Tàu sân bay Trung Quốc thị uy, hàng không mẫu hạm Mỹ "mất tăm" trên biển

QS |

Vào lúc Bắc Kinh "khoe" tàu sân bay, thì Mỹ - cường quốc Hải Quân số một hành tinh lại không có bất kỳ hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động.

Theo đài RFI (Pháp), trong những ngày đầu năm 2017, Trung Quốc đã phô trương đợt tập huấn trên Biển Đông của tàu sân bay Liêu Ninh, với bài tập quan trọng nhất là để chiến đấu cơ sử dụng con tàu làm cơ sở hạ cánh và cất cánh.

Theo các chuyên gia phân tích, nhóm tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc còn rất lâu mới đạt được trình độ điêu luyện của hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ. Có điều, không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà đúng vào lúc Bắc Kinh mang tàu sân bay ra thị uy với các láng giềng, thì các hàng không mẫu hạm Mỹ đều vắng bóng trên đại dương.

Cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi đội chiến đấu cơ J-15 trên chiếc Liêu Ninh ngày 02/01 vừa qua tại một địa điểm không xác định ngoài Biển Đông đã được guồng máy tuyên truyền Trung Quốc hết lời ca ngợi khi nhấn mạnh rằng:

"So sánh với các vùng biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải (Biển Hoa Đông) thì Nam Hải (tức Biển Đông) là nơi có điều kiện khó khăn hơn".

Yêu tố quan trọng nhất được các chuyên gia quân sự ghi nhận là chiếc Liêu Ninh đã thành công trong việc tiến ra đại dương: Ngày 25/12/2016 vừa qua, lần đầu tiên con tàu đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, băng qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, từ đó đi xuống phía nam, rẽ qua eo biển Bashi sát Đài Loan để vào Biển Đông.

Chuyến hải hành suôn sẻ này cho thấy là về mặt động cơ, chiếc Liêu Ninh đã khắc phục được các điểm yếu kém của tàu sân bay Nga cùng loại như chiếc Đô Đốc Kouznetsov, trong đó vận tốc không thể vượt quá 18 hải lý/giờ để hệ thống máy tàu không bị quá tải.

Về mặt năng lực tác chiến, theo các chuyên gia, với các "bài tập cuối khóa" lần này, Trung Quốc đã thành công trong việc biến một tàu sân bay huấn luyện thành một phương tiện tấn công, cho dù hỏa lực cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước đó, khi còn ở Bột Hải, chiếc tàu cũng lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật, kèm theo các bài khóa như không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm.

Ngay từ ngày 15/11 năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng chiếc tàu sân bay duy nhất của họ đã sẵn sàng chiến đấu.

Không một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ được triển khai làm nhiệm vụ

Điều đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay, là vào lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh mới của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ngay tại vùng biển nóng là Biển Đông, với ý nghĩa hù dọa rõ rệt đối với các láng giềng, Mỹ lại ở trong trạng thái "bất động".

Hãng truyền thông Mỹ Fox News ngày 30/12/2016 đã nêu bật một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng: Đó là vào lúc Bắc Kinh "khoe" tàu sân bay, thì cường quốc Hải Quân số một hành tinh là Mỹ, lại không có bất kỳ hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động - điều được hãng Fox News ghi nhận là chưa từng thấy từ sau Thế Chiến II đến nay.

Theo nguồn tin trên, chiếc USS Dwight D. Eisenhower chịu trách nhiệm vùng Trung Đông chẳng hạn, đã quay trở lại cảng Norfolk (bang Virginia) ngày 30/12, nhưng không có chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ nào khác thay thế. Còn tại châu Á, phải chờ đến cuối tháng Giêng này thì chiếc USS Carl Vinson mới trở lại nhận nhiệm vụ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Đối với các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ, với khả năng chuyển lực lượng hùng hậu đến mọi chiến trường một cách nhanh chóng, việc không một chiếc tàu sân bay Mỹ nào đảm trách một chiến dịch nào đó trên đại dương đã làm dấy lên những suy nghĩ không hay về sự "suy yếu" của tiềm lực quân sự Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại