Thạc sĩ tiết kiệm từng xu lẻ, không cho bạn vay tiền để nghỉ hưu sớm: Gom góp 3,5 tỷ đồng gửi ngân hàng để lấy lãi sống qua ngày

Thuỳ Anh |

Cuộc sống của Uông Cảnh tối giản đến mức một ngày anh chỉ cần nấu ăn một bữa, chiều tối xem phim đợi hết ngày.

“Ông chủ, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đã quyết định từ chức”, người đàn ông tên Uông Cảnh tuyên bố không chút do dự. Ông chủ sửng sốt, trước đó ông chưa từng nghĩ tới anh sẽ đột ngột nghỉ việc.

Trong bối cảnh hiện tại, có được một công việc đã là điều may mắn, Uông Cảnh lại không nghĩ vậy.

Cuộc sống nhàn hạ khi không phải làm việc

Đều đặn cứ chín giờ sáng, Uông Cảnh sẽ tỉnh dậy trong căn nhà thuê ở Vân Nam. Tuy đã xin nghỉ việc được nửa năm nhưng thói quen này anh vẫn duy trì. Theo bản năng, anh vội tìm điện thoại để xem giờ. Sau đó, Uông Cảnh nhớ ra mình đã nghỉ việc và không cần lo lắng về việc ngủ quên.

Hiện anh đang sống tại khu dân cư bình thường, tiền thuê nhà không đắt. Ngoài ra, anh còn có một người ở ghép. Về cơ bản, cả hai chỉ sống chung tại căn phòng và không quấy rầy nhau.

Công việc hàng ngày của Uông Cảnh là sáng đi tập thể dục, trưa về nấu ăn cho cả ngày. Cho đến nay, anh vẫn còn độc thân, cuộc sống không có nhiều nhu cầu. Vào buổi chiều, Uông Cảnh thường chơi trò chơi hoặc xem phim hoạt hình.

Thạc sĩ tiết kiệm từng xu lẻ, không cho bạn vay tiền để nghỉ hưu sớm: Gom góp 3,5 tỷ đồng gửi ngân hàng để lấy lãi sống qua ngày - Ảnh 1.

Ảnh: Toutiao

Một số người cho rằng lựa chọn của Uông Cảnh là quá vô trách nhiệm. Đối mặt với những điều này, Uông Cảnh không hề tức giận. Trước khi về hưu, anh đã tiết kiệm được 1 triệu tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng).

Tiền lãi gửi ngân hàng đủ để trang trải chi phí hàng ngày của Uông Cảnh và anh hoàn toàn không cần phải lo lắng về việc kiếm sống.

Chàng trai cuồng tiết kiệm

Uông Cảnh sinh ra trong một gia đình bình thường ở Tân Cương. Từ khi còn là đứa nhỏ, anh không có sở thích tiêu tiền, cho nên toàn bộ tiền tiêu vặt đều bỏ vào trong con heo đất nhỏ.

Đối với Uông Cảnh, số tiền này mang lại cho anh cảm giác an toàn. Tính cách tiết kiệm của anh bắt đầu hình thành từ thời điểm này.

Là người sáng dạ, Uông Cảnh luôn có thành tích học tập tốt. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh bước vào trường đại học. Trong thời gian học xa nhà, hàng tháng anh sẽ nhận được tiền sinh hoạt phí từ cha mẹ nên tình hình tài chính cũng khá hơn so với những bạn học bình thường.

Tuy nhiên, Uông Cảnh không phung phí tiền bạc một cách thiếu thận trọng. Ngoài việc tiết kiệm tiền, chàng trai 9x cũng đã thử một số cách quản lý tài chính nhỏ.

Sau bốn năm đại học, Uông Cảnh đã tiết kiệm được tổng cộng 30.000 nhân dân tệ, đây là điều gần như không thể tưởng tượng được đối với hầu hết sinh viên.

Anh quan niệm tiết kiệm tiền giống như một con chuột đồng tích trữ thức ăn trong mùa đông. Anh không bao giờ mua những thứ bản thân không cần, ủng hộ việc tiêu dùng hợp lý.

Hơn nữa, anh hầu như không bao giờ cho bạn bè vay tiền, có câu nói vay thì dễ nhưng thu lại khó. Anh không muốn cùng bạn bè xảy ra tình huống tranh chấp tiền bạc.

Chính nhờ bộ nguyên tắc này mà Uông Cảnh đã có thể có 1 triệu nhân dân tệ ở tuổi 30 và tự do nghỉ hưu. Tuy nhiên, điều thực sự khiến anh quyết định nghỉ hưu không phải là số tiền tiết kiệm khổng lồ trong hầu bao mà là áp lực khi bước vào xã hội.

Nghỉ hưu ở tuổi 30 và nằm dài

Uông Cảnh lớn lên trong môi trường tương đối thoải mái. Ngay cả khi quyết định từ chức và nghỉ hưu ở tuổi 30, bố mẹ anh cũng không hề phản đối.

Anh sinh ra trong một gia đình trung bình, anh em họ xung quanh đã mua nhà lập gia đình. Tuy nhiên, điều đó không khiến Uông Cảnh cảm thấy có vấn đề. Trong mắt anh, một cuộc sống bình thường đã là thành công.

Thạc sĩ tiết kiệm từng xu lẻ, không cho bạn vay tiền để nghỉ hưu sớm: Gom góp 3,5 tỷ đồng gửi ngân hàng để lấy lãi sống qua ngày - Ảnh 2.

Uông Cảnh tận hưởng cuộc sống an nhàn. Ảnh: Toutiao

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Uông Cảnh đã chọn làm thực tập sinh trong một nhà máy lớn ở Thành Đô. Tuy nhiên, sự tàn khốc của nơi làm việc, nhịp độ làm việc gấp gáp, sự cạnh tranh giữa các đồng nghiệp và chỉ tiêu, tất cả đều khiến anh nghẹt thở.

Anh nhận ra mình sống không phải để cạnh tranh công việc với người khác. Sau khi cân nhắc, anh quyết định xin nghỉ và chuyển đến nơi có nhịp sống chậm hơn. Lần này anh không chọn một nhà máy lớn mà đến một trường tư thục làm giáo viên.

Uông Cảnh vốn cho rằng sự thay đổi này của anh là một khởi đầu hoàn toàn mới, nhưng anh không ngờ rằng cuộc sống thường tàn khốc hơn anh tưởng tượng. Tứ Xuyên là tỉnh có áp lực cạnh tranh lớn, hơn nữa hệ thống quản lý cũng khác, dẫn đến thời gian riêng tư của anh sau khi đi làm hầu như không có.

Ngoài việc chuẩn bị bài học hàng ngày và lên lớp, anh ấy còn phải đối phó với nhiều trường hợp khẩn cấp khác nhau sau giờ học. Sau khi làm việc được một thời gian, Uông Cảnh từ chức.

Vào tháng 6 năm 2022, anh nộp đơn xin nghỉ việc. Uông Cảnh không có kế hoạch dùng tiền tiết kiệm để mua nhà, cũng không có dự định gì lớn. Đối với anh mà nói, mua nhà là một khoản chi tiêu không cần thiết.

Vào tháng 11 năm 2022, tiền lãi từ khoản tiết kiệm của Uông Cảnh nhận được khoảng 30.000 nhân dân tệ (khoảng 104 triệu đồng) mỗi năm, đủ để duy trì chi phí hàng ngày của anh ấy.

Anh không biết cuộc sống “nghỉ hưu” của mình sẽ kéo dài bao lâu, có thể là cả đời, có thể sau một thời gian nữa, anh ta trở lại nơi làm việc. Tính ở thời điểm hiện tại, anh vẫn đang hài lòng với cuộc sống an nhàn này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại