Ukraine tăng cường tấn công các tuyến tiếp tế của Nga
Không chỉ nỗ lực chiến đấu để phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga ở phía Đông và phía Nam, Ukraine cũng sử dụng đạn dược do phương Tây viện trợ để nhắm vào các nguồn cung cấp của Nga nằm ngoài chiến tuyến. Bằng cách này, Kiev hy vọng có thể làm suy yếu sức chiến đấu của các lực lượng Nga và buộc họ phải rút lui.
Ukraine tìm mọi cách tấn công tuyến tiếp tế của Nga. Ảnh minh hoạt: Getty
Để đạt được những mục tiêu thiết yếu trên chiến trường, lực lượng mặt đất của Ukraine cần phải tiến đủ xa để khiến binh sỹ và thiết bị của Nga nằm trong phạm vi tấn công. Ukraine đang sử dụng các hệ thống pháo, tên lửa và máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu của đối phương. Nhưng hầu hết các loại vũ khí này đều có tầm bắn hạn chế, đồng nghĩa với việc phần lớn hoạt động hậu cần của Nga vẫn nằm ngoài tầm hỏa lực.
Kiev đang hy vọng sớm nhận được loại vũ khí mới, có tầm bắn xa hơn để nhắm vào tuyến hậu cần của Nga nằm xa chiến tuyến. Trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Zelensky thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington sẽ cung cấp một số lượng hạn chế tên lửa đạn đạo đất đối đất chiến thuật tầm xa ATACMS có tầm bắn từ 160km đến 300km, tùy thuộc từng phiên bản.
Trong khi đó, Nga đang cố gắng thực hiện các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ đối với cơ sở hạ tầng hậu cần. Nga đã bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt mới xuyên qua những vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát phòng trường hợp Ukraine tìm cách phá hủy các tuyến đường hiện tại mà Moscow đang sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế cho quân đội.
Kiev hiện đang đối mặt với nhiều thách thức khi tìm cách phá hủy các tuyến hậu cần của Nga. Việc đưa những mục tiêu này nằm trong tầm bắn chỉ là bước khởi đầu. Ukraine cần phải xác định mục tiêu có giá trị nhất đang ở khu vực nào hoặc di chuyển đến đâu. Điều đó đòi hỏi họ phải nắm được các thông tin tình báo.
Vào năm 2022, Ukraine đã giành được những bước tiến đáng kể, thông qua việc nhắm mục tiêu vào kho bãi, trung tâm chỉ huy, trung tâm vận chuyển, vốn được cho là các nút thắt và tuyến liên kiết quan trọng. Thay vì tấn công các đội hình xe bọc thép, Ukraine tìm cách phá hủy nguồn cung vũ khí và nhu yếu phẩm cần thiết của Nga, bằng cách sử dụng các loại vũ khí chính xác của phương Tây.
Kiev đã đặt mục tiêu phá vỡ hành lang đất liền nối giữa bán đảo Crimea với miền Nam Ukraine và miền Tây nước Nga và chia cắt các lực lượng đối phương. Nếu mục tiêu này đạt được, Ukraine có thể làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Nga ở tiền tuyến và mở rộng hoạt động tại bán đảo Crimea. Kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, Nga đã sử dụng Crimea làm bàn đạp để tấn công Ukraine và đe dọa các tàu chở hàng xuất khẩu của Kiev đi qua Biển Đen.
Một quan chức của Ukraine cho biết, Nga đang xây dựng tuyến đường sắt mới tới Mariupol – thành phố cảng nằm bên bờ biển Azov. Tuyến đường này nếu được hoàn thành sẽ giúp giảm bớt áp lực cho việc vận chuyển hàng hóa từ Crimea, do đó gây ra mối đe dọa mới cho quân đội Ukraine.
Thách thức đối với Ukraine
Theo giới quan sát, Ukraine có thể phải mất cả một chặng đường dài để hoàn thành mục tiêu hạn chế là làm gián đoạn tuyến hậu cần của Nga vì nước này cần một lượng lớn pháo binh. Trong khi đó, Nga đang điều chỉnh các hoạt động để làm suy yếu chiến thuật của Ukraine và có thể đã tăng cường các đơn vị ở gần mặt trận, ông Rob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia (Mỹ) lưu ý.
Thách thức tiếp theo là Ukraine đang cách tuyến đường ven biển mà Nga sử dụng ít nhất 72km. Trong kho vũ khí của Kiev, có rất ít loại vũ khí có thể bắn trúng mục tiêu cách xa trên 70km. Điều này đồng nghĩa với việc phần phía Nam của hành lang đất liền mà Nga kiểm soát hầu như nằm ngoài tầm với của hỏa lực Ukraine.
Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov cho rằng, Ukraine cần vũ khí tầm xa hơn để tấn công các sở chỉ huy, căn cứ hậu cần và các mục tiêu khác của Nga.
Tokmak – thành phố cách tiền tuyến Ukraine khoảng 25km là một trung tâm hậu cần lớn của Nga, nằm khá gần phạm vi tấn công của Kiev. Nhưng các lực lượng Nga đã bao quanh thành phố này bằng hệ thống phòng thủ kiên cố. Tuy vậy, sự xuất hiện của tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS) có thể làm thay đổi tình hình. Hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất này có khả năng tự dẫn đường kết hợp với quán tính định vị vệ tinh GPS. Khi va chạm mục tiêu tên lửa sẽ gây ra vụ nổ mạnh, tác động đến cả một khu vực rộng lớn. ATACMS có thể được phóng từ bệ phóng HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.
Xác định và đánh trúng các mục tiêu quan trọng là một thách thức lớn đối với Ukraine, đòi hỏi phải có thông tin tình báo về tọa độ hoặc các tuyến đường tiếp tế. Kiev có thể dựa vào máy bay không người lái và nhiều nguồn thông tin khác. Để thành công, Kiev phải triển khai một số lượng lớn pháo binh, đặc biệt là đối với những mục tiêu đang di chuyển.
Cựu tướng Mỹ Mark Kimmitt cho rằng: “Việc nhắm mục tiêu vào các vị trí cố định như khu vực lưu trữ và nhà kho khá dễ dàng. Phức tạp hơn là những điểm trung chuyển và các nút giao thông”.
Quân đội Nga từ lâu đã sử dụng chủ yếu các tuyến đường sắt để vận chuyển một lượng lớn phương tiện hạng nặng và vật tư. Các đoàn tàu chở hàng có thể trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu nhưng rất khó xác định vị trí khi chúng đang di chuyển. Ngay cả những tuyến đường sắt dài cũng rất khó bị tấn công vì khá hẹp và người Nga được coi là chuyên gia sửa chữa hệ thống đường sắt trong chiến đấu, ông Mark Kimmitt lưu ý.
Nga cũng chuyển từ việc sử dụng kho chứa lớn sang kho chứa nhỏ và phân bổ nguồn cung qua nhiều điểm trung chuyển, chuyên gia Rob Lee lưu ý. Ngoài ra, Moscow đã sử dụng xe tải quân sự và dân sự chở hàng tiếp tế, tận dụng các con đường vòng và sử dụng những chuyến hàng mồi nhử để đánh lạc hướng Ukraine.