Tết năm nay, bạn có về quê ăn Tết không?
Với nhiều người, được đoàn tụ cùng gia đình trong ngày Tết là điều không gì thay thế được. Có tiền hay không cũng phải về nhà, mệt mỏi hay không cũng phải về nhà. Thế nhưng trên thực tế, năm nào cũng có những người trẻ ngại về nhà ăn Tết.
Không phải họ không muốn về nhà mà ngược lại, ở nơi đất khách quê người, mỗi khi ốm đau, mỗi khi mệt mỏi, họ đều nhớ đến bố mẹ, nhớ đến gia đình đầu tiên. Họ một lòng hướng về căn nhà nhỏ với chiếc giường ấm áp, nơi ánh đèn luôn sáng đợi họ trở về.
Tuy nhiên, nhớ nhung đôi khi cũng chỉ là nhớ nhung. Trước hiện thực khắc nghiệt, trước hằng hà sa số những áp lực lớn nhỏ, nhiều người trẻ vừa cảm thấy tủi thân, vừa cảm thấy bất lực, vừa cảm thấy lo âu, vừa cảm thấy muộn phiền. Dù muốn về nhà đến đâu, họ cũng không sẵn sàng để trở về...
01
Tết không đáng sợ, chủ đề nói chuyện ngày Tết mới đáng sợ
Đối với một số người, về quê nghỉ Tết không đồng nghĩa với việc được nghỉ ngơi. Rời khỏi chiến trường mang tên công ty, họ tiếp tục phải tham gia vào một trận chiến trường kỳ mang tên hội nghị gia đình. Dì Năm, thím Bảy mỗi người một câu, có thể khiến thành phần ưu tú nơi công sở như bạn phải đỏ mặt xấu hổ, không ngẩng mặt lên được.
"Có người yêu chưa?"
Đây là câu hỏi đả kích thẳng mặt mà Tết mấy năm nay, Thanh Vy Tết nào cũng phải nghe. Vì anh chị em trong nhà đều lập gia đình tương đối sớm nên so ra, Thanh Vy thành đứa con gái duy nhất trong họ đã lớn rồi mà còn... ế.
Vì đã có được bài học từ năm ngoái nên khi nhận về câu hỏi như vậy, cô trả lời dứt khoát: "Có". Cô thực sự không muốn trải qua cuộc chiến mai mối, xem mắt một lần nữa. Suy cho cùng, ánh mắt của họ hàng đôi khi khá... kỳ lạ, những đối tượng được mai mối lắm lúc có thể khiến bạn đột ngột mất đi ham muốn yêu đương.
"Thế bao giờ cưới?"
Họ hàng không định tha cho cô dễ dàng như thế, liền thay phiên nhau tiếp tục "tra khảo". Thanh Vy rõ ràng không mong đợi tình huống này, nên cô nàng chỉ có thể nói rằng bản thân vẫn đang suy nghĩ. Và vậy là nhân danh sự quan tâm, họ hàng bắt đầu truyền dạy cho cô hầm bà nhằng các thứ kinh nghiệm sống, cách nhìn người, mua nhà ở đâu, tiền nong trong nhà ai giữ... Đến nhà nào chúc Tết, Thanh Vy đều phải đối diện với series hỏi đáp y hệt nhau và dự đoán rằng Tết chưa hết, cuộc họp báo này sẽ chưa thể kết thúc.
Cuối cùng, không thể chịu nổi, Thanh Vy chọn cách im lặng, cầm điện thoại và nhắn tin than thở với bạn bè. Nhưng rồi lời họ hàng, người thân văng vẳng bên tai khiến Thanh Vy phải một lần nữa quay lại cuộc hội thoại mệt mỏi này:
"Đi làm xa, đủ lông đủ cánh rồi có khác, về nhà không biết coi ai ra gì. Người lớn hỏi mà cứ cắm mặt vào cái điện thoại, chẳng nói chẳng rằng."
Người lớn thỉnh thoảng vẫn vậy, luôn ép buộc người trẻ để chứng minh rằng họ đã dạy dỗ người trẻ rất tốt nhưng Thanh Vy lại thấy điều đó là không cần thiết, đó là lý do cô không thích về quê ăn Tết. Thanh Vy vẫn muốn trở lại làm một đứa trẻ trước mặt bố mẹ mình, nhưng cô từ chối giả vờ ngoan ngoãn trước mặt những người mà cô thậm chí không biết nên xưng hô như thế nào.
Đương nhiên, về quê ăn Tết, bạn sẽ không chỉ phải nghe 2 câu hỏi như trên mà là bộ câu hỏi nghìn năm như một khác như:
"Đang làm gì rồi?"
"Công việc dạo này thế nào?"
"Lương tháng bao nhiêu?"
"Mua nhà chưa?"
"Mua xe chưa?"
...
Giữa cơn cuồng phong này, chỉ cần đáp án của bạn đưa ra không làm vừa lòng mọi người, làn sóng mang danh quan tâm cuồng nhiệt từ bạn bè thân bằng cố hữu sẽ ập đến, khiến bạn không thể chối từ. Bởi vì họ sẽ dùng câu "Cô/ dì/ chú/ bác nói cái này..." để mở đầu và dùng câu "vì muốn tốt cho con" để kết thúc.
Có những người họ hàng cả năm bạn không gặp một lần, nhưng sẽ luôn xuất hiện vào dịp Tết, dành sự quan tâm một cách đặc biệt về tình hình cuộc sống, công việc, học tập và tình trạng hôn nhân của bạn. Họ thúc giục bạn phải sống đúng với tiêu chuẩn cuộc sống trong mắt họ. Họ chưa hẳn đã quan tâm bạn mà chỉ đang tò mò, hoặc tìm chủ đề để nói chuyện, thậm chí là để thỏa mãn thú vui hóng chuyện của mình, vậy thôi.
Ở tuổi đôi mươi, chúng ta vẫn hihi haha vì được coi là người ngoài cuộc. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, khi trở thành người trong cuộc, mọi thứ không còn vui vẻ và dễ thở như vậy nữa. Không có một mối quan hệ ổn định, cũng không có một công việc thuận lợi, một năm trôi qua, bạn thường cảm thấy kiệt sức và âu lo. Rõ ràng bạn muốn về nhà để được vỗ về, được thả lỏng nhưng cuối cùng, bạn lại phải chịu đựng chuỗi hỏi han của những người trọng thành tích.
Có đôi khi, chính bố mẹ bạn cũng cảm thấy băn khoăn, vì sao đứa con từng hoạt bát, nổi bật rực rỡ của mình đột nhiên lại trở nên mờ nhạt giữa đám đông. Họ cảm thấy thành đạt, mạnh khỏe, có một gia đình hạnh phúc là những gì mà con cái họ nên có được, chính vì vậy họ rất tích cực trong khoản thúc giục bạn đi xem mắt, thúc giục bạn chăm chỉ làm việc, thành ra đôi lúc họ quên mất hiện thực rằng bạn cũng biết mệt mỏi...
Mỗi năm về quê ăn Tết, Thanh Vy đều sẽ tụ tập liên hoan cùng bạn bè. Và cô nhận thấy rằng bạn bè mình cũng không phải quá vui vẻ. Không phải họ suy nghĩ nhiều, chỉ là bản thân họ cũng không biết mình cần làm gì. Thanh Vy và bạn bè cũng biết nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ nhưng đối với những người trẻ như họ, về quê ăn Tết cái sự không vui nhiều hơn cả sự vui.
Bình thường chẳng ai thích đi làm mà chỉ muốn nghỉ, tới lúc thực sự được nghỉ Tết rồi, mọi người lại chỉ ao ước được sớm đi làm trở lại. Bởi lẽ so với những câu chất vấn từ họ hàng, người thân, đi làm so ra còn là việc nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Suy cho cùng, sợ nhất là bầu không khí đột ngột im lặng, sợ nhất là họ hàng thân thích đột ngột quan tâm.
02
Không có tiền là lý do lớn nhất để không về nhà
Hàng năm, trong dòng người về quê, có những người đi bằng máy bay, có người đi xe khách, có những người tự chạy xe máy và cũng có không ít người thậm chí chẳng biết đi bằng phương tiện gì. Bởi lẽ, họ không có tiền .
Nhiều người nghĩ rằng vé tàu, vé xe vài trăm nghìn, cả năm làm việc chẳng lẽ không mua nổi. Nhưng nếu bạn không phải trụ cột gia đình, không có cả mấy miệng ăn phải nuôi, nếu bạn lớn lên trong một gia đình khá giả, mọi thứ như cơm ăn áo mặc đều có người lo, bạn sẽ không thể hiểu được đâu.
Không phải họ không mua được mà nếu mua, họ sẽ mất đi một khoản tiền có thể giúp gia đình mình ăn Tết ngon hơn. Khuôn mặt tươi cười của người thân là niềm an ủi lớn nhất đối với sự vất vả của họ. Những người không kiếm được nhiều trong một năm qua là những người không có tự tin để đặt chân lên đường về nhà nhất.
Tài (24 tuổi) là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng. Từ khi ra trường đến nay, Tài chưa bao giờ về quê ăn Tết. Anh chàng cho hay, cứ đến cuối năm nhìn vào số dư ngân hàng, anh chàng lại mất đi động lực về nhà. 2 năm đi làm chỉ gửi được vài đồng về nhà đối với Tài là một thất bại.
Với mọi người, ngày nghỉ lễ là thời gian để sum họp bên gia đình, nhưng đối với những người làm ngành dịch vụ như Tài, đây lại là khoảng thời gian bận rộn và thu được nhiều lợi nhuận nhất.
"Dù bận cũng không sao, lương gấp 3 lần bình thường đấy. Tôi thà đi làm còn hơn về quê trong dịp Tết", Tài nói.
Tấm vé về quê, tiền biếu người lớn trong nhà, lì xì cho đám trẻ con đủ để vắt kiệt hết số tiền tiết kiệm trong năm của Tài. Bố mẹ của Tài luôn muốn con trai trở về nên năm nào, Tài cũng phải kiếm cớ từ chối. Đôi lúc bố mẹ anh chàng cũng nhận ra và hỏi khéo có phải tiền đi lại đắt đỏ quá không, hay để họ trả giúp nhưng Tài luôn nói mình đủ tiền. Không ai biết ở đằng sau chiếc điện thoại là sự xót xa và run rẩy Tài phải cố gắng kìm lại.
Hóa ra, điều đầu tiên bạn học được khi trưởng thành là chỉ chia sẻ những gì tốt đẹp và tự giữ lấy những điều tiêu cực cho riêng mình.
"Năm đầu tiên không thể về quê đón Tết, tôi nghĩ đó là một ngã rẽ trong cuộc đời mình. Bên kia ngã rẽ là một tôi đầy ngây ngô và non nớt, còn bên này ngã rẽ là một tôi nay đã trưởng thành".
03
Sự suy sụp lớn nhất của người trưởng thành bắt đầu từ việc không dám về quê ăn Tết
Trên thực tế, không phải người trẻ không háo hức được về quê ăn Tết mà vì họ có quá nhiều lo lắng, băn khoăn. Nhiều người trẻ nói rằng, họ cũng mệt mỏi lắm. Sự mệt mỏi của họ không chỉ đến từ áp lực cuộc sống mà còn là sự đấu tranh với những định kiến từ gia đình, họ hàng.
Bạn muốn bám trụ ở thành phố lớn để theo đuổi ước mơ của mình; bố mẹ của bạn lại nghĩ rằng về quê cho an toàn.
Bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình nên chưa vội kết hôn, sinh con; bố mẹ của bạn lại cảm thấy kết hôn sinh con là nhiệm vụ bạn phải hoàn thành.
Quan niệm hôn nhân của bạn là phải đợi cho được một người phù hợp; bố mẹ của bạn lại cảm thấy bạn kén cá chọn canh, yêu cầu quá cao.
Sự thiếu thấu hiểu của bố mẹ khiến bạn càng ngày càng sợ về quê mỗi khi Tết đến. Bạn muốn sum họp cùng gia đình, muốn về quê để tận hưởng không khí Tết nhất nhưng những bất đồng khiến ngày Tết dần mất đi cái vị của nó.
Và bạn cũng đến rồi cái tuổi không còn được lì xì mà phải đi lì xì người khác. Đôi lúc bạn về nhà và muốn gặp gỡ những người bạn cũ để rồi nhận ra họ đều đã kết hôn, đều bận rộn công việc còn bạn chỉ có một mình. Nói theo một cách khác, lý do khiến nhiều người không muốn về nhà còn là vì họ không đủ can đảm để đối diện với việc bản thân đang dần trở nên lạc nhịp với những người xung quanh.
Nhiều người không thực sự ghét Tết, điều họ ghét thực sự là sự hỏi han, can thiệp quá đà của những người mang danh họ hàng, điều họ ghét là bản thân còn tầm thường, còn chưa đủ trưởng thành. Do đó, họ sẽ phải trả lời một cách qua loa, họ chán ghét các thủ tục lễ Tết và họ chọn không trở về như một cách để tránh bão.
Nếu bạn có thể chấp nhận rằng bạn chưa đủ tốt, không so sánh mình với người khác, không thỏa hiệp và đừng quá lo lắng, có lẽ bạn sẽ không phản kháng lại việc về quê ăn Tết nữa.
Hy vọng, năm nay mọi thứ sẽ thay đổi. Bạn có thể thoải mái hơn, cởi mở hơn. Dù cuộc sống có tạm thời chưa được như ý cũng đừng nản lòng. Đời còn dài, tương lai còn rộng, cuộc sống nơi xa chẳng dễ dàng gì. Về nhà đi thôi và đón một năm mới an lành!
Ảnh minh họa: Tổng hợp