Siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, USS George HW Bush, sáng 30-1 được điều động từ căn cứ hải quân Norfolk ở phía Đông Nam bang Virginia đi qua Đại Tây Dương trong một sứ mệnh chưa được công bố chi tiết. Lần triển khai gần đây nhất của tàu sân bay này là hỗ trợ chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq trong suốt 7 tháng.
Do thám bờ biển Mỹ
Đáng chú ý, lệnh điều động được đưa ra chưa đầy 1 tuần sau khi tàu do thám công nghệ cao Viktor Leonov của Nga xuất hiện ngoài khơi bang Virginia, có thời điểm chỉ cách căn cứ Norfolk 24 hải lý.
Con tàu thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga lập tức bị các tàu chiến Mỹ bám sát, trong đó có tàu khu trục USS Cole. Ông Steffan Watkins, một nhà phân tích an ninh hải quân ở Canada, nói với trang Daily Star rằng quân đội Mỹ hồi đầu tuần này còn cử 1 máy bay P-8A Poseidon, mệnh danh "sát thủ tàu ngầm", xuất phát từ căn cứ Jacksonville để theo dõi tàu Nga.
Dựa theo những dữ liệu mới nhất, ông Watkins cho biết tàu Viktor Leonov hiện ở Đại Tây Dương, cách phía Đông TP Atlantic, bang New Jersey 350 km. Giới chức Mỹ tin rằng tàu Viktor Leonov đang thu thập thông tin tình báo ngoài khơi nước này trong khoảng 4-6 tháng.
Trong mấy tháng gần đây, Hải quân Mỹ đã phát hiện Viktor Leonov ngoài khơi một số địa điểm, như mũi Canaveral ở bang Florida, Kings Bay ở bang Georgia, bang Virginia và TP New London, bang Connecticut. Tàu này từng thực hiện những chuyến đi tương tự vào các năm 2017, 2015, 2014 và 2012.
Cuộc đối đầu không chỉ xảy ra giữa tàu Nga và Mỹ. Theo truyền thông Nga hôm 31-1, Bộ Chỉ huy Hải quân NATO thông báo tàu khu trục HMS Duncan (Anh) được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và tàu Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) đã vào biển Đen 1 ngày trước đó.
Chuyên gia quân sự Nga Alexander Zhilin nhận định động thái này khiến cho tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Anh lo thất thế
Trước đó, ngày 24-1, tàu do thám đa năng Enterprise của Anh cũng vào biển Đen. Hồi đầu tháng 1, theo hãng tin RIA Novosti, tàu chiến Mỹ USS Carney vào biển Đen, tiến hành tập trận chung với Ukraine.
Báo KP (Nga) lưu ý rằng tàu chiến Mỹ và các quốc gia thành viên NATO vẫn thường đi qua biển Đen nhưng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraine, các "chuyến viếng thăm" này trở nên thường xuyên hơn.
Căng thẳng giữa Anh và Nga cũng leo thang trong những tháng gần đây, liên quan đến các vụ tàu Hải quân Nga di chuyển qua vùng biển Anh và máy bay Nga xuất hiện bên trên không phận ngoài khơi Anh. Trong bối cảnh đó, đô đốc về hưu Alan West, cựu Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, cảnh báo nước này đang đối mặt không ít nguy cơ do quy mô hạm đội bị thu nhỏ lại.
Ông West đưa ra nhận định như thế sau khi xuất hiện thông tin Hải quân Anh bí mật cử tàu săn ngư lôi HMS Cattistock theo dõi 3 tàu Nga khi chúng đi qua eo biển Manche hồi tháng 8-2017.
HMS Cattistock chỉ là một tàu nhỏ, thân bằng nhựa dẻo, trang bị vũ khí hạng nhẹ, thường được sử dụng để tìm và phá hủy ngư lôi. Người phát ngôn Hải quân Hoàng gia Anh biện hộ rằng đây là tàu chiến thích hợp nhất cho nhiệm vụ như thế vào thời điểm đó.
Ba tàu Nga lúc đó được cho là không làm nhiệm vụ gì trong lúc tàu khu trục dự phòng HMS Westminster đang có nhiệm vụ khác. Hồi đầu năm nay, tàu HMS Westminster đã được điều động để theo sát 4 tàu Nga ở eo biển Manche.
Cựu đô đốc West nhận định việc chỉ triển khai HMS Cattistock, thay vì một tàu khu trục hỏa lực mạnh, có thể khiến Nga suy nghĩ rằng Hải quân Anh không có sức mạnh gì đáng kể. Theo ông, lực lượng này đang lâm vào tình trạng thiếu hụt khí tài kinh niên.
Anh hiện chỉ có 19 tàu khu trục các loại, quá ít ỏi so với con số 1.500 chiếc tham gia trận đánh lớn cuối cùng trên Đại Tây Dương hồi Thế chiến II năm 1945.