Tên lửa Mỹ ở châu Âu có thể bắn hạ ICBM của Nga?

Nhật Minh |

Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng, các hệ thống phòng thủ của Mỹ tại châu Âu có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo Nga ngay trong những giai đoạn đầu của hành trình bay.

Tờ Russia Beyond the Headlines (RBTH) dẫn lời đại diện của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các hệ thống phòng thủ của Mỹ tại Ba Lan và Romania không chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ở tầm trung (như Washington tuyên bố trước đây) mà còn ở các giai đoạn ban đầu của hành trình bay.

Moscow đã đưa ra tuyên bố này hôm 11/10, sau khi có thông tin Washington tăng cường năng lực tác chiến cho các hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Quân đội Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại trước các hệ thống phòng thủ sử dụng tên lửa SM-3 của Mỹ. Thiếu tướng Cai Jun, Phó Chủ nhiệm Cục tác chiến Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu đang tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga.

Tên lửa Mỹ ở châu Âu có thể bắn hạ ICBM của Nga? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ của Mỹ tại Romania

Theo Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc, khả năng và tiềm năng của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai toàn cầu và các thành phần của hệ thống này tại châu Âu đang vượt quá nhu cầu phòng thủ của Washington.

Trung tướng Victor Poznikhir tại Bộ Tổng tham mưu Nga cho rằng, Triều Tiên chỉ mới bắt đầu chế tạo tên lửa đạn đạo trong khi Iran - mục tiêu mà hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại châu Âu nhắm tới trước đây - không còn là mối đe dọa đối với Washington, sau khi các phía đạt được thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.

"Viện cớ chống lại 'mối đe dọa tên lửa' từ Triều Tiên và Iran nhưng hệ thống mà Mỹ triển khai về căn bản đang nhằm vào các tên lửa Nga và Trung Quốc" - ông Poznikhir nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự Nga không có cùng mối lo ngại với Bộ Quốc phòng nước này. Ông Alexei Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế tại Học viện Khoa học Nga cho rằng các hệ thống phòng thủ của Mỹ tại Ba Lan và Romania không thể làm hạn chế tiềm lực hạt nhân của Nga.

"Các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất (của Mỹ) không được triển khai tại những căn cứ này. Trong trường hợp xảy ra xung đột, chúng sẽ không đủ khả năng đánh chặn ICBM của chúng ta bay qua Bắc Cực, dù với tốc độ và tầm đánh chặn như thế nào" - ông Arbatov nói.

Chuyên gia quân sự Dmitri Litovkin trên tờ Izvestia đồng quan điểm với ông Arbatov và nhận định rằng, ở giai đoạn công nghệ hiện nay, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại châu Âu "không phải mối đe dọa đặc biệt đối với các lực lượng hạt nhân Nga".

"Pha đầu trong hành trình bay của tên lửa Topol-M và Yars kéo dài chưa đầy 5 phút. Hiện nay, tên lửa đánh chặn tại Ba Lan không đủ khả năng tấn công mục tiêu gần nhất - căn cứ ICBM của Nga ở vùng Saratov (cách Moscow 520 dặm về phía nam) trong khoảng thời gian này" - ông Litovkin giải thích.

Những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra chỉ vài ngày sau khi NATO lên tiếng cáo buộc Moscow làm gia tăng căng thẳng với liên minh này hôm 9/10, khi triển khai các hệ thống tên lửa Iskander-M (có thể mang đầu đạn hạt nhân) tới vùng Kaliningrad.

Ông Alexei Arbatov tin rằng tuyên bố của Bộ Tham mưu Nga là nhằm đáp trả cáo buộc của NATO trên mặt trận chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại