Tàu khu trục USS Mason (DDG-87) của Hải quân Mỹ vừa bị tấn công bằng 2 quả tên lửa khi đi ngang bờ biển Yemen hôm 9/10 vừa qua. Chúng được bắn đi từ vùng lãnh thổ do lực lượng Houthi kiểm soát tại Yemen.
Cả 2 quả tên lửa này đã bắn hụt con tàu có lượng giãn nước 9.200 tấn và rơi xuống Hồng Hải.
Vụ việc này xảy ra chỉ 8 ngày sau khi tàu 2 thân Swift của UAE bị lực lượng Houthi dùng tên lửa bắn cháy.
Báo cáo của Hải quân Mỹ cho biết tàu Mason đã sử dụng "các biện pháp phòng vệ trên tàu" ngay khi phát hiện quả tên lửa đầu tiên được phóng đi.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason (DDG-87).
Tàu Mason được trang bị nhiều vũ khí để tiêu diệt các loại máy bay và tên lửa chống hạm của đối phương - bao gồm tên lửa đánh chặn RIM-66 SM-2, tên lửa phòng không RIM-162 Evolved Sea Sparrow, pháo cỡ nòng 127mm Mk 45 Mod 4, hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx. Chúng được gọi là phương thức "bảo vệ cứng" (hard-kill).
Song, theo trang mạng We are the Mighty, lần này Hải quân Mỹ cho biết con tàu đã sử dụng phương thức "bảo vệ mềm" (soft-kill) để tránh cuộc tấn công.
Hệ thống "soft-kill" hoạt động bằng cách đánh lừa tên lửa đang lao tới và khiến nó chệch sang hướng khác.
USS Mason được trang bị 2 hệ thống đánh lừa như vậy trên tàu, gồm bộ gây nhiễu điện tử AN/SLQ-32 và hệ thống mồi bẫy Mk 36 Super RBOC.
Bộ gây nhiễu điện tử AN/SLQ-32 đã có mặt trên hầu hết các tàu của Hải quân Mỹ. Hệ thống này làm nhiễu đầu dò radar của tên lửa chống hạm, khiến chúng bám theo các mục tiêu ảo hoặc giảm tầm hiệu quả của đầu dò, cho phép tàu tránh được tên lửa.
Hệ thống Mk 36 Super RBOC thường kết hợp với bộ AN/SLQ-32. Cơ chế hoạt động của nó là phóng ra các rocket thả lá nhôm, tạo ra mục tiêu giả, gây nhầm lẫn cho đầu dò của tên lửa đang hướng đến.
Mason là một trong ba tàu được điều đến để hỗ trợ sau khi chiếc Swift bị hư hại vì vụ tấn công hôm 01/10.
Lực lượng dân quân Houthi (được Iran hậu thuẫn) khẳng định đã bắn chìm con tàu. Iran cũng được biết tới là nơi xuất khẩu các tên lửa chống hạm Noor (sao chép của C-802). Một tên lửa loại này đã gây hư hại cho khinh hạm Hanit của Israel trong cuộc chiến tranh Li-Băng 2006.
Yemen cũng là một nơi đầy rủi ro cho các tàu chiến Mỹ trong quá khứ. Tàu khu trục USS Cole lớp Arleigh Burke từng bị hư hại khi tiếp liệu ngoài khơi Aden vào tháng 10/2000. Dù có một lỗ thủng kích thước 12 x 18m trên thân, con tàu vẫn có thể trở lại biên chế sau khi sửa chữa.