Thách thức của Ukraine khi Nga tấn công dồn dập vào các mắt xích quan trọng

Kiều Anh |

Ukraine đang đứng trước thách thức lớn khi Nga tấn công vào các mắt xích quan trọng trong hệ thống điện của nước này và hiểu rõ "cần tấn công vào đâu để gây ra tổn thất lớn nhất".

Quân đội Ukraine sử dụng súng cối ở Bakhmut ngày 16/10. Ảnh: Washington Post

Quân đội Ukraine sử dụng súng cối ở Bakhmut ngày 16/10. Ảnh: Washington Post

Kế hoạch bài bản và tính toán của Nga

Các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine được thực hiện bài bản và gây ra sự phá hủy đến mức các quan chức Ukraine và phương Tây cho rằng chúng được chỉ định bởi các chuyên gia về hệ thống điện, những người biết rõ các mục tiêu nào sẽ gây ra tổn thất tối đa cho mạng lưới điện của Ukraine.

Chiến dịch không kích kéo dài 2 tuần của Nga ít nhắm vào các nhà máy điện được bảo vệ nghiêm ngặt mà tập trung nhiều hơn vào các nút giao trong mạng lưới điện - vốn có vai trò quan trọng để mạng lưới điện hoạt động và cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Theo các quan chức Ukraine, hơn 1/3 trung tâm phát điện khó có thể thay thế của Ukraine đã bị hư hại hoặc bị phá hủy.

Sự thay đổi trong chiến thuật của Nga khiến các quan chức Ukraine và phương Tây lo ngại giữa bối cảnh mùa đông sắp đến gần. Họ cảnh báo, các cuộc tấn công có thể đe dọa đến cuộc sống của dân thường, gây ra làn sóng tị nạn mới và làm suy yếu nền kinh tế Ukraine vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh. Thủ tướng Ukraine - Denis Shmygal nhận định, châu Âu sẽ đối mặt với "sóng thần di cư" nếu các nước phương Tây không cung cấp thêm các hệ thống phòng không tiên tiến cho nước này.

Nhiều thành phố Ukraine bị tấn công là nơi đặt các nhà máy quan trọng, cần cả điện và khí đốt để duy trì hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc các cuộc tấn công trên đang gây ra những tổn thất rất nặng nề cho Ukraine.

"Tất cả UAV, tên lửa và mọi thứ họ đang sử dụng đều nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng. Họ đã có lộ trình cho quân đội để nã pháo vào các địa điểm này. Nếu họ bỏ lỡ một mục tiêu nào đó ngày hôm trước thì ngay hôm sau họ sẽ tiếp tục tấn công nó", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Các cuộc tấn công trên của Nga khiến Ukraine hầu như rất khó để tự vệ và các quan chức nước này cho rằng Ukraine hầu như không thể làm gì để đối phó với các cuộc không kích tên lửa tầm xa và UAV của Nga.

"Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra những trở ngại lớn nhất cho quá trình cung cấp hậu cần. Mỗi ngày, các cuộc nã pháo vào các cơ sở hạ tầng lại khiến chúng tôi đối mặt với những vấn đề lớn hơn", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine đánh giá.

Các nhà quan sát cũng cho rằng một mục tiêu khác của Nga khi tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng là làm giảm khả năng của Ukraine trong việc hỗ trợ quân đội trên tiền tuyến.

Các nước ủng hộ Ukraine ở châu Âu và châu Á đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại hơn và tăng cường hỗ trợ trang thiết bị để giúp nước này tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng. Dù vậy, nhiều hệ thống phòng không có cách sử dụng phức tạp và cần các đợt huấn luyện bổ sung cũng như mất nhiều thời gian để chuyển giao cho Ukraine.

Thách thức của Ukraine

Trước đó, khi các nhà máy điện hoặc các đường dây điện bị tấn công, Ukraine có thể nhanh chóng khắc phục vấn đề nhưng hiện nay, Kiev đã dần đuối sức.

Việc sửa chữa các cơ sở hạ tầng bị hư hại sẽ trở nên vô nghĩa chừng nào Nga vẫn có thể tấn công cùng một mục tiêu nhiều lần. Hầu hết các trạm biến áp và máy biến thể cần đặt trên mặt đất, do đó, chúng dễ trở thành mục tiêu bị tấn công.

"Các quy tắc của cuộc chơi này không công bằng. Việc tấn công tên lửa nhằm phá hủy các trang thiết bị và các cơ sở hạ tầng dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với việc sửa chữa nó", ông Volodymyr Kudrytskyi, Giám đốc Điều hành nhà máy điện Ukrenergo của Ukraine cho hay.

Theo các chuyên gia, việc thay thế các trạm biến áp và máy biến thế đặc biệt khó khăn bởi chúng thường được xây dựng theo đơn đặt hàng và là một quy trình có thể mất một vài tháng.

Ông Kudrytskyi và những chuyên gia khác cho biết, các chuyên gia về hệ thống điện của Nga đã đứng đằng sau các quyết định về việc nhắm vào mục tiêu nào. Mạng lưới điện của Nga và Ukraine về mặt kỹ thuật tương đối giống nhau, do đó bản đồ cơ sở hạ tầng thời Liên Xô có thể cung cấp một lộ trình cụ thể để phá hủy các mục tiêu.

"Họ (Nga - ND) rõ ràng đang nhắm vào các trạm biến áp và các nhà máy điện quan trọng nhất tại một số khu vực", ông Kudrytskyi nói, cho biết đối phương hiểu rõ "cần tấn công vào đâu để gây ra tổn thất lớn nhất".

Hiện nay, ông Kudrytskyi cho biết 90% người dân Ukraine đã được khôi phục điện 1 ngày sau vụ tấn công.

"Vấn đề là sự an toàn của hệ thống ngày càng thấp. Với tỷ lệ phá hủy hiện tại, sẽ không có cơ sở dự trữ nào đủ để kéo dài trong thời gian tới".

Các nhà chức trách đã yêu cầu người dân dừng sử dụng các thiết bị tốn nhiều điện và thực hiện kế hoạch cắt điện theo kế hoạch trong một vài khung giờ ở Kiev cũng như các thành phố xung quanh.

Thách thức của Ukraine khi Nga tấn công dồn dập vào các mắt xích quan trọng - Ảnh 1.

Đường phố Khreshchatyk ở Kiev sau khi mất điện ngày 24/10. Ảnh: AFP

Nhiều chính quyền địa phương đã chuyển từ xe bus điện sang xe bus chạy bằng diesel. Kế hoạch cắt điện theo từng khung giờ cũng làm giảm gánh nặng lên mạng lưới điện và giúp các công ty năng lượng có thời gian để sửa chữa và đổi đường điện.

"Theo tôi, họ hầu như không thể gây ra tình trạng mất điện hoàn toàn trên khắp đất nước. Nhưng họ sẽ khiến việc cung cấp điện cho các thành phố bị gián đoạn lâu hơn", Olena Pavlenko, Chủ tịch Công ty Tham vấn năng lượng DiXi Group có trụ sở tại Kiev cho hay.

Sản lượng điện của Ukraine đã sụt giảm trong những tuần đầu xung đột nổ ra sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia. Ukraine vẫn có thể tạo ra lượng điện cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng và chỉ cách đây 2 tuần, nước này vẫn có thể xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, khả năng thay đổi đường dây điện từ các nhà máy ở phía Bắc và phía Tây tới những địa điểm cần thiết gần các chiến trường ở phía Nam và phía Đông đang nhanh chóng sụt giảm.

"Mục tiêu chính cuộc tấn công của Nga là khiến cho các hệ thống của Ukraine không thể phối hợp với nhau. Họ muốn chia rẽ các vùng lãnh thổ. Chúng ta có thể thấy rõ kế hoạch này", Oleksandr Kharchenko, Giám đốc think tank Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng có trụ sở tại Kiev đánh giá.

Một mục tiêu khác của Nga khi nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng là làm suy yếu khả năng cung ứng hậu cần của Ukraine.

"Đây là một cách thức hoàn toàn khác biệt khi Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng. Điều này khiến tôi lo ngại về tình hình tương lai", Artur Lorkowski, Giám đốc Cơ quan Thư ký Cộng đồng Năng lượng có trụ sở tại Vienna nhận định.

Chuyên gia Lorkowski cho rằng: "Tôi hy vọng là mình đã sai nhưng nếu Nga tăng cường các cuộc pháo kích, Ukraine sẽ đối mặt với một mùa đông vô cùng khó khăn".

Sự hỗ trợ từ phương Tây

Các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng đã khiến Ukraine tăng cường kêu gọi phương Tây hỗ trợ phòng không và các bộ phận dự phòng của mạng lưới điện.

Chính quyền Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang làm việc với Ukraine cùng các đối tác khu vực để vạch ra các biện pháp nhằm tăng cường các nguồn năng lượng thay thế cho Ukraine khi mùa đông tới gần. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington đang nỗ lực để đảm bảo Ukraine có thể "cải thiện khả năng phòng không".

Gần đây, Ba Lan đã trình lên Ủy ban châu Âu danh sách các nhu cầu về cơ sở hạ tầng cấp bách nhất của Ukraine.

Giám đốc Điều hành Ukrenergo - ông Kudrytskyi bình luận ông cảm thấy như đang trong một cuộc đua để sửa chữa các bộ phận bị hư hại nhanh hơn tốc độ Nga nã pháo phá hủy các công trình này.

"Tình hình rất nguy hiểm và chúng tôi không biết về khả năng phá hủy của họ", ông Kudrytskyi cho hay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại