Tên lửa Trung Quốc dọa chiến hạm Mỹ tại vịnh Ba Tư

Thùy Dung |

Trang Sputnik dẫn tuyên bố của Tướng hải quân Iran Ali Fadavi hôm 11/5 rằng sẽ đánh chìm tàu chiến Mỹ ở vịnh Ba Tư nếu cảm thấy bị đe dọa.

Tướng Ali Fadavi, Tư lệnh hải quân thuộc Vệ Binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo: "Bất cứ nơi nào người Mỹ xuất hiện, họ sẽ thấy chúng tôi.

Chúng tôi sẽ nhấn chìm các tàu chiến Mỹ nếu họ có bất cứ sai lầm dù nhỏ nhất nào ở vùng vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz, hoặc biển Oman".

Ngoài ra, Tướng Ali Fadavi cũng gọi sự hiện diện của Mỹ ở vịnh Ba Tư là "Một tội ác. Hiện có khoảng 60 tàu quân sự nước ngoài ở vịnh Ba Tư, hầu hết là của Mỹ, Pháp và Anh. IRGC đang giám sát chặt chẽ các tàu này từng giờ”, ông Fadavi nói.

Tên lửa Trung Quốc dọa chiến hạm Mỹ tại vịnh Ba Tư  - Ảnh 1.

Tên lửa chống hạm C-704.

Theo nhận định của chuyên gia Dave Majumdar trên tạp chí The National Interest, cơ sở để Iran tự tin có thể đánh chìm tàu chiến Mỹ là dựa vào kho tên lửa diệt hạm của mình. Đáng ngại nhất trong số đó là C-704 do Trung Quốc sản xuất.

Tên lửa chống hạm C-704 của Trung Quốc là loại tên lửa với nhiêu phiên bản và có thể triển khai trên tàu chiến, xe tải và máy bay. Trung Quốc đã bán cho Iran loại tên lửa này và Iran đã tự phát triển một phiên bản tương tự.

Theo thông tin của tạp chí Mỹ, tên lửa chống hạm này được thiết kế để đánh mục tiêu là các tàu có trọng tải từ 1000 tấn đến 4000 tấn. Loại tên lửa này lớn hơn các tên lửa TL-6 và C-701 nhưng nhỏ hơn loại C-802.

Chuyên gia Dave Majumdar cho biết, C-704 có đầu đạn nặng khoảng 130 kg với tốc độ cận âm, tầm bắn 35 km.

Độ cao hành trình đầu đạn từ 15 đến 20m so với mặt biển. Nó được Trung Quốc tuyên bố là có xác suất đánh trúng mục tiêu khoảng 97,7%.

Tên lửa C-704 sử dụng đầu đạn bán xuyên giáp, động cơ đẩy nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường chủ động. Ở giai đoạn hành trình tiếp cận mục tiêu, đầu dò sẽ tự động tìm kiếm phát hiện và lái tên lửa vào mục tiêu.

Theo tuyên bố của các nhà phát triển tên lửa, radar dẫn đường của nó gồm hai dải tần số hồng ngoại từ 3-5 um và từ 8-12 um, cung cấp một số trợ giúp chống lại các mục tiêu tàng hình.

Ngoài việc nhập khẩu C-704, Iran còn phát triển tên lửa hành trình chống hạm mang tên Zafar có hình dáng bề ngoài của nó rất giống tên lửa C-704 do Trung Quốc sản xuất.

Nguồn tin này cũng cho biết thêm Iran thậm chí còn phát triển một tên lửa tên là Noor vốn là phiên bản nâng cấp của tên lửa chống hạm C-802 Trung Quốc. Tên lửa Noor có tầm bắn xa hơn C-802 và có các hỗ trợ điện tử tốt hơn.

Xét về lý thuyết, chỉ với những tên lửa này, Iran cũng đủ khả năng đe dọa bất cứ dòng chiến hạm nào. Tuy nhiên chúng có chạm vào được chiến hạm Mỹ hay không lại là vấn đề khác, chuyên gia Dave Majumdar nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại