Tết vui từ những làng biển miền Trung

Phan Thanh Bình |

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi trở lại các làng chài miền Trung sau gần 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển và đã tận mắt chứng kiến quang cảnh tấp nập tàu, thuyền ra khơi vào lộng; những tiếng cười nói xôn xao của ngư dân khi tàu về bến tôm cá đầy khoang; người mua, kẻ bán trong không khí rộn ràng, phấn khởi. Biển đã hồi sinh và những làng chài truyền thống được tiếp thêm sức sống mới…

8h sáng, hàng chục tàu thuyền đánh bắt khơi xa của bà con ngư dân “bội thu” tôm cá lũ lượt về cập cảng Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Chị Thủy, vợ của ngư dân Bùi Quốc Hiếu, ở khóm 7, thị trấn Thuận An, bộc bạch: “Chồng em chủ thuyền đi với 7 bạn thuyền đều ở trong khóm.

Thuyền công suất tầm trung nên đánh bắt chủ yếu ở vùng biển của mình và các tỉnh bạn lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình.

Mỗi chuyến ra khơi kéo dài cũng chỉ 5 đến 7 ngày. So với hồi bị sự cố môi trường biển, khoảng 8 - 9 tháng nay, việc đánh bắt thủy hải sản khả quan hơn nhiều. Bình quân mỗi chuyến ra khơi sau khi đã trừ mọi chi phí cũng được 80 triệu đồng.

Bên cạnh, người tiêu dùng cũng không còn tâm lý e ngại việc ăn đồ biển như hồi mới bị sự cố nên việc tiêu thụ hải sản cũng khá thuận lợi.

Chị em chúng tôi thường bán hải sản cho các thương lái thu mua tại bãi mà không phải vận chuyển lên các chợ cá”.

Chừng 30 phút sau, các thương lái đã thu mua hết nhẵn lượng lớn thủy hải sản của ngư dân vừa đánh bắt về. Tiếp đó, cách bãi biển này khoảng 3- 4 cây số là quang cảnh tấp nập của chợ cá Thuận An.

Chị Lâm Thị Nhàn, một thương lái ở khóm 4, thị trấn Thuận An cho hay: “Chị làm nghề này đã hơn 10 năm nay. Cứ tờ mờ sáng là chị đã có mặt tại bãi biển, chờ tàu thuyền cá vào để mua rồi mang lên đây bán lại kiếm lời”…

Trao đổi với chúng tôi về đời sống của bà con ngư dân hiện nay, ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, phấn khởi cho biết: “Phải nói là rất đáng mừng!

Biển hồi sinh nhanh hơn rất nhiều so chúng tôi từng suy nghĩ, dự đoán. Suốt gần một năm qua ngư dân chúng tôi lâm vào tình cảnh kiệt quệ do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.

Nhưng gần 1 năm lại đây, đời sống của bà con đã ổn định, khởi sắc trở lại nhờ vào nghề đi biển”.

Theo lời ông Đủ, năm 2017, ngư dân Thuận An đã đầu tư đóng mới 10 tàu cá với công suất mỗi chiếc từ 250CV đến 820CV.

Trong đó, 2 chiếc công suất nhỏ bà con tự bỏ vốn, 8 chiếc tàu còn lại, gồm vỏ thép và vỏ gỗ công suất lớn, thì vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Số tàu đóng mới này đã nâng tổng số tàu cá trên địa bàn toàn thị trấn lên hơn 400 chiếc, đánh bắt các vùng biển trung và xa bờ rất hiệu quả.

Trong 11 tháng của năm 2017, tổng sản lượng khai thác của thị trấn đạt gần 10.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2016.

Cùng với việc khai thác trực tiếp biển, năm 2017, chính quyền, ngành chức năng và người dân thị trấn Thuận An đã tập trung khôi phục ngành nghề du lịch biển.

Triển khai tu sửa nhiều công trình tại bãi tắm Thuận An nhằm thu hút, phục vụ khách du lịch tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng trở lại.

Kết quả, đến nay trên 90% công trình nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, quán xá và dịch vụ du lịch biển của địa phương đã hoạt động trở lại rất hiệu quả…

Chia tay với làng chài Thuận An, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 1 ra tỉnh Quảng Bình, tìm về Bảo Ninh - ngôi làng biển được nối với TP Đồng Hới bằng cây cầu Nhật Lệ đầy ấn tượng.

Tại đây cũng không kém phần nhộn nhịp, đông vui bởi biển được mùa tôm, cá.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, phấn khởi nói: “Năm 2017, kinh tế của xã có doanh thu đạt mức kỷ lục trên 800 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, ngư dân đánh bắt được hơn 11.000 tấn thủy hải sản, thu về trên 500 tỷ đồng; cộng thêm khoản thu du lịch dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp 300 tỷ đồng nữa.

Ngoài ra, về nông nghiệp mặc dù chỉ chiếm 5% cơ cấu kinh tế, nhưng nhờ người dân biết trồng các loại rau sạch trên cát nên cũng đem về một nguồn thu đáng kể”.

Ông Hiếu giải thích rằng, những năm gần đây, về du lịch dịch vụ của xã đã có bước phát triển mạnh mẽ, song ngư nghiệp vẫn chiếm một vị trí quan trọng và mang lại nguồn thu lớn nhất cho người dân.

Toàn xã hiện có 540 tàu cá, một nửa trong số đó chuyên đánh bắt ở các vùng biển xa, như Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi năm mang về cho xã hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, đội tàu của xã còn tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động không chỉ ở Bảo Ninh mà còn nhiều địa phương khác trong tỉnh với mức thu nhập mỗi người từ 5- 7 triệu đồng cho mỗi chuyến đánh bắt khơi xa.

Có chuyến “trúng đậm” chủ tàu chia cho người làm công từ 10 - 15 triệu đồng.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Nam năm 2017 của Quảng Bình ước đạt 36.587 tấn, thì khai thác biển chiếm tới 35.000 tấn, vượt 121% kế hoạch đề ra.

Năm 2017, cùng với việc tiếp tục tạo mọi điều giúp đỡ bà con ngư dân vươn khơi bám biển, tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như phục hồi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tầng đáy”.

Tết vui từ những làng biển miền Trung - Ảnh 1.

Nhộn nhịp chợ cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Cũng theo ông Lợi, làm biển có nhiều nghề, như nghề lưới vây, lưới rê, nghề câu, chụp mực, lưới kéo, nghề mành với ngư trường khai thác tập trung chủ yếu ở vùng phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Đà Nẵng, vùng biển xa.

Các loại thủy hải sản đánh bắt được chủ yếu cá ngừ, nục, thu, cam, hồng, hố, mú… Trong đó, nghề chụp mực và nghề lưới kéo đạt hiệu quả đánh bắt rất khá.

Năm qua, tỉnh Quảng Bình tiếp tục giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để bà con ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ để cải hoán, đóng mới tàu, thuyền đánh cá công suất lớn.

Đến thời điểm hiện tại, bà con ngư dân toàn tỉnh đã cải hoán, đóng mới được 85 tàu, thuyền vỏ thép và vỏ gỗ, công suất từ trên 800CV đến 1.000CV, với tổng mức kinh phí gần 1.300 tỷ đồng.

Trở lại các vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị, gặp chúng tôi ngư dân Nguyễn Đặng Hạnh Phúc, ở thôn 9, xã biển Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, hồ hởi mời vào nhà, rót nước chè xanh thơm ngát đãi khách và tâm tình.

“Sáng nay có cái đám cưới con o nên tui nghỉ, không đi biển. Còn lại suốt mấy tháng rồi tui và các bạn thuyền ăn, ở giữa biển nhiều hơn ở nhà.

Biển dạo này được lắm, cứ chiều đi đến sáng sớm hôm sau về là mỗi lao động cũng kiếm được từ 1- 2 triệu đồng. Lúc gặp may thì nhiều hơn, 7 - 10 triệu đồng”.

Nghe tin chúng tôi ghé thăm, nhiều ngư dân khác, như Trần Ngọc Lân, Hồ Xuân Đá, Nguyễn Văn Mới, Tạ Văn Đàn, cũng kéo sang nhà anh Phúc và vui mừng chia sẻ rằng, biển đang hồi sinh rất mạnh mẽ.

Đơn cử, như ở biển bãi ngang Triệu Lăng, thu thập bình quân của mỗi lao động biển trực tiếp sau khi đã trừ mọi chi phí, mỗi tháng cũng được hơn 20 triệu đồng.

Theo đánh giá của ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, năm 2017, những địa phương có các xã, phường, thị trấn, thị xã bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển hồi tháng 4-2015, đã triển khai thực hiện rất tốt các công tác giúp dân tìm sinh kế mới; tiếp tục với nghề biển, cải hoán, đóng mới tàu thuyền cá, nhất là tàu thuyền vỏ thép và gỗ công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày.

Trong số những địa phương này phải kể đến huyện Gio Linh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tới 1.086,13 tấn, tăng 18,4% so cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy hải sản cũng đạt tới 12.558,4 tấn, tăng 1.048 tấn so với cùng kỳ...

Phải nói rằng, ngay sau sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương vùng bị ảnh hưởng đã hết sức khẩn trương vào cuộc, tích cực tìm kiếm các giải pháp ổn định đời sống cho nhân dân.

Nhờ đó, đến nay cuộc sống của người dân ở những vùng biển bị ảnh hưởng đã sớm ổn định, khởi sắc trở lại rất đáng mừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại