại Kiev cho rằng mặc dù hệ thống phòng không Ukraine đã có nhiều cải thiện kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2 nhưng việc cố gắng đoán xem bao giờ Nga sẽ cạn kiệt tên lửa có lẽ không phải một chiến lược phù hợp./.