Tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Trung Quốc suýt không được phóng vì mất tài liệu mật

Hữu Hiển |

Ngày 12/10/1982, Cự Lang 1 - tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên do Trung Quốc phát triển - đã được phóng thành công từ biển Nam Thái Bình Dương.

Nhưng theo trang Baijiahao của Trung Quốc, ít người biết rằng, 3 tháng trước khi phóng tên lửa thành công, những tài liệu tuyệt mật về Cự Lang 1 đã bị đánh cắp, đây chính là "Đại án 8291".

Tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Trung Quốc suýt không được phóng vì mất tài liệu mật - Ảnh 1.

Ngày 12/10/1982, Cự Lang 1 - tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên do Trung Quốc phát triển - đã được phóng thành công từ biển Nam Thái Bình Dương. Ảnh: Baijaohao

Tài liệu tuyệt mật bị đánh cắp

Ngày 6/7/1982, Nhà khách Hải quân Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) đón tiếp một đoàn khách quan trọng. Họ đều là lãnh đạo, chuyên gia và một số cán bộ kỹ thuật của Bộ chỉ huy "Dự án 8291". "Dự án 8291" thực chất là tên mã của hoạt động thử nghiệm tên lửa Cự Lang 1 vào ngày 1/9/1982. Nhưng không ai biết rằng, một việc động trời đã xảy ra vào đêm đó.

Sau bữa tối, mọi người về phòng nghỉ ngơi. Chuyên gia tên lửa, kỹ sư trưởng Đinh về phòng tắm rửa. 10 phút sau, bước ra từ phòng tắm, ông liếc nhìn lên tủ đầu giường, thì đã không thấy cặp hồ sơ ở đấy nữa. Trong cặp có 7 tài liệu tuyệt mật về "Dự án 8291".

Ngay sau khi các tài liệu bị đánh cắp, nhà khách đã bị phong tỏa và tất cả những đối tượng khả nghi đều bị kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi rà soát từ trong ra ngoài đều không phát hiện ra điều gì bất thường.

Tin tức nhanh chóng được truyền tới Bắc Kinh, tướng Trương Ái Bình - người phụ trách công tác quốc phòng - đã ra lệnh đình chỉ "Dự án 8291" và vụ án phải được giải quyết nhanh chóng bằng mọi giá.

Tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Trung Quốc suýt không được phóng vì mất tài liệu mật - Ảnh 2.

"Dự án 8291" thực chất là tên mã của hoạt động thử nghiệm tên lửa Cự Lang 1 vào ngày 1/9/1982. Ảnh: Baijaohao

Liệu có liên quan đến gián điệp nước ngoài?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Trung Quốc, lực lượng điều tra Công an thành phố Đại Liên đã tiến hành khám nghiệm hiện trường trong suốt một đêm, đến sáng sớm hôm sau đã tìm thấy một số dấu vân tay và vết xước tại hiện trường.

Sau khi khám nghiệm hiện trường vụ án, cán bộ phụ trách cuộc điều tra, và chuyên gia của "Dự án 8291" đã tổ chức một cuộc họp phân tích tình hình khẩn cấp.

Hầu hết các chuyên gia tại cuộc họp đều tin rằng vụ án liên quan đến bí mật quan trọng của quốc gia, và chắc hẳn phải có động cơ chính trị và được lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước, với sự tham gia của gián điệp nước ngoài hoặc nội gián.

Tuy nhiên, một số người cũng đặt câu hỏi: "Dự án 8291" được bảo mật rất kỹ. Từ việc phân tích toàn diện các mặt, có vẻ như Mỹ, Liên Xô, Nhật Bản và các nước khác không biết gì về dự án này, và không thể lên kế hoạch lấy cắp tài liệu từ trước, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng có nội gián.

Vào lúc này, Vương Cát Chương - Giám đốc Sở Công an khu Tây thành phố Đại Liên - đã đưa ra một giả thuyết táo bạo: vụ án này do những tên trộm bình thường thực hiện, không liên quan gì đến gián điệp nước ngoài và nội gián.

Với hơn 30 năm làm trong ngành cảnh sát, đã phá không biết bao nhiêu vụ án, Giám đốc Vương bày tỏ quan điểm: kẻ trộm vào phòng với mục đích lấy trộm tiền, vừa thấy chiếc cặp trên tủ liền tiện tay lấy đi, chứ không hề biết bên trong có gì.

Mặc dù nhiều người có mặt trong cuộc họp không đồng tình với quan điểm của ông Vương, nhưng đây chắc chắn vẫn là một hướng để giải quyết vụ việc.

Những vụ trộm có cùng phương thức

Ngày 31/7/1982, đồn cảnh sát Phó Gia Trang (thành phố Đại Liên) nhận được tin báo rằng, một tên trộm đã vào viện điều dưỡng dành cho công nhân viên ngành than, lấy trộm tổng cộng hơn 700 Nhân dân tệ tiền mặt, hơn 50kg tem phiếu thực phẩm địa phương ở Liêu Ninh, và hơn 100 kg tem phiếu lương thực quốc gia.

Vào thời điểm đó, tiền lương hàng tháng của người lao động bình thường ở Trung Quốc chỉ từ 30 đến 50 Nhân dân tệ, số tiền liên quan đến vụ án này không hề nhỏ, nên đồn cảnh sát đã ngay lập tức báo cáo lên cấp trên.

Cảnh sát hình sự đã tiến hành điều tra hiện trường vụ án và phát hiện tên trộm đột nhập bằng cách cạy cửa sổ, để lại nhiều vết xước trên tường và khung cửa sổ. Phương thức gây án của tên trộm rất giống với "Đại án 8291". Điều này đã thu hút sự chú ý của Giám đốc Sở Công an Vương Cát Chương, và ông đã quyết định sẽ trực tiếp chỉ đạo phá án.

Tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Trung Quốc suýt không được phóng vì mất tài liệu mật - Ảnh 3.

Tên trộm đột nhập bằng cách cạy cửa sổ, để lại nhiều vết xước trên tường và khung cửa sổ. Ảnh: Baijiahao

Nửa tháng sau, viện điều dưỡng lại bị trộm, nạn nhân là một lãnh đạo Bộ Công nghiệp Than. Đồ vật bị mất trộm bao gồm một cây thuốc lá cao cấp mang nhãn hiệu Nhân sâm, một máy ảnh cao cấp và một số vật dụng cần thiết hàng ngày. Đánh giá từ phương thức gây án, rõ ràng đó là cùng một người.

Kẻ thủ ác lộ diện

Ngày 15/8/1982, hai chiến sĩ cảnh sát đang tuần tra bãi biển thì vô tình bắt gặp một tên lưu manh đang nhìn trộm nhà vệ sinh nữ, nên đã tiến hành truy bắt. Mặc dù rất liều lĩnh chống đối, nhưng tên lưu manh vẫn không thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát. Hai gói thuốc lá hiệu Nhân sâm được tìm thấy trên người hắn còn khiến các chiến sĩ cảnh sát càng thêm nghi ngờ.

Ngay sau đó, tên lưu manh Lưu Nghênh Phúc đã bị bắt về quy án, và đích thân Giám đốc Sở Công an Vương Cát Chương phụ trách thẩm vấn. Theo hồ sơ do đội Cảnh sát Hình sự cung cấp, Giám đốc Vương đã phân tích và xác định rằng, một số vụ trộm xảy ra ở thành phố này đều do Lưu Nghênh Phúc thực hiện, bất kể là phương thức gây án hay bằng chứng thu thập được tại hiện trường, như dấu vân tay và mẫu máu, đều là của một người.

Tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Trung Quốc suýt không được phóng vì mất tài liệu mật - Ảnh 4.

Cảnh sát đang tuần tra bãi biển thì vô tình bắt gặp một tên lưu manh đang nhìn trộm nhà vệ sinh nữ, nên đã tiến hành truy bắt. Ảnh: Baijiahao

Trước những bằng chứng xác thực, Lưu Nghênh Phúc đã phải cúi đầu nhận tội và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Nhìn bề ngoài, vụ án này có vẻ đã có thể kết án, nhưng Giám đốc Vương, với nhiều năm kinh nghiệm, vẫn nói rằng, vụ án vẫn chưa kết thúc, vì phương thức gây án của Lưu Nghênh Phúc rất giống với "Đại án 8291".

Ngay sau đó, Giám đốc Vương đã tìm ra manh mối từ hồ sơ của Lưu Nghênh Phúc: Lưu Nghênh Phúc - công nhân Nhà máy Điện cơ số 2 ở Đại Liên - từng là một lính cứu hỏa, nên có đủ kỹ năng để gây án. Nhà của hắn cũng cách Nhà khách Hải quân không xa. Ngày xảy ra vụ án lại là ngày nghỉ của Nhà máy Điện cơ số 2, nên hắn có đủ thời gian để gây án.

Đêm hôm đó, Giám đốc Vương đã bất ngờ thẩm vấn Lưu Nghênh Phúc. Lưu biết không thể che giấu nên đành phải cúi đầu khai nhận toàn bộ tội ác.

Tưởng "vớ bẫm", không ngờ "trúng sao quả tạ"

Hóa ra từ nhỏ Lưu Nghênh Phúc đã có thói quen trộm cắp vặt. Vào ngày 6/7/1982, khi được nghỉ làm, hắn lượn lờ loanh quanh vì không biết làm gì, vô tình đi đến Nhà khách Hải quân. Khi thấy các sĩ quan hải quân ra vào, hắn thầm nghĩ: "Mọi người thường nói lính hải quân lương cao, nhất định có nhiều tiền, tối nay chắc mình sẽ vớ bẫm!"

Trong đêm khuya thanh vắng, Lưu Nghênh Phúc nhẹ nhàng trèo qua tường cao vào nhà khách. Qua khe hở rèm cửa, hắn thấy một đối tượng có vẻ ngoài giống lãnh đạo, người này để một chiếc cặp da lớn trên tủ đầu giường. Tưởng là trong cặp có nhiều tiền nên Lưu đã lợi dụng lúc vị "lãnh đạo" này đi tắm để lẻn vào phòng lấy trộm chiếc cặp.

Sau khi thực hiện hành vi trộm cắp trót lọt, Lưu Nghênh Phúc không dám về thẳng nhà mà bắt xe điện đến công viên Tinh Hải ven biển. Lúc đó là mùa hè, có rất nhiều khách du lịch bên bờ biển, nên Lưu đã trốn trong nhà vệ sinh công cộng để lục soát chiếc cặp nhằm tránh sự chú ý của mọi người. Hắn thực sự thất vọng, vì không có một xu nào trong chiếc cặp da căng phồng ngoại trừ một xấp tài liệu.

Trong ánh sáng lờ mờ, Lưu Nghênh Phúc giở xem tài liệu, chợt toát mồ hôi lạnh khi nhìn thấy dòng chữ "Bộ Quốc phòng" , "Quân ủy Trung ương" , "Tối mật" . Tuy trình độ học vấn không cao nhưng hắn cũng đoán được tầm quan trọng của những tài liệu này và hiểu rằng mình đã gây ra đại họa. Suy nghĩ hồi lâu, hắn quyết định tiêu hủy chứng cứ, xé nát tài liệu và vứt vào trong bể chứa phân.

Cảnh sát đi... tìm phân

Từ khi tài liệu bị đánh cắp đến khi bắt được Lưu Nghênh Phúc là hơn một tháng. Nhà vệ sinh công cộng đã được dọn vệ sinh rất nhiều lần trong khoảng thời gian này. Để đảm bảo không lộ bí mật, cơ quan công an lại có một nhiệm vụ khác: tìm phân.

Sau khi tìm hiểu, các điều tra viên được biết, số phân thải ra đã được đưa đến thôn Tân Trại Tử ở ngoại ô thành phố Đại Liên để bón ruộng. Ngay lập tức, hơn 200 chiến sĩ cảnh sát đã được điều đến thôn Tân Trại Tử. Mỗi người cầm một chiếc cào sắt, chịu trách nhiệm bới 2 mẫu đất tìm tài liệu, khi bới phải đảm bảo rau của người dân không bị hư hại, vừa đảm bảo không sót một tấc đất nào.

Tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Trung Quốc suýt không được phóng vì mất tài liệu mật - Ảnh 5.

Hơn 200 chiến sĩ cảnh sát đã được điều đến thôn Tân Trại Tử để bới đất tìm tài liệu. Ảnh: Baijiahao

Khoảng giữa trưa, trên ruộng trồng củ cải, một chiến sĩ tìm thấy một mảnh giấy có chữ, chữ viết trên đó tuy đã bị mờ nhưng có thể đọc được ba chữ "Trung ương nghiên" . Một chiến sĩ khác cũng tìm thấy một mảnh giấy có ghi hai chữ "Quân ủy" . Sau đó, nhiều mảnh giấy khác cũng được tìm thấy và khi ghép lại với nhau, nét chữ trên đó chứng tỏ là đây chính là tài liệu tuyệt mật về "Dự án 8291" bị đánh cắp.

Đến lúc này, "Đại án 8291" kéo dài hơn một tháng cuối cùng cũng đã có lời giải!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại