Chi mạnh tay cho tết
Tết Nguyên đán 2018 là kỳ nghỉ quan trọng nhất của nhiều nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... Ngân hàng United Overseas của Singapore đã thực hiện cuộc khảo sát ở 3 nước Đông Nam Á để xem người dân chi tiêu thế nào trong dịp Tết nguyên đán.
Ở Singapore, kết quả khảo sát khoảng 500 người cho thấy, ngân sách trung bình chi cho tết khoảng gần 1.900 USD. Cuộc khảo sát tương tự ở Indonesia và Malaysia cho kết quả lần lượt là 800 USD và 1.000 USD. Ở cả 3 nước này, người dân có xu hướng chi tiền chủ yếu cho thực phẩm, du lịch và quà tặng.
Mặc dù khảo sát không được thực hiện ở Trung Quốc, song, tiêu dùng của nước này trong dịp tết ngày càng tăng. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tới 140 tỉ USD cho các dịch vụ bán lẻ và ăn uống trong suốt kỳ nghỉ tết kéo dài 1 tuần, tăng 11,4% so với năm 2016.
Trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và điều này thực sự đang diễn ra.
Tuy nhiên, tờ the Nation cho rằng, chính sách của chính phủ không phải là nhân tố chính kích thích chi tiêu mà chính xu thế xã hội mà Nhóm tư vấn Boston và Nghiên cứu Ali mô tả là 3 lực lượng thay đổi lớn: Thứ nhất, có nhiều hộ gia đình có thập nhập trung bình cao hơn 24.000 USD/năm; thứ hai, người tiêu dùng trẻ tuổi đang chiếm ưu thế hơn trên thị trường; thứ ba, thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử di động ngày càng phát triển.
Tất cả các yếu tố này cùng nhau hợp lực để kích thích sự gia tăng mạnh nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cao cấp như thực phẩm an toàn cho sức khỏe, du lịch, và điều này mở ra nhiều cơ hội cho những người nhằm mục tiêu vào thị trường Trung Quốc.
Lì xì kỹ thuật số
Các phong bao lì xì màu đỏ đựng tiền mừng tuổi là phong tục quan trọng trong ngày tết. Nhưng ngày nay ở Trung Quốc, các “hồng bao” điện tử đang là xu hướng thay thế cho phong bao lì xì truyền thống, đóng góp vào sự tăng trưởng của thanh toán bằng điện thoại di động, đặc biệt là đối với nền tảng truyền thông xã hội WeChat của Tencent.
Tập đoàn công nghệ khổng lồ này chỉ mới tung ra hồng bao điện tử (e-hongbao) vào năm 2014, nhưng đã chứng kiến số lượng tăng vọt.
Hơn 16 triệu e-hongbao được gửi đi vào đêm giao thừa 2014, nhưng đến năm 2016 là 8 tỉ, và năm ngoái, con số này đã lên đến 46 tỉ lì xì điện tử. Việc sử dụng hồng bao kỹ thuật số là thành công vang dội đối với WeChat, mở ra cánh cửa cho các loại chi tiêu trực tuyến khác.
Xu hướng này cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á. Ngân hàng DBS của Singapore từ chối tiết lộ tổng số lì xì điện tử, nhưng nói rằng, số e-hongbao được gửi đi mỗi năm sau nhiều hơn các năm trước đó.
Quan trọng hơn với người tiêu dùng, DBS tiết lộ rằng, số lượng tiền trung bình trong mỗi lì xì điện tử ở Singapore trong năm ngoái là 26 đôla Singapore (khoảng 20 USD), tăng gấp nhiều lần so với lì xì truyền thống, thường chỉ là 6 SGD (4.5 USD) và 10 SGD (7.6 USD).
Bùng nổ du lịch
Ở Trung Quốc, kỳ nghỉ tết cũng đồng nghĩa với 1 cuộc di dân hàng năm lớn nhất thế giới. Trong cuộc đại di cư mùa xuân kéo dài 40 ngày hay còn gọi là “chunyun”, gần 3 tỉ lượt chuyến đi ước tính được thực hiện từ ngày 1.2 đến 12.3.2018 - CNBC dẫn số liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết.
Các chuyến đi này chủ yếu là của người dân về quê nghỉ tết, nhưng cũng rất nhiều chuyến đi trong số đó là của người dân đi du lịch, với các điểm đến yêu thích là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Theo Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc, chi tiêu cho du lịch trong nước năm 2017 đã tăng gần 16% so với năm 2016, với 344 triệu khách du lịch nội địa, chi tiêu 423 tỉ nhân dân tệ (61 tỉ USD).
Những người giàu Trung Quốc cũng có xu hướng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Năm ngoái, 6,5 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài trong dịp tết, tăng 7% so với năm 2016, chi tiêu khoảng 100 tỉ nhân dân tệ (gần 16 tỉ USD).
Năm nay, số lượng khách dự kiến tiếp tục tăng. Tuần trước, 1 báo cáo của Viện Du lịch Trung Quốc và Ctrip ước tính số lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài trong dịp tết năm nay dự kiến đạt kỷ lục mới là 6,5 triệu người.
Số du khách này dự kiến chi trung bình khoảng 9.500 nhân dân tệ (1.500 USD) tại các điểm đến phổ biến như Thái Lan, Singapore và Việt Nam, hoặc tới hơn 160.000 nhân dân tệ (25.200 USD) đến Nam cực - một điểm đến lý tưởng cho người giàu Trung Quốc.
Với 1 tầng lớp trung lưu ngày càng có điều kiện và lớn mạnh, người Trung Quốc bây giờ sẵn sàng chi nhiều hơn và trở lại thị trường sang trọng.
Nhà kinh tế của ngân hàng tư nhân CIMB - ông Song Seng Wun - cho biết, Tết nguyên đán luôn mang đến “sự gia tăng ngắn hạn về tiêu dùng với các cộng đồng người Hoa ở khắp thế giới, từ Bắc Kinh, Jakarta, London, Los Angeles đến Singapore”.