Thác loạn bên trong các nhà hàng: Xử lý nhiều lần vẫn vi phạm

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Theo các cơ quan chức năng, luật về hoạt động kinh doanh còn nhiều bất cập, các cơ sở kinh doanh tìm mọi cách "lách" nên dù kiểm tra nhiều lần vẫn khó phát hiện hoạt động thác loạn, mại dâm.

Sau loạt bài điều tra " Thác loạn bên trong các nhà hàng " ở trung tâm TP HCM, ngày 26-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ các cơ quan chức năng liên quan để đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý, nhất là sau khi có chỉ đạo khẩn của UBND TP HCM.

"Tiếp viên lợi dụng phá rào"

Trao đổi với phóng viên, đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an quận 1, cho biết sau phản ánh của Báo Người Lao Động, chủ tịch UBND quận 1 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc.

Theo đại tá Đạt, những nhà hàng liên quan trong loạt bài báo trước đó có dư luận xấu và Công an quận 1 đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Điển hình, trong những ngày từ 23-3 đến 2-4, Công an quận 1 kiểm tra hành chính nhà hàng D.max, lập hồ sơ xử lý hàng loạt lỗi vi phạm nhưng chưa phát hiện cảnh thác loạn như báo đăng.

Trong năm 2017, nhà hàng D.max bị kiểm tra 7 lần, nộp phạt gần 90 triệu đồng. Riêng nhà hàng Sunflower bị kiểm tra 3 lần, xử phạt hơn 126 triệu đồng.

Ngoài ra, lực lượng công an còn khởi tố một số quản lý nhà hàng có hành vi môi giới bán dâm tại một số khách sạn ở trung tâm quận 1.

"Dù chúng tôi làm quyết liệt nhưng các chủ nhà hàng luôn tìm cách đối phó nên khó phát hiện để xử lý.

Hơn nữa, luật quy định về hoạt động kinh doanh còn nhiều điểm bất cập nên khó tước giấy phép kinh doanh đối với các nhà hàng, quán karaoke vi phạm" - đại tá Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, Công an quận 1 vừa chỉ đạo Công an phường Phạm Ngũ Lão mời chủ nhà hàng D.max đến trụ sở làm việc.

Tại đây, chủ nhà hàng thừa nhận những đoạn video mà Báo Người Lao Động đăng về cảnh thác loạn trong nhà hàng này là có thật. Tuy nhiên, người này giải thích do nhà hàng quản lý lỏng lẻo nên tiếp viên lợi dụng "phá rào".

Riêng chủ nhà hàng Sunflower đã được gửi giấy mời nhưng chưa đến làm việc. Công an địa phương sẽ tiếp tục gửi giấy mời chủ nhà hàng này đến làm việc vào ngày 27-4.

Đại tá Đạt khẳng định đã báo cáo vụ việc bước đầu lên Ban Giám đốc Công an TP và chờ chỉ đạo xử lý. "Về thông tin một số cán bộ liên quan mà báo cung cấp, tôi sẽ chỉ đạo xác minh làm rõ.

Tôi khẳng định không có chuyện cán bộ Công an quận 1 bảo kê hay bao che cho những sai phạm tại các nhà hàng trên.

Cảm ơn Báo Người Lao Động đã vào cuộc điều tra, cung cấp thông tin về cảnh thác loạn gây phản cảm trên địa bàn. Những hình ảnh, video đăng trên báo đã đủ cơ sở để cơ quan điều tra xử lý" - đại tá Đạt khẳng định.

Các nhà hàng giỏi "lách" luật

Trong khi đó, đại diện UBND quận 5 trả lời chung chung là sau khi báo phản ánh, lãnh đạo quận đã yêu cầu cấp phường và các phòng liên quan giải trình. Nếu có dấu hiệu cán bộ bao che, bảo kê sẽ xử lý nghiêm.

Trao đổi với một lãnh đạo Đội 1 đoàn liên ngành văn hóa - xã hội (Đoàn 814) UBND TP HCM, vị này cho biết các nhà hàng mà báo phản ánh đều đã được lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.

Trả lời câu hỏi có hay không việc lực lượng chức năng ngó lơ để các nhà hàng nói trên hoạt động thác loạn rầm rộ, vị lãnh đạo Đội 1 cho rằng việc các nhà hàng vi phạm nhiều lần chỉ có thể phạt hành chính, không thể rút giấy phép vì Luật Doanh nghiệp đã quy định. Vị này cũng cho rằng hiện các nhà hàng nắm rất chắc luật nên tìm mọi cách "lách".

"Một ví dụ điển hình là dịch vụ xông hơi - xoa bóp, khi kiểm tra, kể cả việc bắt quả tang kích dục tại chỗ nhưng tiếp viên không thừa nhận việc này do chủ chỉ đạo thì cũng không phạt được" - vị cán bộ lý giải và cho rằng quy định hiện hành chưa thật sự chặt chẽ nên vẫn còn nhiều tồn tại.

Chiều cùng ngày, bà Hà Ngọc Minh Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị xử lý những nội dung báo nêu. Tuy nhiên, đơn vị chưa nhận được chỉ đạo của ban giám đốc sở.

Theo bà Thi, việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc chức năng của đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội (chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP làm trưởng đoàn) và các cơ quan chức năng khác.

Chi cục này chỉ có vai trò tham mưu cho UBND TP hoạch định những chính sách, chương trình và đã tham mưu kế hoạch phòng chống mại dâm năm 2018; phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, quận, huyện…

Đại biểu HĐND TP HCM CAO THANH BÌNH:

Dư luận có quyền nghi ngờ

Đứng ở góc độ đại biểu HĐND TP, tôi thấy công tác quản lý địa bàn của các sở, ngành liên quan và quận, huyện, đặc biệt là chủ tịch UBND phường, còn lỏng lẻo, chưa tròn trách nhiệm.

Theo tôi, dư luận có quyền nghi ngờ "có bảo kê" bởi các nhà hàng hoạt động rầm rộ trong một thời gian dài thì không lý gì cơ quan chức năng không biết.

Nếu đã kiểm tra, phát hiện vi phạm thì phải tiếp tục theo dõi xem để có biện pháp xử lý dứt điểm chứ không thể phạt là xong trách nhiệm.

UBND TP cần chỉ đạo 24 quận, huyện rà soát trên địa bàn những quán bar, nhà hàng kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, xử lý nghiêm những trường hợp biến tướng.

Trong quá trình kiểm tra, địa bàn nào xử lý không nghiêm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cũng phải thường xuyên thanh - kiểm tra, phối hợp các quận, huyện để làm trong sạch địa bàn.

Về đề xuất lập "phố đèn đỏ", hiện luật Việt Nam chưa cho phép thì tất nhiên hoạt động kinh doanh này phải bị cấm. Trong thời gian tới, nếu thấy cần thiết, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại