Còn nhớ hồi ở Việt Nam, những ngày năm hết Tết đến, tự nhiên người ta quay sang tính lịch âm. "Bữa nay bao nhiêu tháng chạp rồi nhỉ?".
Ở trời Tây, tôi không còn thói quen đó nữa vì trong nhà không có cuốn lịch âm nào. Thế mà bằng một cách nào đó, Tết vẫn len lỏi vào trong tâm trí. Tôi thèm đủ thứ đồ ăn ngày Tết: bánh chưng, giò chả, dưa hành, măng miến...
Chỗ tôi ở không có nhiều người Việt sinh sống nên chợ châu Á có chăng cũng chỉ vài mặt hàng khô thông dụng như bánh tráng, bánh phở... Có người bạn từ Paris về chơi, tôi nhờ bạn xách giùm dăm tấm bánh chưng, 3 ký chả lụa bỏ tủ đá ăn dần. Ở tỉnh lẻ thì khó chứ ở Paris thì đồ ăn Việt chẳng thiếu thứ gì. Tôi dự định ngày Tết sẽ lấy ra thắp hương ông bà rồi mời gia đình chồng ăn cùng cho có chút không khí.
Bữa cơm cúng ngày 30 Tết ở đất Pháp đầy đủ món ăn quê nhà
Tết năm nay tính ra "đặc biệt" hơn những năm trước vì Covid-19 bủa vây mọi mặt cuộc sống. Dân Việt ngậm ngùi chia sẻ tình cảnh không còn cơ hội về quê ăn Tết. Kể cũng lạ, tâm lý con người ta khi về thoải mái thì chưa chắc đã định về, đến khi hết cách rồi thì nỗi khát khao ăn Tết nơi quê nhà dường như tăng gấp bội.
Danh sách chờ chuyến bay "giải cứu" của đại sứ quán còn dài. Người sang Pháp bằng visa ngắn hạn bị kẹt lại còn chưa được về, huống gì người định cư không thuộc diện ưu tiên như tôi. Thôi thì đành ăn Tết trực tuyến vậy. Người thân, bạn bè ở Việt Nam chuẩn bị Tết thế nào, tôi đều cập nhật qua mạng xã hội, từ những tiệc tất niên công ty, lãnh thưởng cuối năm cho đến mua sắm, trang trí nhà cửa...
Không khí những ngày cuối năm âm lịch ở Việt Nam thường chộn rộn, khác xa ở Pháp, nơi mọi kỳ nghỉ lớn đã kết thúc và người dân đã trở lại guồng làm việc quen thuộc. Tôi từng nói với bạn bè rằng Tết ở trời Tây ngày nay chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu không khí. Năm nay cũng vậy nhưng trong cái sự "không thiếu gì" ấy dường như còn mang cả ‘vị đắng".
Một cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam tại Paris. Ảnh: thanh-binh.com
Dịch bệnh làm cho không ít người Việt tại Pháp lâm vào cảnh mất việc làm. Một bộ phận không nhỏ trong đó sống bằng nghề làm nhà hàng và làm móng. Nay Covid-19 lan rộng, nhà hàng phải đóng cửa, tiệm móng thưa vắng khách, tình trạng thất nghiệp tăng mạnh mà không phải ai cũng đủ điều kiện nhận trợ giúp từ chính phủ.
Vậy là hoạt động bán hàng ăn trên mạng nở rộ chưa từng thấy. Nếu trước đây chỉ thấy bán đồ khô như bánh trái, giò chả... thì giờ có cả những món ăn vốn chỉ phục vụ tại chỗ như phở, bún, cháo lòng hay các loại chè, thậm chí có luôn những mẩu rao bán chân giò đã thui sẵn để khách dễ bề chế biến món giả cầy. Mỗi ngày chỉ cần mở Facebook ra là ta đã có thể tiếp cận được trọn vẹn cả một nền ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn đường phố cho đến những thực phẩm xa xỉ.
Chia sẻ điều này với cô bạn sống ở Hà Lan, bạn tôi bảo không chỉ bán hàng ăn online sôi nổi đâu, người Việt năm nay cũng chịu khó tự làm hơn, thay vì đi mua sẵn. Ở các đô thị lớn châu Âu như Paris, Berlin, Amsterdam... cần gì có nấy thì ít ai chịu động tay nấu nướng. Nhưng năm nay người thất nghiệp nhiều, kinh tế khó khăn hơn, thời giờ rảnh nhiều hơn nên người ta sẵn sàng lao vào bếp. Tôi nghĩ bụng, chí ít thì Covid-19 cũng có mặt "tích cực" là khiến chị em đảm đang hơn mọi năm.
Bé gái xinh xắn gốc Việt thăm chùa Trúc Lâm Thiền Viện ở Villebon-sur-Yvette, cách Paris khoảng 20 km về phía Nam
Ngoài ra thì mọi hoạt động lễ hội cộng đồng mừng năm mới đều bị hủy bỏ. Không khí Tết bình thường đã vắng, nay lại càng lạnh lẽo hơn giữa những ngày đông ảm đạm. Đối với mỗi gia đình Việt, Tết có một ý nghĩa nhất định nhưng với cả cộng đồng Việt tại Pháp, đó là một tổn thất không hề nhỏ.
Tết âm lịch năm nay trùng với lịch nghỉ đông kéo dài 2 tuần của học sinh Pháp. Bình thường thì điều đó sẽ thật là may mắn vì các gia đình Việt có thể đón tết thảnh thơi hơn với kế hoạch đi chơi dài ngày: đi thăm người thân, bạn bè, đi trượt tuyết... Nhưng năm nay chúng tôi lên kế hoạch mừng năm mới một cách dè dặt, khi mà khả năng cách ly xã hội lần thứ ba vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Tết năm nay, khi đặt lên bàn thờ tổ tiên tấm bánh chưng vào thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới, tôi định bụng sẽ cầu cho dịch bệnh qua mau để sang năm, bà con phương xa lại được thoải mái về quê đón Tết. Mong ước tưởng chừng đơn giản thế mà có lẽ là nỗi niềm của hầu hết những người con đất Việt xa xứ. Ai cũng có quyền hy vọng ở tương lai và dĩ nhiên, Tết về mang theo cả một niềm hy vọng mới.
Nếu không có dịch bệnh, cô bé sẽ được chơi các trò chơi như nhặt đậu (Tấm Cám), câu cá... trong ngày Tết Việt