"Mỹ sẽ đánh phủ đầu, giành ưu thế"
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây dẫn nguồn Sputniknews (Nga) cho biết, Phó tổng cục trưởng Tổng cục tác chiến Bộ Tham mưu lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Viktor Poznihir tuyên bố, Mỹ luôn ấp ủ tham vọng có được ưu thế hơn với Nga và Trung Quốc về trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD).
Tướng Poznihir cho biết, hành động Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo vào năm 2002 đã phá vỡ thế ổn định chiến lược trên toàn cầu. Lầu Năm Góc triển khai các chiến dịch quy mô lớn nhằm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa có thể thay đổi cán cân quyền lực thế giới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THADD được Mỹ bố trí tại Hàn Quốc.
"Âm mưu của Mỹ thông qua việc sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa hòng tạo ưu thế về vũ khí chiến lược so với Nga và Trung Quốc có thể dẫn tới những hậu quả không thể lường trước", Poznihir nhận định.
Ông cho rằng, việc Washington dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa để mạnh miệng tuyên bố bất khả xâm phạm gây ra những tác động tiêu cực tới hòa bình và ổn định trên thế giới, thậm chí nó có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.
"Với việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa, trang bị khả năng tấn công cực mạnh Mỹ đang hướng thẳng mục tiêu nhằm vào Nga và Trung Quốc", tướng Nga nói.
Nga - Trung Quốc 'bắt tay' phản pháo
Deutsche Welle (Đức) dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại phiên khai mạc Diễn đàn an ninh Hương Sơn hôm 11/10 ám chỉ Mỹ vì "muốn giành ưu thế quân sự, không ngừng tăng cường đồng minh, đánh đổi an ninh của quốc gia khác để có được sự an toàn tuyệt đối giành cho mình".
Theo giới quan sát, diễn đàn Hương Sơn năm nay sẽ tập chung chủ yếu về vấn đề an ninh trên biển tuy nhiên cùng ngày, Trung Quốc và Nga đã đồng tổ chức buổi họp báo về vấn đề chống tên lửa đạn đạo thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Hai nước này đã chĩa mũi nhọn vào hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn cầu của Mỹ, đồng thời chỉ trích việc Mỹ bố trí THAAD tại Hàn Quốc gây tổn hại tới an ninh và ổn định trong khu vực.
Theo ông Thái Quân - Phó cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu liên hợp quân ủy trung ương Trung Quốc cho biết, hệ thống phòng thủ tại châu Á – Thái Bình Dương là mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.
Hải quân Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập "chiếm đảo" năm 2016.
Ông này cho rằng, mục đích Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) tại Hàn Quốc khác hoàn toàn so với những gì họ nói, điều này sẽ gây tổn hại tới lợi ích, an ninh của các quốc gia trong khu vực trong đó có cả Nga và Trung Quốc.
Quan chức Trung Quốc giận giữ phản đối, đồng thời hối thúc Mỹ - Hàn thay đổi kế hoạch này nhưng lại khẳng định Nga - Trung sẽ tổ chức diễn tập phòng thủ tên lửa chung mang tên An ninh không phận và không gian vào tháng 5 tới dưới sự hỗ trợ của máy tính.
Tướng Poznihir đại diện phía Nga lại chỉ trích, việc Mỹ thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương không ngoài mục đích nào khác là kiềm chế sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga và Trung Quốc, củng cố vị trí bá chủ của Mỹ trên thế giới.
Theo Poznihir, Washington phát triển hệ thống toàn cầu không nằm ngoài ba mục đích:
Thứ nhất, hạ thấp mối đe dọa sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga và phá hủy hoàn toàn sức mạnh tên lửa hạt nhân của Trung Quốc.
Thứ hai, bí mật triển khai khả năng tấn công quy mô lớn, có thể phá hủy trang thiết bị quân sự và đánh phủ đầu Nga - Trung".
Thứ ba, tăng cường sức chiến đấu, đủ sức bắn hạ hệ thống vệ tinh của Nga và Trung Quốc.
Tướng Poznihir cho biết, nếu như Mỹ thay thế hệ thống THAAD bằng hệ thống chiến đấu Aegis ở Hàn Quốc thì gần như toàn bộ diện tích Trung Quốc sẽ nằm trong tầm ngắm.
"Ai dám chắc trong tương lai, Hàn Quốc trong tương lai sẽ không lặp lại viễn cảnh giống như Ba Lan và Romania trước đây", Poznihir kết luận.