Tàu Nga đụng độ ở Biển Đen: Ukraine "âm mưu" tạo khủng hoảng, Mỹ cần ra tay hóa giải?

Quốc Vinh |

Vụ việc tàu Nga và Ukraine va chạm nhau rất có khả năng mang mục đích ngăn cản cuộc bầu cử tổng thống Ukraine diễn ra để kéo dài quyền lực của ông Petro Poroshenko lâu hơn.

Eo biển Kerch là địa điểm ít được biết đến của thế giới, nhưng trên thực tế nó lại cực kỳ quan trọng đối với Nga và Ukraine. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Ukraine với biển Azov, cũng như cảng Mariupol.

Từ con đường nhỏ hẹp này, Ukraine có khả năng tiếp cận hàng hải với thế giới rộng lớn hơn. Tuy nhiên, thật không may cho Ukraine, eo biển Kerch – cũng giống như cảng chiến lược của Mariupol - đã bị Nga tăng cường quyền kiểm soát kể từ sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Bất chấp việc có một hiệp ước song phương tồn tại giữa Ukraine và Nga, cho phép quyền truy cập bình đẳng, không hạn chế vào eo biển Kerch, hai nước vẫn thường xuyên có những căng thẳng tại đây.

Trong một vụ việc gây chấn động hôm 25/11, tàu Nga đã có một cuộc đụng độ căng thẳng với tàu hải quân Ukraine. Vụ việc xảy ra sau khi Ukraine ra lệnh cho các tàu của mình đi qua eo biển Kerch để tiến vào biển Azov, qua đó vi phạm lệnh đình chỉ lưu thông tạm thời của Nga.

Phía Nga xác nhận các tàu chiến nước này buộc phải nổ súng sau khi 3 tàu hải quân Ukraine phớt lờ yêu cầu ngừng vi phạm lãnh hải và "tiếp tục các hành động nguy hiểm". Lực lượng an ninh của Nga đã bắt giữ 3 tàu Ukraine và tiến hành điều trị cho các thủy thủ bị thương.

Theo Spectator, hành động của tàu Ukraine được cho là khá liều lĩnh khi tiến vào vùng biển đang ẩn chứa nguy cơ xung đột, trong khi phía Nga đã ra cảnh báo từ trước với các tàu thuyền không được phép qua lại tại đây. Điều này khiến Moscow đã đăng đàn chỉ trích Kiev cố ý "tạo ra tình huống gây xung đột trong khu vực".

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tiến hành một cuộc họp nội các khẩn cấp trong đó cân nhắc đưa ra các phản ứng mạnh mẽ nhằm vào đối thủ.

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Poroshenko sẽ đề nghị Quốc hội thông qua yêu cầu ban bố tình trạng thiết quân luật. Một động thái được cho là sẽ có khả năng làm trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống chuẩn bị diễn ra trong vòng 4 tháng tới, mà nhiều khả năng ông Poroshenko sẽ nắm chắc phần thua cuộc.

Không chỉ dừng bầu cử, tình trạng thiết quân luật sẽ cấm các cuộc biểu tình công khai, yêu cầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc - cũng như việc Chính phủ tiếp quản các mạng truyền hình quốc gia – những yếu tố được cho là sẽ có lợi đối với ông Poroshenko.

Liên minh châu Âu ngay lập tức dùng sự việc căng thẳng ở eo biển Kerch để tiếp tục các lời chỉ trích chống lại Nga. EU đã tuyên bố "các biện pháp chủ đích" để đảm bảo rằng eo biển Kerch sẽ mở cửa hoàn toàn cho giao thông quốc tế - đặc biệt là cho Ukraine.

NATO cũng không đứng ngoài cuộc khi khẳng định "hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Trong khi phía Mỹ chưa có bình luận gì về vụ va chạm.

Mỹ cần "ngậm bồ hòn làm ngọt"

Tàu Nga đụng độ ở Biển Đen: Ukraine âm mưu tạo khủng hoảng, Mỹ cần ra tay hóa giải? - Ảnh 1.

Phương Tây khó có thể làm gì trước tầm ảnh hưởng của Nga ở Crimea.

Theo Spectator, điều này không phải là vì Tổng thống Donald Trump đang bênh vực người Nga mà có nhiều khả năng Nhà Trắng vẫn chưa thu thập đủ các dữ liệu của sự kiện để đưa ra quan điểm cụ thể.

Điện Kremlin cũng lên tiếng phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào mang tính chất thù địch nhằm vào mình. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán sẽ có một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Ba tuần này.

Thật không may cho phương Tây khi giờ đây mọi lợi thế đều đang nằm trong tay Nga và dù cho có đưa ra thêm nhiều lời chỉ trích đi nữa, các nước này cũng không thể làm thay đổi thực tế rằng: Nga bây giờ đang kiểm soát Crimea và vùng biển quanh khu vực, nhà phân tích Brandon J. Weichert nhận định trên Spectator.

Bên cạnh đó, việc kích động các giải pháp quân sự sẽ chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh, thậm chí là chiến tranh hạt nhân.

Nhà phân tích này cũng không loại trừ "thuyết âm mưu" cho rằng: Với việc cuộc bầu cử tổng thống Ukraine chỉ còn bốn tháng ngắn ngủi – trong khi ông Petro Poroshenko đang suy giảm tín nhiệm xuống mức không thể thấp hơn trong các cuộc thăm dò ý kiến ​​– rất có khả năng những người ủng hộ trong quân đội Ukraine đang cố tình châm ngòi cuộc khủng hoảng này để giữ quyền lực của ông Poroshenko kéo dài lâu hơn.

Bình luận về vụ việc, Weichert nhận định, Washington sẽ phải là đầu tàu để giải quyết căng thẳng đang rất dễ dẫn đến xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông mô tả sự việc hai nước cũng tương tự như cuộc khủng hoảng Agadir năm 1911, xoay quanh sự cạnh tranh giữa Đức và Pháp để tăng cường ảnh hưởng đối với Morocco.

Cuộc khủng hoảng khi đó đã được giải quyết bằng các cuộc đàm phán chậm rãi nhưng giúp xoa dịu căng thẳng hiệu quả. Mặc dù không phải là căng thẳng quy mô lớn, nhưng sự kiện Agadir đã được chứng minh rằng nó có thể được giải quyết bằng giải pháp ngoại giao khôn khéo giữa các cường quốc.

Cũng theo nhà phân tích Weichert, Nhà Trắng cũng nên tránh đưa ra một sự can thiệp quân sự thay mặt cho Ukraine.

Thay vào đó, Washington nên nhắc lại cam kết của mình đối với tự do hàng hải khu vực, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra sự ổn định lâu dài giữa Nga và phương Tây ở Ukraine.

Khi khủng hoảng đang đến gần, nhưng hành động mang tính chất "diều hâu" cần phải được loại bỏ. Giới phân tích tin rằng, giữa Nga và phương Tây chưa bao giờ tiến gần hơn đến một cuộc xung đột lớn như ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giờ chưa phải là thời điểm quá muộn để có thể tránh được viễn cảnh tồi tệ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại