Tên lửa mới của Nga chưa có đối thủ?

Xuân Mai |

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat mới của Nga có thể mang theo một số đầu đạn siêu thanh Avangard được thiết kế để xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat trong vụ phóng thử đầu tiên hồi tuần trước. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat trong vụ phóng thử đầu tiên hồi tuần trước. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Đó là tuyên bố của Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga Sergey Karakayev hôm 24-4. Hồi tuần trước, tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat đã vượt qua cuộc thử nghiệm đầu tiên trong một loạt các thử nghiệm cuối cùng trong quy trình tiếp nhận của quân đội Nga.

Ông Karakayev nói với kênh truyền hình Rossiya 1: "Sự phát triển của Avangard đã báo trước một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vũ khí siêu thanh". Ông Karakayev đồng thời cho biết thêm rằng Sarmat có thể giúp cho loại vũ khí này hiệu quả hơn nữa.

Ông Karakayev giải thích: "Sarmat mạnh hơn nhiều so với tên lửa tích hợp Avangard hiện tại". Tên lửa đạn đạo Sarmat được thiết kế đặc biệt để trang bị đầu đạn Avangard. Do đó, tên lửa mới có khả năng mang nhiều đầu đạn hơn ICBM UR-100UTTKh vốn đang được Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga sử dụng.

Hiện vẫn chưa rõ Sarmat có thể được trang bị bao nhiêu đầu đạn siêu thanh. Tên lửa UR-100UTTKh có thể mang theo đến 6 đầu đạn phân hướng (MIRV) nhưng con số này chưa được xác nhận đối với đầu đạn Avangard. Ông Karakayev cũng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về vấn đề này.

Hồi năm 2018, Avangard từng được Tổng thống Vladimir Putin đánh giá là vô song về khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Truyền thông Trung Quốc cũng từng ca ngợi nó là vũ khí "tuyệt đối bất khả xâm phạm đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc phòng không nào" và "đáng sợ hơn… bom hạt nhân". Các quốc gia phương Tây vẫn chưa sở hữu vũ khí siêu thanh của riêng mình. Vào đầu tháng 4, Úc, Anh và Mỹ tiết lộ rằng họ sẽ hợp tác về công nghệ siêu thanh như một phần của hiệp ước 3 bên AUKUS.

Ông Vladimir Degtyar, nhà thiết kế chính kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm tên lửa Makeyev, công ty đứng sau sự phát triển của tên lửa Sarmat, hôm 24-4 cho biết Sarmat có tầm bắn cho phép nó tấn công hầu như bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.

Theo đài RT, ông Degtyar nói rằng tên lửa này có thể có quỹ đạo bay quanh địa cầu và nếu mục tiêu ở Nam bán cầu, nó có thể bị tấn công từ phía Bắc và ngược lại, nếu mục tiêu ở phía Bắc có thể bị tấn công từ phía Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại