Khi tôi 28 tuổi, công việc ổn định và luôn cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống. Cả ngày đi làm, tối về quây quần bên bố mẹ hay làm những điều mình thích. Cuối tuần tôi sẽ đi cafe với đám bạn hoặc đi du lịch đến những miền đất mới.
Vậy mà cứ thỉnh thoảng mẹ tôi lại giục tôi có người yêu. Đôi lúc bà lại nói bóng nói gió về việc đứa bạn A của tôi mới lấy chồng, đứa bạn B của tôi đã có 2 con. Những lúc ấy tôi chỉ cười trừ hay "vâng, dạ" để đấy.
Tôi không phải là không muốn yêu mà là sau những vấp ngã của những mối tình trước thì tôi đang đợi người thật sự phù hợp với bản thân mình. Tôi đợi người chân thành, quan tâm và điều quan trọng là không cắm cho tôi hai chiếc sừng lên đầu.
Thế rồi vào một ngày đẹp trời kỉ niệm 50 năm thành lập trường, tôi gặp anh - người con trai định mệnh của tôi. Khi tôi đang vội vàng bước những bước thật nhanh để kịp buổi lễ thì chiếc giày cao gót của tôi đã phản chủ. Nó khiến tôi ngã sõng soài trên mặt đất. Chính anh đã tiến đến và đỡ tôi dậy.
Lần đầu tiên gặp anh trong cảnh ngộ éo le như vậy nhưng anh lại chính là chân ái mà tôi đang kiếm tìm. Sau khi trao đổi thông tin liên lạc cùng với một vài buổi gặp mặt thì chúng tôi chính thức là người yêu của nhau. Trong hơn 6 tháng yêu nhau, anh luôn đối xử với tôi rất tốt, tâm lý và chiều chuộng.
Sau khi về ra mắt 2 bên gia đình, chúng tôi quyết định tiến đến hôn nhân. Trong ngày bố mẹ anh đến nhà tôi bàn chuyện cưới xin, bố tôi thốt ra con số 200 triệu tiền thách cưới khiến tôi cũng phải giật mình.
Bố tôi giải thích rằng tiền thách cưới càng cao thì càng cho thấy con gái ông có giá trị và bố mẹ tôi được mát mày mát mặt với hàng xóm láng giềng. Hơn nữa nếu nhà trai đồng ý số tiền ấy thì chứng tỏ anh ấy yêu thương tôi thật lòng và gia đình nhà anh coi trọng tôi.
“200 triệu trong thời buổi hiện nay đâu phải là con số quá nhiều. Giá đó để một cô con dâu về hầu hạ là vẫn còn rẻ chán”, bố tôi nói vậy. Lúc ấy tôi giận sự cổ hủ của bố vô cùng. Tôi không hề biết ông sẽ đưa ra số tiền thách cưới cao như thế, cũng chưa thấy ông bàn bạc gì về việc này.
Tôi nhìn mẹ với ánh mắt năn nỉ, cầu xin mẹ giúp đỡ nhưng mẹ lờ đi vì chắc hẳn mẹ cũng bất lực, từ trước đến nay mẹ đều nghe lời bố chứ chưa từng đưa ra ý kiến riêng của mình.
(ảnh minh họa)
Tôi nghĩ rằng mẹ của anh sẽ phản đối kịch liệt với số tiền thách cưới hoặc là sẽ nổi giận đùng đùng rồi bỏ về. Nhưng thật không ngờ là mẹ anh lại chẳng kì kèo xin bớt một đồng nào mà vẫn vui vẻ chấp thuận với con số 200 triệu.
Tôi biết gia cảnh nhà anh cũng không phải là khá giả gì mà có thể xoay sở 200 triệu rồi còn thêm tiền làm đám cưới. Thế nhưng mẹ anh đã chấp thuận rồi nên tôi cũng không nói gì thêm nữa.
Các khâu chuẩn bị cho ngày cưới đều diễn ra vô cùng thuận lợi. Bố tôi mừng ra mặt, đi khoe khắp làng trên xóm dưới rồi bạn bè gần xa, họ hàng nội ngoại về chuyện tiền thách cưới cao như thế nào.
Vào ngày ăn hỏi, khi tất cả mọi thủ tục xong xuôi, nhà trai đã về hết, bố tôi phấn khởi mở tráp dẫn cưới mà nhà anh mang đến. Vừa nhìn thứ bên trong ông đã giật mình. Chiếc phong bì để tiền mỏng dính, nếu trong đó là 200 triệu thì chắc chắn sẽ không thể mỏng và nhẹ tênh như thế được. Đến khi mở ra thì ông suýt ngất khi thấy ở bên trong chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng.
Tôi lập tức gọi điện cho anh. Có lẽ anh cũng không hề biết chuyện tiền nong dẫn cưới như thế nào. Anh đi hỏi mẹ rồi trả lời cho tôi với vẻ rất áy náy: “Đáng ra mẹ dồn đủ tiền rồi nhưng lại có việc cần gấp nên đã dùng mất, chỉ còn có từng ấy cho vào trong tráp. Thôi thì đành khất nợ bên thông gia vậy, lúc nào có đủ thì mẹ anh sẽ đích thân mang sang trả. Tụi mình cưới nhau quan trọng là sống hạnh phúc và vui vẻ chứ 1 triệu hay 200 triệu tiền dẫn cưới cũng đâu có quan trọng đúng không em?”.
Tôi nghẹn lời không nói được gì. Nếu tôi phản đối lời của mẹ chồng tương lai thì hóa ra bản thân và gia đình tôi coi trọng vật chất mà xem nhẹ tình cảm. Rõ ràng mẹ anh cố tình làm bẽ mặt gia đình tôi. Tiền dẫn cưới mà bà ấy ví như một món nợ phải trả thì có khác gì đang mỉa mai gia đình tôi không.
Lúc đó tôi mới vỡ lẽ vì sao mà mẹ anh lại giục chúng tôi phải đi đăng ký kết hôn trước lễ ăn hỏi một cách gấp gáp. Làm như vậy thì tôi sẽ không còn đường lui hay hủy đám cưới cho dù có bất mãn với bà đến nhường nào đi chăng nữa.
Chỉ còn có 1 tháng nữa là đến ngày cưới đã định của chúng tôi. Mọi thứ đã sẵn sàng đâu vào đấy. Chúng tôi đã là vợ chồng trên pháp luật. Anh thì bảo tôi cố gắng thuyết phục bố vì anh đã không thể nào khuyên nổi mẹ nữa rồi. Rõ ràng anh biết chúng tôi đã đăng ký nên cũng không hề lo lắng lắm vì người đang nắm đằng chuôi là gia đình nhà anh.
Bố tôi vì quá giận nhà anh nên nhất quyết bắt tôi hủy cưới cho bằng được. Tôi thì thực sự không muốn ly hôn vì chuyện này, nghĩ kỹ lại thì ban đầu gia đình tôi cũng có phần vô lý. Hơn nữa tôi không muốn chia tay anh chút nào, dù mẹ anh có quá đáng nhưng anh là người tốt và là người mà tôi muốn lấy làm chồng.
Thực lòng tôi là người đứng ở giữa nên vô cùng khó xử. Tôi không biết phải thuyết phục như thế nào để bố tôi có thể thay đổi suy nghĩ đây?