Tên lửa TQ-Ukraine "giống nhau" kỳ lạ: Một loạt bí mật lọt vào tay Bắc Kinh như thế nào?

QS |

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa ICBM, một câu hỏi được đặt ra là: Ukraine đã giúp đỡ TQ nhiều tới mức nào, và sự giúp đỡ này là "tự nguyện" hay "miễn cưỡng"?

Ukraine đã nhiều lần tuồn bí kíp tên lửa cho Trung Quốc?

Khi Ukraine từ bỏ sở hữu vũ khí hạt nhân năm 1994, nhiều nhà khoa học và viện thiết kế của nước này vẫn nắm trong tay phương thức cần thiết để sản xuất các thành phần quan trọng của loại vũ khí chiến lược.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới điều đó và đã đề nghị Ukraine hỗ trợ thiết kế hệ thống radar mảng pha đầu tiên của mình.

Theo nhà phân tích Charlie Gao tại Đại học Grinnell (Mỹ), việc Trung Quốc "câu trộm" các kỹ sư trong lĩnh vực hải quân, xe tăng và không gian-vũ trụ của Ukraine cũng trở thành một chuyện khá phổ biến, đáng chú ý nhất là trường hợp của Valerii Babich – nhà thiết kế tàu sân bay Varyag.

Thậm chí đã có tin đồn về "Ukrainetowns"– nơi tập trung số lượng lớn người Ukraine xa xứ làm việc cho các công ty Trung Quốc.

Các thương nhân Nga và Ukraine còn bán tên lửa hành trình hạt nhân Kh-55 (không có đầu đạn) từ kho vũ khí của Ukraine cho Trung Quốc trong những năm 2000.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa lực lượng ICBM, một câu hỏi được đặt ra là: Ukraine đã giúp đỡ Trung Quốc nhiều tới mức nào, và sự giúp đỡ này là "tự nguyện" hay "miễn cưỡng"?

Theo ông Gao, đây không phải là lần đầu tiên bí kíp chế tạo ICBM của Ukraine được "xuất" ra nước ngoài. Mùa thu năm 2017, Viện thiết kế Yuzhnoye của Ukraine (có trụ sở tại Dnipro), bị cáo buộc đã cung cấp các động cơ rocket cho Triều Tiên.

Mặc dù truyền thông Ukraine phủ nhận cáo buộc này nhưng đã có một trường hợp được xác định rõ ràng, đó là các nhân viên của Yuzhnoye bị bắt quả tang bán các bản kế hoạch liên quan tới tên lửa RS-20 cho kỹ sư Trung Quốc.

Các kỹ sư Trung Quốc đã bị cảnh sát Ukraine bắt giữ, tuy nhiên sau đó, sức ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh đã khiến những cáo buộc trên bị xóa bỏ.

Xu hướng này vẫn tiếp tục, gần đây nhất là vào năm 2016, khi một nhà khoa học tại Đại học quốc gia Dnipropetrovsk (Ukraine) cung cấp cho Trung Quốc nhiều tài liệu liên quan đến việc sử dụng lớp phủ composite và chịu nhiệt trên các bệ phóng rocket, trong khi đây được xem là bí mật quốc gia của Ukraine.

Sự tương đồng kỳ lạ giữa tên lửa Trung Quốc-Ukraine

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với tên lửa RS-20 một phần xuất phát từ khao khát có thể triển khai các đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) trên ICBM của họ.

Chương trình trang bị MIRV được Trung Quốc bắt đầu với ICBM DF-5B và dự kiến sẽ tiếp tục với ICBM DF-41. Mặc dù giả thuyết cho rằng "thiết kế MIRV dành cho DF-5B được dựa trên các bản kế hoạch RS-20 mà Trung Quốc mua được" chưa hoàn toàn chắc chắn, nhưng vẫn có khả năng này do DF-5 và RS-20 có đường kính tương tự nhau.

Tên lửa TQ-Ukraine giống nhau kỳ lạ: Một loạt bí mật lọt vào tay Bắc Kinh như thế nào? - Ảnh 1.

Tên lửa DF-5B trong cuộc duyệt binh của Trung Quốc năm 2015. Ảnh: Wiki

Tuy nhiên, một số thành viên trên các forum quân sự Trung Quốc lại đặt ra giả thuyết rằng Ukraine đã hỗ trợ Bắc Kinh phát triển DF-5B thông qua một phương thức khác.

Chẳng hạn như Trung Quốc và Ukraine đã hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ dân sự, đặc biệt động cơ RD-120 và động cơ kiểm soát độ cao RD-9 có thể được sử dụng để cải tiến ICBM DF-5B.

Song, vẫn có một dấu hiệu khiến người ta phải nghi ngờ sự hỗ trợ của Ukraine vào chương trình tên lửa Trung Quốc, đó là điểm chung giữa các hệ thống tên lửa gần đây của họ.

Một số nguồn tin cho biết chương trình phát triển DF-4 – ICBM phóng từ tàu hỏa – sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển tên lửa JL-3 mới phóng từ tàu ngầm.

Điều này phản ánh điểm chung giữa tên lửa RT-23 (SS-24) phóng từ tàu hỏa và tên lửa R-39 phóng từ tàu ngầm của Liên Xô.

Tên lửa TQ-Ukraine giống nhau kỳ lạ: Một loạt bí mật lọt vào tay Bắc Kinh như thế nào? - Ảnh 2.

Tên lửa RT-23 của Liên Xô. Ảnh: Wiki

Tầng đầu tiên của tên lửa R-39 là 3D65 – một sản phẩm của viện Yuzhnoye. Loại motor này cũng được sử dụng trong tên lửa RT-23, do Yuzhnoye phát triển hoàn toàn.

Tên lửa DF-41 tương tự RT-23 ở nhiều khía cạnh, cả 2 loại đều có kết cấu 3 tầng nhiên liệu rắn và mang 10 đầu đạn MIRV.

Mặc dù trước đây Trung Quốc cũng từng phát triển nhiều cặp tên lửa trên bộ/trên biển như DF-31/JL-2, DF-21/JL-1, nhưng JL-1 và DF-21 là thiết kế 2 tầng, trong khi DF-31/JL-2 ban đầu được thiết kế để mang 1 đầu đạn, về sau khả năng trang bị MIRV cho chúng mới được bổ sung.

Một số nguồn tin khác đã đặc biệt lưu ý sự tương tự giữa DF-41 và RT-23, mặc dù các nguồn tin từ Nga phủ nhận điều này, viện dẫn tầm bắn tăng cường của DF-41 so với RT-23.

Xét tới mọi con đường khác nhau mà từ đó công nghệ rocket và tên lửa có thể được chuyển từ Ukraine sang Trung Quốc thì hoàn toàn hợp lý khi nói rằng Ukraine đã hỗ trợ đáng kể vào chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh.

Thế hệ mới của tên lửa Trung Quốc có thể không hẳn là bản sao của các mẫu tên lửa mà Ukraine đã thiết kế nhiều thập kỷ trước đây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các bí mật quốc gia liên quan đến tên lửa, các đợt di cư của kỹ sư và nhà khoa học Ukraine vẫn tiếp tục đổ về Trung Quốc và 2 phía duy trì hợp tác trong lĩnh vực dân sự thì điều đó sẽ dẫn tới kết quả tất yếu là các ICBM hiện đại của Trung Quốc đều được kết hợp với bí kíp công nghệ của Ukraine, dù ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.

Một số hình ảnh được cho là của tên lửa DF-41 Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại