Tàu cao tốc của Trung Quốc sẽ chính thức xâm nhập nước Nga

Hải Võ |

Tân Hoa Xã dẫn báo Độc Lập (Nezavisimaya Gazeta) của Nga đưa tin, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống tàu cao tốc thế hệ mới phù hợp với kích thước đường ray của cả hai nước.

Tàu cao tốc: "Vũ khí chiến lược" của Bắc Kinh

Phía Trung Quốc sẽ đầu tư tu sửa tuyến tàu cao tốc Moscow-Kazan ở Nga, đánh dấu sự khởi đầu của làn sóng đầu tư mới của Bắc Kinh sang Nga.

Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty đường sắt Nga Alexander Misharin tuyên bố, Trung Quốc sẽ phê duyệt khoản vay 400 tỉ rúp cho dự án đường sắt cao tốc Moscow-Kazan.

Loại tàu mới mà Bắc Kinh nghiên cứu chế tạo sẽ phù hợp vận hành ở tuyến đường trên, cũng như trong nội địa Trung Quốc.

Tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất sẽ có tốc độ gấp đôi các đoàn tàu Velaro RUS hiện Nga đang sử dụng, được mua từ tập đoàn Siemens của Đức.

Trong vài năm qua, đầu tư hệ thống tàu cao tốc cho các nước đã trở thành "vũ khí chiến lược" để Bắc Kinh mua sự ảnh hưởng ở nhiều quốc gia, từ châu Á đến châu Phi.

Thậm chí, tân Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, quốc gia đang căng thẳng với Trung Quốc về vụ kiện biển Đông, cũng không ngại "mời gọi" Bắc Kinh hỗ trợ xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc cho nước này.

Tàu cao tốc của Trung Quốc sẽ chính thức xâm nhập nước Nga - Ảnh 1.

Tàu cao tốc Velaro RUS của Siemens đang được Nga sử dụng

Kém về công nghệ đường sắt, Nga bị chiến lược Trung Quốc "thôn tính"

Theo NG, nước Nga trên thực tế chưa sở hữu cơ sở hạ tầng đường sắt cao tốc thực sự và dự án Moscow-Kazan sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc sẽ là hạng mục "thử nghiệm" đầu tiên của nước này.

Theo dự kiến, tuyến đường 770 km này được nâng cấp sẽ giúp giảm thời gian lưu thông giữa Moscow-Kazan từ 12 tiếng xuống còn 3.5 tiếng đồng hồ.

Nếu thành công thì dự án này sẽ tiếp tục được mở rộng, trở thành trọng điểm trong hạng mục "Con đường tơ lụa thế kỷ 21" kết nối Trung Quốc với thị trường Trung Đông và châu Âu.

Báo cáo của NG chỉ ra, Trung Quốc đã xác định chiến lược chính trị rất rõ ràng: Nhập khẩu kỹ thuật, tự mình sản xuất, sau đó cải tiến để có công nghệ cao cấp hơn "bản gốc". Nguyên tắc này thể hiện trong các thương vụ Bắc Kinh mua máy bay hay kỹ thuật phản ứng hạt nhân từ Nga.

Trong khi đó, Nga hiện không có khả năng sao chép hay nắm bắt kỹ thuật chế tạo tàu cao tốc của Trung Quốc. Kỹ thuật của Moscow tụt hậu, còn Bắc Kinh thì không chuyển giao công nghệ này.

Như vậy, dự án Moscow-Kazan thành công đem lại lợi ích cho Nga "một", thì Trung Quốc lợi "mười".

Việc Trung Quốc "xâm chiếm" các nước bằng công nghệ đường sắt cao tốc của mình đã không còn là vấn đề mới, nhưng thành công ở Nga là một viễn cảnh có thể khiến chính Moscow, và phương Tây, phải quan ngại.

Theo NG, tổng chiều dài đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đạt gần 20.000 km, vận chuyển 50.000.000 lượt khách/ngày.

Nước Nga mặc dù có diện tích lớn hơn Trung Quốc, nhưng cơ sở hạ tầng về đường sắt cao tốc tụt hậu khá xa, hiện mới chỉ phục vụ việc kết nối giữa các thành phố lớn, vốn chiếm số lượng không nhiều.

Ngoài ra, tàu cao tốc ở Nga đa số vẫn vận hành trên đường ray phổ thông chứ chưa phải đường sắt cao tốc chuyên dụng.

NG dẫn báo cáo của tờ China Daily cho hay, Bắc Kinh đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo mẫu tàu cao tốc có tốc độ 400km/h và phù hợp vận hành trên đường sắt của cả nga và Trung Quốc.

Người phụ trách dự án đổi mới tàu cao tốc Trung Quốc, ông Giả Lợi Dân cho biết, thế hệ tàu cao tốc mới của Trung Quốc sẽ phù hợp với quy chuẩn đường ray của nhiều nước, vượt qua trở ngại phải thay đổi kích cỡ đường ray khi chạy qua các nước.

Nga dựa vào Trung Quốc: Lợi bất cập hại?

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, người phụ trách bộ phận xuất khẩu của Công ty cổ phần đường sắt Changchun (Trung Quốc) nói rằng Nga-Trung có ý định hợp tác sản xuất tàu cao tốc tại Nga.

Theo đó, phía Nga cần mua tàu để vận hành trên tuyến Moscow-Kazan và mong muốn thành lập doanh nghiệp cổ phần 50-50 với Trung Quốc để thực hiện điều này.

Trong khi đó, tập đoàn Siemens của Đức cũng bày tỏ ý định hợp tác với Moscow để đầu tư khai thác tuyến đường trên.

Chủ tịch Siemens Nga Alexey Miller cho hay công ty không loại trừ khả năng chia sẻ dự án khổng lồ này cùng Trung Quốc và "hy vọng hợp tác ba bên cũng là một sự lựa chọn".

Tuy nhiên, theo hãng Interfax (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra nhân tố quyết định có lợi cho Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh giành dự án đường sắt ở Nga là việc Moscow bị hạn chế trong việc thu hút đầu tư từ châu Âu bởi các lệnh cấm vận của phương Tây.

Phó chủ tịch thứ nhất của Liên minh kỹ sư Nga Ivan Andreev Chomsky nói: "Ưu thế của Trung Quốc là giá thành rẽ và không tồn tại nguy cơ tiềm ẩn về chính trị hay cấm vận."

Tuy nhiên, Interfax cho hay, dù được Trung Quốc hỗ trợ nhưng Nga khó có khả năng tự sản xuất được tàu cao tốc trong vòng 10 năm tới.

Andreev Chomsky cho rằng, việc thảo luận chậm chạp và thái độ lung lay giữa Nga-Trung rất có thể sẽ tiếp diễn, do đó Moscow khó kỳ vọng bắt kịp tốc độ phát triển của Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 4 đưa tin, trong lãnh thổ nước Nga sẽ lần đầu tiên xuất hiện "đường ray theo quy chuẩn của Trung Quốc", giúp doanh nghiệp Trung Quốc vào Nga thuận tiện hơn.

Các quan chức Nga thì cho biết, đây chỉ là một đoạn đường sắt nhỏ nối với một thành phố cảng ở vùng Viễn Đông của Nga.

Theo báo Độc lập (Nga), Bắc Kinh nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này và tuyên truyền rầm rộ: Trong lãnh thổ Nga xuất hiện cơ sở hạ tầng của một nước khác, và không do Nga quản lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại