Theo cây viết Stephen Bryen trên tờ Asian Times, dù là những chiếc xe tăng đồ sộ hay những chiếc ô tô hiện đại được vận chuyển bằng tàu thủy, tất cả đều có thể bị lửa thiêu rụi. Vụ hỏa hoạn xảy ra với tàu container Fremantle chở theo gần 4.000 ô tô khiến anh liên tưởng tới những gì từng xảy ra với các xe tăng Israel.
Tàu Fremantle bốc cháy trên biển. Ảnh: Brussels Times
Những chiếc xe tăng bị thiêu rụi
Trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, xe tăng Israel đã chạm trán với hai kẻ địch đáng gờm, khiến họ thiệt hại tới hơn 1.000 xe tăng (bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng).
Vào thời điểm đó, lực lượng xe tăng Israel bao gồm các mẫu M-60 và M48 (Mỹ), Centurion (Anh), T-55 (Israel thu giữ được vào năm 1967, sau đó tiến hành tân trang và hiện đại hóa tại một xưởng xe tăng ở phía nam Tel Aviv).
Kẻ địch đầu tiên là tên lửa AT-3 Sagger (trước đây là 9M14 Malyuta) được Ai Cập sử dụng để tiêu diệt xe tăng. Đây là loại tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai đầu tiên trên chiến trường, nó được thiết kế để xạ thủ có thể khai hỏa cách bệ phóng tên lửa vài thước, từ đó tăng cơ hội sống sót cao hơn cho xạ thủ trước hỏa lực phản công của đối phương.
Sagger sau đó đã kết hợp với súng phóng lựu chống tăng RPG-7 trang bị cho lính bộ binh. Khác với Sagger, người lính với RPG-7 sẽ phải đến gần mục tiêu mà anh ta đang cố tiêu diệt, khiến cả người lẫn súng đều gặp nguy hiểm cao nếu bị phát hiện. Song, cả hai loại vũ khí này đều gây ra thiệt hại lớn cho xe tăng Israel.
Kẻ địch thứ hai mà Israel phải đối mặt là một thứ không ai ngờ tới. Trong chiến tranh 1973, M-60 Patton - mẫu xe tăng "khét tiếng" nhất lúc bấy giờ - bỗng bốc cháy một cách bí ẩn, thường thiêu rụi cả kíp lái trong quá trình tác chiến.
Lúc đầu người ta cho rằng đám cháy là do hỏa lực đáp trả và mảnh đạn gây ra nhưng khi những chiếc xe tăng này bỗng dưng bốc cháy cả vào lúc đối phương không bắn trả, người Israel bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm nguyên nhân.
Xe tăng M-60 của Israel. Ảnh: Creative Commons
Các kỹ thuật viên phát hiện ra rằng, khi xe tăng hoạt động trong môi trường có sa mạc khô và nóng như ở Sinai, một lượng cát đáng kể đã tích tụ trong xe. Đồng thời, rất nhiều dầu và các chất bôi trơn khác đã rò rỉ trên sàn xe tăng, hoặc tích tụ trong các khoảng trống trên khung xe.
Khi lượng dầu rò rỉ này được trộn lẫn với cát và rơi vào khu vực giữa vỏ xe tăng và bình nhiên liệu, hỗn hợp cát - dầu - kim loại sẽ tạo thành một loại pin. Trong điều kiện nắng nóng, khi các tia lửa bên trong bình xăng bắn ra xung quanh lúc xe tăng di chuyển dọc đường chiến đấu, "viên pin" đó có thể đánh lửa cho lượng dầu và nhiên liệu rò rỉ gần bình xăng, gây ra hỏa hoạn lớn.
Ngay sau chiến tranh, người Israel đã tìm ra một giải pháp khắc phục thảm họa: Phủ bọt lên thùng nhiên liệu để không xảy ra các vụ cháy nổ tương tự. Sáng kiến đó sau này được chia sẻ cho Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ không mấy quan tâm bởi mặt trận dự kiến của họ là ở châu Âu, nơi không có cát, thời tiết cũng có xu hướng mát mẻ hơn và nhiều độ ẩm hơn Trung Đông.
Góc nhìn từ những chiếc xe tăng bị cháy của Israel
Quay trở lại với vụ hỏa hoạn trên tàu Fremantle. Ngày 25/7, con tàu này đã bất ngờ bốc cháy ngoài khơi bờ biển đảo Ameland, phía bắc Hà Lan khi đang trong quá trình di chuyển từ Đức đến Ai Cập. Thiệt hại hàng hóa ước tính lên tới nửa tỷ USD, chưa kể tới thiệt hại về tàu và người.
Ban đầu, chủ sở hữu Fremantle cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, con tàu này đang chở 3.000 chiếc ô tô từ Đức tới Ai Cập, trong đó có ít nhất 25 chiếc ô tô điện. Một chiếc ô tô điện đã bốc cháy và thiêu rụi con tàu. Tuy nhiên, mới đây, theo số liệu chính thức do các bên liên quan công bố, trên tàu Fremantle có tới 3.783 phương tiện với 498 chiếc là xe điện, vượt hơn rất nhiều so với thông tin ban đầu.
Lực lượng cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn mới dập tắt ngọn lửa lan rộng, trong khi con tàu đã tê liệt và bắt đầu bị nghiêng. Hiện số phận của tàu Fremantle vẫn chưa rõ ràng, nhiều thủy thủ đã bị thương trong vụ cháy.
Như vậy mới thấy, dù là những chiếc xe tăng đồ sộ hay những chiếc ô tô hiện đại vận chuyển bằng tàu biển, lửa đều có thể thiêu rụi tất cả.
Tàu Felicity Ace mang theo hàng nghìn chiếc siêu xe cũng từng bốc cháy trên biển. Ảnh: Creative Commons
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên tàu vận chuyển ô tô gặp hỏa hoạn. Năm 2022, tàu Felicity Ace đang trên đường tới Mỹ đã bốc cháy ngoài khơi quần đảo Azores, mang theo hàng nghìn chiếc siêu xe. Nguyên nhân gây ra hỏa hoạn được cho là do pin lithium bị lỗi ở một số ô tô.
Trên tàu khi đó có 1.117 chiếc xe Porsche, 1.944 chiếc Audi, 189 chiếc Bentley, 85 chiếc Lamborghini và 561 chiếc Volkswagen.
Theo Bryen, khi ngành sản xuất ô tô điện ngày càng phát triển, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều xe điện từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đến Mỹ bằng đường biển.
Thế nhưng, pin lithium của xe điện, đặc biệt là ở các mẫu có giá rẻ hơn, có thể tự phát nổ và tạo ra đám cháy dữ dội rất khó dập tắt, trong khi hiện chưa có nhà sản xuất nào nghĩ ra biện pháp bảo vệ đáng tin cậy để khắc phục tình trạng pin lỗi.
Liên hệ hai câu chuyện này với nhau, cây viết Bryen cho biết, nếu như Israel đã tìm ra cách khắc phục thảm họa cho những chiếc xe tăng M-60 của mình, anh cũng hy vọng những người ủng hộ xe điện sẽ sớm tìm ra cách ngăn chặn những thảm kịch tương tự như của tàu Fremantle trên biển.