Theo Reuters, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa tầm trung bố trí trên đất liền tại châu Á.
Khi được các phóng viên hỏi về việc Mỹ liệu có cân nhắc đưa tới châu Á các loại vũ khí thông thường tầm trung sau khi INF chấm dứt hiệu lực hay không, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng Washington muốn sớm biến ý tưởng này trở thành hiện thực.
Trên thực tế, tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, đồng thời là người được Tổng thống Donald Trump để cử làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng từng nhắc tới kế hoạch này trong cuộc gặp với các thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ một tháng trước đó.
Chi tiết cụ thể về việc bố trí loại tên lửa này đến nay vẫn chưa được công bố. Về địa điểm triển khai, các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia được xem là những lựa chọn hàng đầu.
Một số nguồn tin cho rằng Hàn Quốc có thể là địa điểm triển khai tiềm năng nhất. Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ vẫn chưa có cuộc thảo luận chính thức nào và Seoul cũng chưa tiến hành xem xét trong nội bộ hoặc đưa ra kế hoạch cụ thể liên quan tới vấn đề này.
Cách đây hai năm, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Ngoài ra, Mỹ hiện cũng có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại quốc gia đồng minh này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Ảnh: defensenews.com.
Giải thích về ý định triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định một trong những mục đích tối quan trọng là để tự bảo vệ mình và các đồng minh như Hàn Quốc hay Nhật Bản trước các mối đe dọa nảy sinh trong khu vực.
"Chúng tôi đang nói về việc phòng vệ cho lực lượng của chúng tôi và các đồng minh tại Hàn Quốc, Nhật Bản và tại những nơi khác", tờ Japan Times dẫn tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
Cũng theo ông John Bolton, Mỹ muốn triển khai loại tên lửa này tại châu Á-Thái Bình Dương để phòng vệ trong bối cảnh Trung Quốc đang đạt được ưu thế lớn về quân sự, qua đó đặt Mỹ cũng như các căn cứ quân sự của Washington ở khu vực vào tầm ngắm.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sẽ tiếp tục đánh giá về kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á và khẳng định Mỹ sẽ thực hiện nếu kế hoạch này phục vụ lợi ích chiến lược của Washington và đồng minh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, ngay cả khi kế hoạch này được thực hiện thì cũng phải mất vài năm nữa hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Á mới có thể đi vào vận hành.
Chưa rõ kế hoạch của Mỹ sẽ đi đến đâu, nhưng sau khi có tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, một số quốc gia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, điển hình như Nga, Trung Quốc và cả Triều Tiên.
Tờ Moscow Times dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định nước Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, song nước này sẽ có những biện pháp phòng vệ tương xứng nếu như các tên lửa tầm trung của Mỹ được bố trí tại châu Á.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố nếu Mỹ triển khai các tên lửa ngay tại cửa ngõ của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ buộc phải có các biện pháp đáp trả.
Thế nên, dù kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ đến nay mới chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, song chừng đó cũng đủ để dư luận lo ngại về sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa cường quốc số 1 với các quốc gia liên quan và thậm chí là khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á-Thái Bình Dương.