Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Trung Quốc và Talwar Ấn Độ trước nguy cơ đối đầu trực diện

Sao Đỏ |

Các tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Trung Quốc và Talwar của Ấn Độ là hai lớp chiến hạm rất hiện đại, được xem là xương sống trong lực lượng hải quân hai quốc gia hùng mạnh trên.

Trang Sina cho biết, Pakistan mới đây đã đặt hàng 1 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình tiên tiến Type 054A với cấu hình vũ khí tương tự như loại đang phục vụ trong Hải quân Trung Quốc, hợp đồng còn tùy chọn cung cấp thêm 2 chiếc nữa nếu quốc gia Nam Á này thu xếp được nguồn tài chính cần thiết.

Được biết trước đây Trung Quốc đã chào hàng Pakistan lớp chiến hạm C28A - một biến thể sửa đổi phục vụ xuất khẩu của Type 054A, nhưng phía Pakistan không đồng ý mà muốn sở hữu Type 054A "chính hãng". Với quan hệ hợp tác quốc phòng đặc biệt, Bắc Kinh cuối cùng cũng đồng ý bán cho Islamabad phương tiện tối tân trên.

Sự có mặt của Type 054A tại vùng biển Nam Á sẽ mở ra trước mắt cuộc đối đầu thú vị với lớp tàu hộ vệ tàng hình 4.000 tấn khác đó là chiếc Talwar của Ấn Độ, vậy khi đạt cạnh nhau thì chiếc chiến hạm nào sẽ chiếm ưu thế?

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Trung Quốc và Talwar Ấn Độ trước nguy cơ đối đầu trực diện - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Hải quân Trung Quốc

So sánh về kích thước, Type 054A có chiều dài 134,1 m; chiều rộng 16 m; lượng giãn nước đầy tải 4.053 tấn; thông số tương tự ở tàu chiến của Ấn Độ là (124,8 x 15,2) m, lượng giãn nước đầy tải 4.035 tấn, như vậy là khá cân bằng.

Động cơ của Type 054A là loại kết hợp diesel - diesel, cho tốc độ tối đa chỉ 27 hải lý/h nhưng tầm hoạt động ước đạt 14.862 km. Tàu chiến Ấn Độ sử dụng động cơ turbine khí hành trình - turbine khí tăng lực, tốc độ lớn nhất lên tới 30 hải lý/h, nhưng tầm xa chỉ đạt 7.810 km.

Cảm biến chính trên tàu Trung Quốc là radar mảng pha Type 382, đây là phiên bản Bắc Kinh chế tạo trong nước có tính năng tương tự đài nhìn vòng Fregat M2EM trên Talwar của Ấn Độ. Radar trinh sát mặt nước của Type 054A là Mineral-ME theo đánh giá có nhiều ưu điểm hơn loại Garpun-Bal của Talwar.

Ngoài ra 2 lớp chiến hạm còn được bổ sung nhiều radar MR-90 quay về các hướng để dẫn đường cho tên lửa phòng không Shtil hoặc HHQ-16.

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Trung Quốc và Talwar Ấn Độ trước nguy cơ đối đầu trực diện - Ảnh 2.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar của Hải quân Ấn Độ

Hỏa lực là điểm đáng chú ý nhất, nếu như Type 054A sử dụng pháo H/PJ-26 cỡ 76,2 mm - một biến thể của AK-176M thì ở trên Talwar lại là A-190E cỡ 100 mm có uy lực mạnh và tầm bắn xa hơn nhiều.

Tên lửa phòng không giữa hai lớp chiến hạm khá tương đồng nhưng khác nhau ở phương thức triển khai. Talwar mang 24 tên lửa phòng không thuộc tổ hợp Shtil-1 nhưng phải phóng theo phương nghiêng từ ray, trong khi Type 054A mang 32 ống phóng thẳng đứng của đạn HHQ-16 sao chép từ Buk của Nga, nó là một người họ hàng xa với Shtil-1.

Bổ trợ cho tổ hợp trên của tàu Ấn Độ là 2 module tên lửa - pháo phòng không Kashtan CIWS, đối với tàu Trung Quốc lại là 2 module pháo bắn nhanh Type 730 không được trang bị tên lửa.

Vũ khí chống ngầm của Type 054A là 6 ngư lôi hạng nhẹ cỡ 324 mm Yu-7 đi kèm tên lửa Yu-8 phóng từ bệ thẳng đứng. Ở Talwar là 4 ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm đi kèm 2 giàn RBU-6000 phía trước mũi. Hai tàu đều mang được 1 trực thăng trong các chuyến hải trình dài.

Tên lửa chống hạm thì Talwar vượt trội Type 054A với bệ phóng đa năng UKSK mang 8 đạn hành trình siêu âm Klub-N tầm bắn 220 km, tốc độ Mach 2,9 trong khi tàu Trung Quốc chỉ được trang bị 8 quả YJ-83 tầm bắn 180 km, tốc độ cận âm.

So sánh qua các tham số cơ bản thì hai con tàu đều có điểm mạnh điểm yếu riêng, sẽ là rất đáng quan tâm nếu trong tương lai gần chúng cùng xuất hiện thường xuyên tại vùng biển Nam Á.

Tàu hộ vệ tên lửa Hengshui (FFG 572) thuộc Type 054A của Hải quân Trung Quốc tham dự tập trận RIMPAC 2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại