'Thạc sĩ chạy grab có phải là nhân tài không?'

DUY THÀNH |

"Có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thất nghiệp, nhiều xe ôm grab là thạc sĩ. Hỏi xem những người đó được đào tạo tốt như vậy có phải là nhân tài không?"

Sáng 24/10, Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức và thảo luận tại hội trường.

Đặc biệt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: "Nhân tài phải là tổng hòa của các yếu tố như giỏi, có tâm, trí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho tập thể, cho tổ chức, cho đất nước".

Ông Tuấn cho biết có tỉnh "trải thảm đỏ" mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc cho tỉnh mình. Có nhiều tỉnh, thành phố có chương trình đào tạo nhân tài, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

"Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu % thạc sĩ, tiến sĩ đóng góp cho tỉnh, thành phố đó? Có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thất nghiệp, nhiều xe ôm grab là thạc sĩ. Hỏi xem những người đó được đào tạo tốt như vậy có phải là nhân tài không? Xin trả lời là không.

Nhân tài muốn phát triển cần có môi trường tốt, giống như hạt giống tốt gieo vào đất tốt thì cây mới đơm hoa kết trái, tạo vụ mùa bội thu".

"Tuy nhiên, hạt giống tốt, đất tốt nhưng tâm không tốt thì sao", ông Tuấn đặt vấn đề.

Vị đại biểu Hà Nội cũng chỉ ra, có những người giỏi, vào môi trường rất tốt nhưng họ không có đủ nhiệt huyết, không đưa ra cống hiến, đề tài tốt cho xã hội.

Thậm chí có người hội đủ 3 nhân tố: vừa giỏi, có môi trường, có nhiệt huyết nhưng cái tâm gốc họ chỉ phục vụ cho cá nhân, cho quyền lợi nhóm.

"Liệu những người đó có là người tài chúng ta công nhận không, câu trả lời là không. Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, nhân tài là người có tài, là người giỏi và có tâm. Nếu có tài không có tâm là người phá hoại; nếu có tâm mà không có tài là người vô dụng", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đồng tình việc bổ sung khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ và quy định về chính sách đãi ngộ, qua đó cơ quan có thẩm quyền về khung chính sách, đãi ngộ với đối tượng này.

Theo ông Hận, thời gian qua nhiều ngành, nhiều cấp ban hành chính sách để thu hút tài năng cho ngành mình, trong đó có cấp kinh phí đào tạo ở các nước tiên tiến.

Tuy nhiên do chính sách hiện hành ràng buộc nên nhiều nhân tài được thu hút hoặc nhiều du học sinh sau khi ra trường không thể làm việc ở cơ quan nhà nước, do không đỗ ở kỳ thi công chức hoặc do các cơ quan phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.

"Thực tế ấy làm lãng phí tiền của đào tạo, lãng phí chất xám và tuổi thanh xuân đang hừng hực muốn cống hiến cho xã hội”, đại biểu của Cà Mau nhấn mạnh và cho rằng việc bổ sung chế định này vào luật là để có cơ sở tạo dựng chính sách, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này cho hiệu quả, đồng thời cần có quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

"Nên chăng, chúng ta học hỏi kinh nghiệm quản trị nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tư nhân để thể chế vào luật, qua đó khắc phục tình trạng tư nhân thì tìm được nhân tài còn nhà nước thì không tìm được người yếu kém", đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị nghiên cứu kỹ lại dự thảo luật, tránh "mở đường" cho người gian lận thi cử để được đánh giá là người có tài năng.

Bàn về khái niệm "Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được" trong dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ không đồng tình.

Thạc sĩ chạy grab có phải là nhân tài không? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội).

"Khái niệm này đọc lên là khái niệm mang tính chất chung chung, và như đang "mở đường" cho người gian lận thi cử để được đánh giá là người có tài năng, tạo kẽ hở hết sức nguy hiểm.

Bởi họ là người có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng để mua điểm, được tuyển dụng hợp pháp vào cơ quan nhà nước.

Và từ đó gia đình sẵn sàng bỏ thêm tiền để họ ổn định công việc và đi lên. Họ có đóng góp lớn cho cơ quan về mặt kinh tế như thế và đây là vấn đề ít người đạt được. Nhiều người có tâm có đức không đi bằng con đường này", bà Khánh nói.

Từ phân tích trên, nữ đại biểu của Hà Nội đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải nghiêm túc nghiên cứu kỹ về quy định người tài năng trong hoạt động công vụ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng không thể tìm ra định nghĩa tài năng đúng ý tất cả mọi người. Do đó, sa đà tranh luận về “người có tài năng”, “người có tài năng trong hoạt động công vụ” sẽ khó đạt được thống nhất cuối cùng.

Có đại biểu đặt vấn đề, tại sao chỉ có người tài trong lĩnh vực công vụ, chẳng lẽ những lĩnh vực khác không có tài năng hay sao? Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực lại phải tìm một định nghĩa riêng về tài năng hay sao?

Trước rất nhiều ý kiến tranh luận, Quốc hội sẽ tiếp tục xin ý kiến trước khi thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại