Có phải tàu ngầm đặc biệt của Nga?
Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/7 cho biết, một tàu ngầm nghiên cứu của nước này đã gặp sự cố hỏa hoạn, khiến 14 thủy thủ hy sinh. Con tàu được cho là đang hoạt động trong vùng lãnh hải của Nga ở Biển Barents.
Bộ này không xác định con tàu trong sự cố thuộc loại nào, chỉ mô tả nó là "một phương tiện ngầm đang được phát triển cho mục đích nghiên cứu đáy biển ... vì lợi ích của Hải quân Nga".
Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông của Nga đã gọi tên chiếc tàu ngầm là AS-12. Điều này đã dẫn đến những suy đoán của truyền thông phương Tây, cho rằng đây có thể là tàu ngầm lặn sâu có tên gọi là "Losharik" – chuyên thực hiện các nhiệm vụ bí mật của Nga.
Lấy tên gọi từ chú ngựa hoạt hình của Liên Xô – con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân này vốn là chủ đề thảo luận của các nhà phân tích và chuyên gia quân sự phương Tây trong nhiều năm – những người tò mò về thiết kế và khả năng của nó, theo trang tin tức RFE.
Theo một trang blog về hải quân Nga, Losharik là tàu chuyên thực hiện các nhiệm vụ lặn sâu, được vận hành bởi đơn vị nghiên cứu chính của Hải quân Nga, Directorate Deep Sea Research, hay GUGI.
Con tàu có số lượng thủy thủ đoàn lên tới 25 người, bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu những năm 2000 và được cho là có thể lặn sâu tới 6.100m. Nó được thiết kế để có thể lặn sâu hơn các loại tàu ngầm tấn công hoặc tàu ngầm tên lửa đạn đạo thông thường của Nga.
Do có các quả cầu nằm trong thân tàu ngầm, con tàu mới có biệt danh là Losharik – giống như chú ngựa hoạt hình với cơ thể làm từ các quả bóng.
Tàu ngầm AS-12 cũng được thiết kế có thể gắn vào thân một tàu ngầm lớn hơn – hay còn gọi là "tàu mẹ", cho phép con tàu giấu mình khỏi các hệ thống giám sát khác.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây và một trang blog về hải quân Nga cho biết, "tàu mẹ" của Losharik là BS-136 Orenburg, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mẫu Delta III đã được cải biến.
Theo RFE, mặc dù chi tiêu quân sự đã bắt đầu chững lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chú trọng đầu tư vào một số lĩnh vực quân sự đặc biệt.
Hải quân cũng không nằm ngoại lệ, đặc biệt với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở Syria và phía đông Địa Trung Hải, theo Jeffrey Edmonds, cựu nhân viên Hội đồng Bảo an Quốc gia Mỹ và học giả nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Washington, nhận định.
"Nhịp độ hoạt động tăng cao sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra sự cố", Edmonds nói với RFE. "Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về nguyên nhân gây ra vụ cháy và đó là lỗi do con người hay kỹ thuật.
Sự cố con tàu được cho là Losharik có thể sẽ có tác động sâu rộng đến cơ quan nghiên cứu biển sâu của Nga, do các tàu ngầm này tiên tiến và tương đối ít".
Vũ khí biển sâu của Nga là mối lo ngại đối với Mỹ?
Một hình ảnh khác về tàu Losharik.
Sự phát triển của các tàu quân sự cho mục đích hoạt động biển sâu của Nga đã trở thành mối lo ngại đối với các quan chức tình báo và quân đội Mỹ.
Losharik có thể lặn xuống độ sâu tới 6.100m và nhiệm vụ chính của nó là điều tra và kiểm soát các vật thể dưới đáy biển.
Khả năng này có thể bao gồm việc thu hồi các vật thể nhạy cảm để phân tích thông tin tình báo hoặc để ngăn các quốc gia khác làm điều tương tự. Ngoài ra, nó có thể mang nhiệm vụ triển khai các thiết bị dưới đáy biển, thậm chí là khai thác hoặc phá hủy các thiết bị liên lạc quân sự dưới đại dương.
Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Bắc đã từng đề cập đến loại vũ khí này trong một cuộc họp ngắn năm 2016 và kêu gọi cần phải phát triển các khả năng phát hiện và giám sát dưới nước mới.
GUGI, bộ phận nghiên cứu hàng đầu của hải quân Nga đã đứng sau một số hệ thống vũ khí nổi tiếng trong những năm gần đây, bao gồm cả ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đơn vị này chịu trách nhiệm phát triển con tàu được gọi là Yantar, hạ thủy năm 2015 với khả năng mang theo hai tàu lặn có người lái và một phương tiện dưới nước điều khiển từ xa.
"Người Nga đang đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển các cách tiếp cận mới trong phương thức chiến tranh dưới biển sâu, nhưng mọi thứ vẫn còn mang di sản nhất định của thời Xô viết, đặc biệt về thiết kế", Don Thieme - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Hải quân thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nêu quan điểm.
Mặc dù có nhiều vấn đề về thiết kế, giáo sư Thieme lại có quan điểm khác với các nhà hoạch định quân sự Mỹ, khi cho rằng các nhà tư tưởng quân sự của Nga vẫn cho thấy những suy tính táo bạo của mình.
"Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng của Nga trong việc đổi mới quy trình thiết kế và cách họ nghĩ về lĩnh vực hàng hải", ông nói với RFE.