"Hạm đội Biển Đen đang bám sát theo tàu vận tải viễn chinh USNS Yuma của Mỹ khi nó đi vào vùng lãnh hải của Biển Đen lúc khoảng 17h30 ngày 14/9", Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga cho hay.
Quân đội Nga nhấn mạnh, các lực lượng thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đang trực chiến “đã và đang liên tiếp giám sát tàu của Mỹ”.
Trước đó, trong hai ngày 8/8 và 30/6, Hạm đội Biển Đen của Nga đã lần lượt giám sát tàu khu trục Porter và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Carney của Hải quân Mỹ.
Theo hiệp ước quốc tế Montreux quy định về việc qua lại Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ của các tàu chiến không thuộc các quốc gia ở Biển Đen, tàu khu trục Mỹ đến Biển Đen sẽ không được ở lại quá 21 ngày, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Việc Hạm đội Biển Đen Nga giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của các tàu Mỹ tiến vào Biển Đen diễn ra trong thời điểm quan hệ Nga-Mỹ đang đối đầu căng thẳng và hai bên thường xuyên có những động thái quân sự gây lo ngại.
Sự xuất hiện liên tục của các tàu quân sự Mỹ ở Biển Đen chắc chắn sẽ khiến Nga lo ngại bởi nó diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO vốn đã đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ và NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình ở khắp các khu vực bao xung quanh Nga. Thực tế này là điều Moscow khó có thể chấp nhận. Nga cũng có một loạt những động thái quân sự đáp trả cho thấy họ sẵn sàng đối đầu với Washington.
Trong thời gian qua, Mỹ liên tục phái các tàu quân sự đến Biển Đen và Nga liên tục chỉ trích hành động này, nói rằng nó chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và đặt Châu Âu vào nguy cơ xung đột.
Mỹ luôn khẳng định hành động của họ đều phù hợp với luật quốc tế. 6 chiến hạm của quân đội Mỹ đã tiến hành nhiệm vụ ở khu vực này trong năm 2018, trong đó có các tàu khu trục mang tên lửa: USS Ross, USS Carney và USS Porter cùng với tàu chỉ huy USS Mount Whitney, tàu đổ bộ USS Oak Hill và tàu vận tải USNS Carson City.
Cùng với những hoạt động triển khai tàu chiến và cả máy bay quân sự đến những khu vực sân sau của Nga, tàu chiến và máy bay của Nga với tàu chiến và máy bay của phương Tây trong những năm gần đây thường xuyên có những cuộc chạm trán nguy hiểm ở bầu trời các khu vực ở Biển Đen và biển Baltic, khiến mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai bên càng thêm căng thẳng. Biển Đen và Biển Baltic lâu nay vốn được coi là “sân sau” của Nga nhưng các nước phương Tây gần đây thường xuyên đưa các lực lượng quân sự, cả tàu chiến và máy bay quân sự, vào các khu vực này, khiến Moscow cảm thấy bất an.
Mặc dù những cuộc chạm trán nói trên thường xuyên diễn ra nhưng đến nay chúng chưa gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho bất kỳ ai. Tuy vậy, tình trạng gia tăng những cuộc chạm trán như vậy khiến cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây chứa đựng nhiều nguy cơ đáng lo ngại.