Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, theo truyền thống người Việt Nam, là ngày các gia đình cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là phong tục đẹp, thể hiện mong ước của người dân về một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc.
Năm nay, nhiều người đã thay đổi nhận thức trong việc đốt vàng mã nên không mua nhiều đồ, không đốt tràn lan gây lãng phí tiền của, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Sáng sớm nay, vợ chồng bà Hoàng Thị Lan, ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa đã lo lau dọn ban thờ, nhà cửa để chuẩn bị lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.
Thờ cúng Táo Quân là tín ngưỡng dân gian mang đậm nét truyền thống của người Việt. Theo truyền thống thì lễ cúng Táo quân chỉ cần mâm cơm, chè ngọt, trầu cau, hoa quả.
Vì thế, mâm cỗ cúng Táo Quân nhà bà Lan từ nhiều năm nay thường là cỗ chay, kèm theo bộ mũ ông Công, ông Táo và 3 con cá chép còn sống.
Việc đốt vàng mã trong các dịp cúng giỗ, lễ tết cũng không còn: “Đi các chùa, các thầy cũng giảng tiền vàng mã đốt thì làm sao mà nhận được. Nếu con người ta làm việc lành, việc tốt, có tâm, có đức thì khi chết được siêu thoát.
Thế là từ đó, tôi không bao giờ đốt tiền vàng nữa. Ngày này mọi người đều theo truyền thống là cúng mũ áo cho ông Công ông Táo và làm mâm cơm, thành tâm, không cần gì nhiều, miễn là có hoa tươi, quả đẹp và mâm cơm chay”.
Dù bận công việc kinh doanh nhưng chị Lưu Ngọc Anh, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông cũng nghỉ bán hàng buổi sáng để lau dọn nhà cửa, chuẩn bị tiễn ông Công ông Táo về trời trước 12 giờ trưa hôm nay.
Đồ cúng của gia đình chị đơn giản là một chiếc bánh chưng, một khoanh giò, hoa quả tươi và một bộ mũ, hài ông Công ông Táo.
Chị Ngọc Anh chia sẻ, trước kia, gia đình chị cũng đốt nhiều vàng mã mỗi dịp lễ Tết, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chị ít mua và đốt vàng mã vì hiểu rằng, lòng thành kính với tổ tiên và thần linh không phụ thuộc vào việc hóa mã nhiều hay ít, to hay nhỏ.
Đốt nhiều vàng mã chỉ lãng phí tiền của, mà chắc gì thần linh, tổ tiên nhận được những thứ mình đốt: “Theo tôi thì việc đốt vàng mã không nhất thiết phải làm vì tôi hiểu rằng có đốt ông bà, tổ tiên cũng không nhận được.
Mình mua nhiều vàng mã có nghĩa rằng mình đốt tiền của mình. Tôi nghĩ rằng mình nên làm việc từ tâm mình, làm việc tốt, có thể dùng tiền đó làm việc thiện thì sẽ tốt hơn”
Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về tục đốt vàng mã thường được các nhà chùa nhắc nhở bà con phật tử, nhân các ngày lễ chùa Rằm, mùng một bà con về chùa lễ Phật .
Bà con cũng dần dần nhận ra đốt vàng mã không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Sư thầy Thích Diệu Tiến, chùa Trung Kính Hạ, quận Cầu Giấy cho biết: “Khi người ta đã hiểu được thì người ta không cần đốt vàng mã nữa, chùa nhà mình bây giờ không đốt cũng không sao.
Tất cả là “nhất thiết duy tâm tạo”, tâm mình nghĩ như thế nào sẽ ra như thế, do là ở tâm mình hết thôi. Nếu mình giải hóa được tâm của mình, nếu tâm mình ước đến cái đẹp, cuộc sống bình an thì bình an sẽ đến với mình.
Còn đôi khi mình nghĩ vẩn vơ hoặc là nghĩ đến cái xấu thì tự dưng cái xấu sẽ đến với mình”.
Dẫu vẫn còn một số gia đình giàu có, bày biện lễ lạt tốn kém, chi tiền triệu mua vàng mã trong ngày Ông Công ông Táo; vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp như vứt rác sau lễ hóa vàng, phóng sinh cá chép, nhưng sự lãng phí tiền bạc cho tục đốt vàng mã bây giờ đã bắt đầu có chuyển biến theo hướng tích cực, hình ảnh những đống đồ mã “chất ngất” cháy rừng rực trên vỉa hè cũng đã giảm đi nhiều.
Người mua đồ mã ít hơn và đa số là hàng bình dân. Hình thức phóng sinh cá chép ra ao hồ, sông suối sau khi cúng ông Công ông Táo, trả cá về với tự nhiên cũng thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái của người Việt Nam./.