Thách thức đối ngoại đối với Tổng thống Nga trúng cử 2018

Anh Tú |

Đứng trước người lãnh đạo mới của nước Nga là những nhiệm vụ đa diện, đa dạng về tính chất và hoàn toàn phức tạp.

Chính phủ Nga công bố chính thức bắt đầu chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2018. Giới chuyến gia trong nước đã đưa ra các bài nhận định về những nhiệm vụ đa dạng, phức tạp trong chính chính sách đối ngoại mà người chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây phải đối mặt giải quyết.

Theo các chuyên gia, việc đưa ra các hình mẫu mới trong hợp tác với Mỹ và Châu Âu, củng cố địa vị ở Châu Á và tìm kiếm vị trí vững chắc của Nga trong hệ thống tiền tệ thế giới có thể là những nhiệm vụ chiến lược chính yếu trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Nga, người sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2018.

Trong mối quan hệ với Mỹ, có thể thấy ngay một thách thức mới xuất hiện, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách an ninh quốc gia đầu tiên dưới thời ông cầm quyền, trong đó xác định Trung Quốc và Nga là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ.

Mỹ nhận định Nga là một nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế và Mỹ coi Nga là một đối thủ. Thư ký báo chí của Tổng Thống Nga, ông Dmitry Peskov coi văn kiện này của Mỹ thể hiện rõ “tính chất đế quốc”, “không muốn từ bỏ thế giới đơn cực, không chấp nhận thế giới đa cực”.

Trong khi đó các biện pháp trừng phạt lẫn nhau của Mỹ và Nga trong quan hệ ngoại giao, cũng như đối với một số cơ quan truyền thống của hai nước vẫn tiếp diễn. Hay những trừng phạt của Mỹ và cả Phương Tây nhằm vào các lĩnh vực kinh tế, tài chính... của Nga do việc Nga sáp nhập Crimea sau đảo chính ở Ukraine vào năm 2014 chưa hề được dỡ bỏ, mà còn gia hạn thêm.

Về quan hệ với Phương Tây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhiều lần tuyên bố, rằng trở ngại chính trong việc hình thành thế giới đa cực là sự nỗ lực của các nước Phương Tây nhằm duy trì sự bá quyền như trước đây.

Một trong những đối tác gần gũi của Nga có thể là Liên minh Châu Âu (EU), bất chấp những phức tạp đang có trong mối quan hệ giữa các nước này với Nga. Theo phó giám đốc Viện Châu Âu-Viện Hàn Lâm khoa học Nga Vladislav Belov, nhiệm vụ là hội nhập, bắt đầu các cuộc hội đàm để đưa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu xích lại gần nhau.

Ưu tiên đối với Nga sẽ là các nước Đức, Pháp và Italy với những ảnh hưởng của mình về chính trị và kinh tế để gắn kết.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị khác cho rằng, chính EU cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ của mình, chẳng hạn Đức là trọng lực ở EU, nhưng thời gian gần đây Thủ tướng Đức Angela Markel đang vấp phải những khó khăn trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Hay đàm phán để Anh rời EU cũng đang rất rắc rối... Cho nên Nga phải đợi, tới khi ở EU có được sự cân bằng, ủng hộ sự thống nhất gắn kết, xác định xem họ sẽ phát triển như thế nào trong tương lai thì mới có thể có những cơ hội mới trong mối quan hệ với Nga.

Song song đó, an ninh toàn cầu là thách thức với Tổng thống Nga nhiệm kỳ mới. Sự xấu đi trong mối quan hệ của Nga với các nước phương Tây một phần do nỗ lực củng cố sự tồn tại của thế giới đơn cực bằng cách củng cố vị trí địa chính trị.

Đó là sự mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông, trong đó có các nước Baltic (giáp Nga), Mỹ ra khỏi Hiệp ước về phòng thủ chống tên lửa, ra khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm gần...

Đảm bảo an ninh trong điều kiện nới lỏng hệ thống các thỏa thuận về an ninh hạt nhân và NATO áp sát "sườn phía Đông" của Nga sẽ là những nhiệm vụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga nhiệm kỳ mới.

Một khía cạnh quan trọng hơn cả trong an ninh toàn cầu là an ninh trong lĩnh vực kinh tế. Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Riabcov nhấn mạnh, quan trọng là tạo ra được cơ cấu kinh tế hiệu quả, giảm phụ thuộc vào USD, hệ thống tài chính tiền tệ của Mỹ.

Nga cùng với các đối tác trên trường quốc tế đã đạt được hàng loạt thành tích trong lĩnh vực này, trước hết là thành lập được Ngân hàng phát triển mới và quỹ dự trữ ngoại hối của các nước BRICS, song hiện các tổ chức tài chính toàn cầu cũ vẫn đang giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới.

Những bất ổn ở Ukraine chưa được giải quyết trong suốt hơn 3 năm qua cũng sẽ phải được đặt trong chương trình nghị sự về đối ngoại của Nga trong thời gian tới. Tổ chức đối thoại, hòa giải dân tộc cho Syria; giải quyết vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên, giúp hai miền Triều Tiên có thể hợp tác với nhau cũng là nhiệm vụ của Tổng thống Nga nhiệm kỳ mới, theo như nhận định của Giám đốc Trung tâm chiến lược Châu Á của Nga-Viện kinh tế-Viện hàn lâm Khoa học Nga Georgy Toloraia.

Một trong những hướng quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nga là mối quan hệ với Trung Quốc. Trong điều kiện triển vọng thiết lập quan hệ với phương Tây chưa rõ ràng, thì Châu Á, nói riêng là Trung Quốc, chính là nơi mà Nga có thể đạt được tiến bộ một cách hiện thực.

Danh sách các đối tác ở Châu Á mà Nga có thể tăng cường quan hệ và có ý nghĩa quan trọng còn bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông-Nam Á, mở rộng về ngoại giao kinh tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong không gian hậu Xô Viết, hợp tác với các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sẽ được Nga ưu tiên.

Trong số các nhiệm vụ ở đây là giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) để tạo không gian kinh tế chung. Mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với các nước Mỹ Latin, hợp tác kinh tế, tiếp cận thị trường các nước Châu Phi cũng là những hướng mà chính phủ Nga tới đây cần quan tâm.

Đứng trước nước Nga là những nhiệm vụ đa diện, đa dạng về tính chất và hoàn toàn phức tạp. Để giải quyết, đòi hỏi thời gian dài.

Song, về cơ bản là đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế của đất nước và các công dân, đảm bảo tình hình chính trị đất nước. Đáp ứng được những nền tảng mang tính nguyên tắc như thế trong chính sách đối ngoại của Nga sẽ cho phép tin tưởng vào sự kế thừa đường lối đối ngoại của đất nước, theo kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại