Tàu sân bay: Nỗi hổ thẹn của nước Nga và bài học cay đắng cho 2 quốc gia châu Á

Vy Lam |

Theo BBC, tai nạn phi cơ chiến đấu thứ 2 xảy ra với tàu sân bay Kuznetsov đã đặt câu hỏi về khả năng kỹ thuật của Nga và lý do chính trị cho việc điều động con tàu sang Syria.

Tàu sân bay: Nỗi hổ thẹn của nước Nga và bài học cay đắng cho 2 quốc gia châu Á - Ảnh 1.

Hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov nhả khói mù mịt

Cùng thời gian này, chương trình cải tổ, đầu tư hàng tỷ USD vào quốc phòng của Điện Kremlin cũng gây sự chú ý của giới quan sát quốc tế trong bối cảnh Nga đang can dự sâu hơn vào các vùng như Trung Đông và Đông Âu.

Sau vụ một chiếc MiG-29K lao xuống biển hồi tháng 11, hôm 05/12, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một chiếc Sukhoi-33 cũng rơi xuống biển.

Cả hai phi cơ gặp nạn khi tìm cách đáp xuống hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga nhưng may mắn là các phi công đều nhảy dù ra và thoát chết.

Lý do chính trị?

Các báo quốc tế đặt câu hỏi về lý do Tổng thống Vladimir Putin điều động tàu Đô đốc Kuznetsov sang Syria hỗ trợ cuộc oanh kích.

Nhà phân tích Toby Harshaw viết trên tờ Bloomberg rằng chiếc tàu "nhả khói đen mù mịt là một sự xấu hổ cho nước Nga".

Và quyết định cử Đô đốc Kuznetsov sang Syria mang tính chính trị hơn là vì lý do tác chiến.

"Điều đầu tiên cần biết là không có mục tiêu quân sự gì cho tàu. Chiếc hàng không mẫu hạm này được thiết kết để bảo vệ bờ biển Nga, không phải để tung ra các cuộc oanh kích, và cũng chỉ mang được 15 phi cơ trên boong. Điều này không cải thiện thêm bao nhiêu các cuộc oanh kích Nga thực hiện từ cách căn cứ trên bộ..."

Trong quá khứ, theo Toby Harshaw, "các vụ oanh tích từ xa của Nga như bắn hỏa tiễn định vị từ Biển Caspian vào Bắc Syria là hoàn toàn đủ, các vụ không kích của phi cơ Nga từ sân bay trên đất liền cũng rất hiệu quả".

"Việc cho tàu Đô đốc Kuznetsov sang Địa Trung Hải chỉ tỏ ra sự yếu kém của Putin. Chiếc tàu luôn cần một nhóm tàu kéo đi kèm vì nó thường xuyên bị hỏng máy và không di chuyển được" - Harshaw viết.

Năm 2012, chiếc hàng không mẫu hạm đã bị hỏng động cơ tại vùng biển gần Bồ Đào Nha và phải nhờ tàu thủy kéo hàng nghìn km về cảng Murmansk của Nga.

Các báo châu Âu còn cho biết thêm rằng, 2.000 quân nhân trên khoang chiếc Đô đốc Kuznetsov phải dùng chung 25 nhà vệ sinh.

Nhưng vấn đề chính là công nghệ của Nga không đủ để đáp ứng nhu cầu cho phi cơ cất cánh và đáp xuống khoang. Vụ chiếc Sukhoi -33 bị nạn là do dây cáp hãm đà máy bay lúc hạ cánh bị đứt.

Tàu sân bay: Nỗi hổ thẹn của nước Nga và bài học cay đắng cho 2 quốc gia châu Á - Ảnh 2.

Trước đó, trang RT của Nga cũng thừa nhận chuyến hải trình của tàu Kuznetsov sang Syria "bị lu mờ bởi sự cố".

"Vụ MiG-29K xảy ra cũng vì bộ dây cáp bị trục trặc và không sửa kịp, khiến phi công bay lượn trên không đến hết nhiên liệu, phải bỏ máy bay rơi xuống biển và bật dù nhảy ra" - trang này viết.

Báo Independent ở Anh cho hay, sau vụ tai nạn mới nhất, Nga đã chuyển các phi cơ từ tàu Đô đốc Kuznetsov vào sân bay trên bộ ở Syria.

Bán hàng tồn kho?

Nhưng vấn đề của tàu Đô đốc Kuznetsov cũng đặt ra câu hỏi cho các thương vụ một số nước châu Á thực hiện để mua hàng không mẫu hạm theo mô hình Liên Xô mà Nga tiếp quản.

Hồi 2004, Nga bán chiếc tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ với giá 2,35 tỷ USD. Cuối thập niên 1990, Ukraine cũng đã bán cho Trung Quốc chiếc tàu Varyag cũ.

Theo Toby Harshaw, nay thì "cả hai bên mua hàng nay đều hối tiếc".

"Trung Quốc bỏ ra hàng trăm triệu USD để sửa và lắp công nghệ mới cho chiếc tàu, đặt tên nó là Liêu Ninh nhưng tàu vẫn không có khả năng tác chiến, và chỉ được dùng vào công tác huấn luyện".

Theo các báo Hong Kong, hồi tháng 4/2016 đã xảy ra một vụ tai nạn khi phi cơ J-15 đáp xuống tàu Liêu Ninh lúc tập luyện không thành. Phi công Trương Siêu, 29 tuổi, quê ở Hồ Nam đã tử nạn.

Trước đó, theo trang Jane's Defense, vào giữa năm 2014, có ít nhất hai phi công khác của Trung Quốc cũng thiệt mạng khi tập đáp xuống chiếc Liêu Ninh.

Tàu sân bay: Nỗi hổ thẹn của nước Nga và bài học cay đắng cho 2 quốc gia châu Á - Ảnh 3.

Đã có một số sự cố chết người xảy ra khi phi công tập đáp xuống tàu Liêu Ninh

Còn về tàu "gốc Nga" của Ấn Độ, bài trên Bloomberg viết:

"Ấn Độ đặt tên lại cho chiếc tàu Nga là Vikramaditya và cho đến 2013, nó vẫn không ra đại dương được vì 7 trong số 8 lò hơi không hoạt động khi chạy thử".

"Chiếc tàu nay đóng vai trò tuần tra ven biển và phi cơ Tejas hạng nhẹ do Ấn Độ sản xuất cũng không đáp được xuống sân hạ cánh rất hẹp của nó".

Được biết chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục đầu tư vào cải tổ quân sự.

Theo AP, ngay từ đầu thập niên 2000, Điện Kremlin cam kết bỏ ra 300 tỷ USD cho đến 2020 để hiện đại hóa quốc phòng.

Chỉ trong năm 2015, Nga chi ra 3,1 nghìn tỷ ruble (48 tỷ USD) cho quốc phòng, tăng 25% so với năm 2015, và quá 1/5 toàn bộ ngân sách quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại