Theo báo Mỹ National Interest, vấn đề chính là THAAD chưa bao giờ được thực chiến, dù tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố đã nhiều lần thử nghiệm thành công hệ thống này.
Với độ cao đánh chặn đến 150km, THAAD chắc chắn sẽ giúp cho "mái nhà Hàn Quốc dày thêm", bên cạnh giàn tên lửa Patriot mà Hàn Quốc đã mua về từ Mỹ. Song, vấn đề của kế hoạch phòng thủ bằng THAAD là lý do chính trị khiến ngay từ đầu nó đã bị hạn chế.
Lo ngại khiến Triều Tiên cảm thấy bị khiêu khích và không muốn làm Trung Quốc quá bực bội, Hàn Quốc chỉ dám mua về một giàn THAAD có 8-10 tên lửa. Theo National Interest, như thế, Hàn Quốc khó có đủ đầu đạn để bắn chặn tên lửa từ Triều Tiên.
Công nghệ THAAD chỉ tìm đến các mục tiêu đang di chuyển (tên lửa) và tạo cú va đập ở độ cao (hit-to-kill) để làm chúng kích nổ trên không.
Vấn đề là Bình Nhưỡng đã có hàng trăm trọng pháo tầm xa nhắm vào Seoul, chúng bắn thấp hơn nhiều so với độ cao đánh chặn 150km của THAAD.
National Interest cho rằng, Triều Tiên cũng có thể phóng sang Hàn Quốc hàng trăm tên lửa, máy bay không người lái, và cả tên lửa giả, không có đầu đạn để "đánh lừa" THAAD.
Cơ chế hoạt động của THAAD.
Phòng thủ phối hợp mới phát huy hết khả năng
Trên nguyên tắc, theo ông Dan Sauter từ tập đoàn Lockheed Martin (nhà sản xuất THAAD), thì đây là hệ thống phòng thủ có thể đối phó với "nguy cơ an ninh đang hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương".
Trong bài trả lời phỏng vấn với TNI, và được National Interest đăng lại, ông Sauter giới thiệu THAAD như hệ thống phòng thủ chống lại các tên lửa đạn đạo, tên lửa hạt nhân và hỏa tiễn chuyên chở vũ khí hóa học.
Phối hợp cùng các hệ thống khác như Patriot/PAC-3, Aegis, và C2BMC (hệ thống chỉ huy, điều khiển và trao đổi thông tin), THAAD giúp tăng cường tối đa năng lực phối hợp phòng thủ của nước sử dụng.
Vấn đề không phải là THAAD hiệu quả đến đâu, mà cụ thể trong điều kiện của Hàn Quốc thì hệ thống này sẽ phát huy tác dụng gì.
Theo hãng tin Yonhap, hiện có những tranh cãi tại Hàn Quốc về điều này.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, các tên lửa THAAD có tầm bắn chặn 200 km và giàn tên lửa đặt ở Seongju, chúng sẽ bảo vệ được tỉnh Gyeonggi nằm quanh Seoul. Song giới chuyên gia vẫn chưa cảm thấy thuyết phục.
Giáo sư Chang Young-keun từ Đại học Công nghệ Không gian Hàn Quốc cho hay:
"Nếu đem ra thử, và nhìn vào khả năng Triều Tiên bắn tên lửa tầm trung Rodong từ bệ phóng ở gần núi Paekdu (sát biên giới Trung Quốc), nhắm vào Pyeongtaek thì tên lửa THAAD có thể sẽ không chặn được".
Cũng theo Yonhap, nếu đặt tại quận Seongju, THAAD sẽ không bảo vệ được Seoul và vùng phụ cận. Có vẻ như để tăng khả năng phối hợp phòng thủ, quân đội Hàn Quốc sẽ chuyển các tên lửa Patriot PAC-3 để bảo vệ thủ đô và vùng phụ cận.
Theo ông Yang Wook, nhà nghiên cứu từ Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc thì tác dụng chính của kế hoạch triển khai THAAD là "răn đe".
"Chỉ riêng khả năng có thể bắn chặn tên lửa của đối phương là đủ để răn đe Triều Tiên, bất kể các tranh cãi xung quanh hiệu năng của THAAD" - ông Wook nói.
Trung Quốc chuẩn bị đối phó bằng phương tiện chống radar
Trung tướng Vương Hồng Quang, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh cho hay, Trung Quốc biết rằng mình sẽ không thể ngăn việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ THAAD nên đã chuẩn bị đối phó bằng phương tiện chống radar của mình.
"Chúng tôi sẽ hoàn thành quá trình triển khai trước khi THAAD bắt đầu vận hành. Sẽ không cần đợi tới 2 tháng (trước kỳ bầu cử Tổng thống mới ở Hàn Quốc)", ông Vương nói bên lề đại hội ở Bắc Kinh, "chúng tôi đã có thiết bị đâu vào đấy. Chúng tôi chỉ phải đưa chúng vào đúng vị trí".
Phát ngôn được đưa ra vào thời điểm tòa án Hàn Quốc tán thành phán quyết luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye, người ủng hộ triển khai THAAD - lá chắn tên lửa mà Bắc Kinh cho là nhằm do thám năng lực quân sự của Trung Quốc.
Radar AN/TPY-2 của hệ thống THAAD.
Ông Vương cho hay, có thể Trung Quốc sẽ không trông chờ vào khả năng lãnh đạo kế tiếp của Hàn Quốc thay đổi chính sách và ngừng triển khai THAAD. Những bộ phận đầu tiên của hệ thống này đã được đưa tới căn cứ không quân Onsan hôm 6/3.
Yue Gang, một nhà bình luận quân sự, đồng thời là đại tá về hưu thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa THAAD, tuy nhiên "phá hủy THAAD chỉ nên là sự lựa chọn trong thời chiến".
Theo ông, Trung Quốc có thể gây nhiễu các chức năng của hệ thống thông qua công nghệ điện từ.
Yue nhận định, nơi lý tưởng để đặt hệ thống của Trung Quốc là ở bán đảo Sơn Đông, phía bờ Đông của đất nước, ngay gần Hàn Quốc.
Fu Qianshao, chuyên gia thiết bị đường không hợp tác với Không quân PLA cho rằng, Trung Quốc có thể đưa máy bay - có người lái và không người lái - tới gần THAAD để gây nhiễu tín hiệu radar của hệ thống này.
Ông Fu khẳng định, tất cả các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đều có khả năng đó.