Thách thức bộn bề trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hội đồng châu Âu

Quang Dũng |

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa có chuyến thăm Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh gây ảnh hưởng với Nga để dừng cuộc xung đột tại Ukraine. Chuyến thăm cũng nhằm giảm thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc, cùng nhiều mục tiêu chiến lược khác.

Ông Charles Michel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Ông Charles Michel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Sự tiếp đón của Trung Quốc

Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang gặp phải khó khăn với hàng loạt mâu thuẫn và bất đồng. Tuy nhiên việc châu Âu và Trung Quốc cần đến nhau trên nhiều phương diện, trong đó có cả các lĩnh vực song phương và toàn cầu cũng là điều không thể phủ nhận.

Với Trung Quốc, chuyến thăm của ông Charles Michel hết sức quan trọng trong quan hệ với EU, bởi đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai bên kể từ Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã không né tránh sự khác biệt giữa hai bên. Tuy nhiên ông nhấn mạnh “giữa Trung Quốc và EU không có các bất đồng và xung đột chiến lược cơ bản”. Theo ông, chuyến thăm đã thể hiện nguyện vọng của EU trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng muốn EU sẽ trở thành đối tác quan trọng khi nước này đi theo con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và chia sẻ cơ hội tại thị trường khổng lồ này.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các tổ chức và quốc gia thành viên của EU “hiểu biết khách quan và đúng đắn về Trung Quốc”, phản đối mọi hình thức “Chiến tranh Lạnh mới”, đồng thời kêu gọi hai bên kiểm soát ổn thỏa bất đồng, tôn trọng mối quan tâm lớn và lợi ích cốt lõi của nhau, ám chỉ các vấn đề như Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong...

Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn sau Đại hội XX, Trung Quốc đã đón 2 nhà lãnh đạo quan trọng của châu Âu, gồm Thủ tướng Đức – quốc gia có ảnh hưởng lớn ở châu lục này và người đứng đầu Hội đồng châu Âu. Điều này đã cho thấy hai bên đều cần đến nhau, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị đang căng thẳng như hiện nay. Về phần mình, Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm sẽ là bước tiến quan trọng để hai bên phát triển các hợp tác thực chất bất chấp những bất đồng và mâu thuẫn.

Mâu thuẫn nội bộ EU trong cách ứng xử với Trung Quốc

Chuyến thăm đến Bắc Kinh của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel là chuyến thăm thứ 2 của một quan chức cấp cao châu Âu đến Trung Quốc trong vòng 1 tháng qua, sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Mặc dù chuyến đi của ông Charles Michel ít gây ra tranh cãi hơn chuyến đi của ông Olaf Scholz nhưng tại châu Âu vẫn có những ý kiến cho rằng việc các quan chức hàng đầu của châu Âu liên tiếp thăm Trung Quốc trong một thời gian ngắn không phải là một cách tốt để gửi thông điệp về sự đoàn kết và cứng rắn hơn trong quan điểm của châu Âu đối với mối quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng dự định sẽ thăm Trung Quốc đầu năm 2023.

Ngoài ra, cũng giống như chuyến đi một mình của ông Olaf Scholz, nhiều học giả châu Âu chỉ trích ông Charles Michel đã sang thăm Trung Quốc một mình mà không có bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, người chịu trách nhiệm chính thực thi các chính sách của Liên minh châu Âu.

Tất cả những tranh cãi này làm nổi bật một thực tế đang tồn tại trong tư duy chiến lược của châu Âu đối với Trung Quốc. Mặc dù từ năm 2019 châu Âu đã định danh Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế sống còn vừa là đối thủ hệ thống của châu Âu nhưng việc triển khai tư duy chiến lược đó ra sao đang gây chia rẽ trong chính nội bộ các nước EU.

Một nhóm các nước Baltic, Đông Âu đang có xu hướng muốn kéo EU rời xa Trung Quốc, thể hiện bằng các động thái như rời bỏ khuôn khổ hợp tác 16+1 giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu, hoặc như Litva thậm chí còn theo đuổi một chính sách tương đối thù địch với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Cách tiếp cận của nhóm nước này chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn từ chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, một nhóm khác gồm cả hai cường quốc đầu tàu của EU là Đức, Pháp… muốn duy trì cách tiếp cận trung lập, mềm dẻo hơn với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong việc cùng giải quyết các thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay đặc biệt trong thời điểm này là xung đột Nga - Ukraine.

Các nước Đức, Pháp… chủ trương thiết lập một chính sách được gọi là “con đường thứ 3”, không ngả hẳn về Mỹ, cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng không đối đầu quyết liệt như Mỹ. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, “cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ không khoan dung với châu Âu” và châu Âu phải xác lập được một vị thế tự chủ để bảo vệ lợi ích của mình, không bị biến thành một “biến số tuỳ chỉnh” trong cuộc chơi Mỹ - Trung. Các mâu thuẫn về cách tiếp cận với Trung Quốc trong nội bộ EU sẽ không sớm được giải quyết và chuyến đi của ông Charles Michel đến Trung Quốc cũng chưa thể thay đổi được nhiều, mà chủ yếu là để xác lập các định hướng chính trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Những lĩnh vực có thể hợp tác, xoa dịu bất đồng

Trong chuyến thăm lần này của ông Charles Michel, hai bên đã đề cập đến hàng loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị gai góc, nhưng cũng đã đưa ra được những cam kết hợp tác về các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu. Chẳng hạn, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc mong muốn cùng với EU đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và ủng hộ các nỗ lực hòa giải của châu Âu trong vấn đề Ukraine.

Ông đã đưa ra nhiều gợi ý hợp tác song phương, như hai bên có thể tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô; củng cố lợi thế bổ sung về thị trường, vốn và công nghệ; cùng tạo ra các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, bảo vệ môi trường, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo...

Ông cũng cho rằng hai bên có thể “dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh năng lượng và an ninh lương thực, cũng như sức khỏe cộng đồng”.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, EU không dễ giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong phát biểu mới nhất tại cuộc họp báo chiều ngày 1/12, thời điểm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vẫn đang ở thăm Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này Thúc Giác Đình đã khẳng định, Trung Quốc và châu Âu đã tạo thành một “mối quan hệ cộng sinh kinh tế mạnh mẽ”.

Bà cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đã đạt 711,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn giữ vị trí đối tác thương mại số 1 của EU và EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.

Do vậy, kinh tế, thương mại và đầu tư vẫn sẽ là lĩnh vực hợp tác nổi trội giữa hai bên và Trung Quốc sẽ không dễ gì bỏ qua cơ hội củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ này với châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại