Tắt chế độ kiếm tiền, nêu tên tác giả, Bảo Anh vẫn có nguy cơ mất MV 40 triệu view, vì đâu nên nỗi?

Lê Nam Khánh |

Trong trường hợp khả quan nhất, Bảo Anh và các cộng sự cũng phải đối mặt với khoản phạt tới 10.000 EUR.

Sau hơn một tháng được đăng tải trên YouTube, MV Sống xa anh chẳng dễ dàng của nữ ca sỹ Bảo Anh đã nhanh chóng thu hút được trên dưới 40 triệu lượt xem.

Thế nhưng, niềm vui của cô ca sỹ xinh đẹp đúng là ngắn chẳng tày gang khi mới đây quản lý của Bảo Anh đã chia sẻ trên Facebook cá nhân về việc sản phẩm âm nhạc này đang đứng trước nguy cơ bị gỡ bỏ khỏi YouTube.

Đây là kết quả của việc MV Sống xa anh chẳng dễ dàng có sử dụng một số đoạn nhạc nền được xác định là của bản hòa âm “Icarus feat. Julie Elven” và “Glimmer of Hope feat. Aeralie Brighton”, nằm trong album “Reverie - The Compilation Album” thuộc quyền sở hữu của Ivan Torrent.

Phía nữ ca sỹ Bảo Anh theo đó thừa nhận sơ suất của mình do không kiểm tra kĩ các vấn đề về bản quyền trong quá trình hậu kì video.

Tắt chế độ kiếm tiền, nêu tên tác giả, Bảo Anh vẫn có nguy cơ mất MV 40 triệu view, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

MV Sống xa anh chẳng dễ dàng đạt trên 40 triệu lượt xem tại thời điểm thực hiện bài viết.

Hiện nay, ekip của Bảo Anh đang trao đổi với đơn vị nắm giữ bản quyền các đoạn để tìm được các giải quyết hợp lý nhất cho tất cả các bên.

Vụ việc đến nay chưa đi đến hồi kết tuy nhiên trong “trường hợp khả quan nhất” khoản tiền phạt cũng có thể lên tới 10.000 EUR, tương đương trên dưới 270 triệu đồng. Còn trường hợp xấu nhất, đúng như lo ngại nói trên, MV chục triệu view này có nguy cơ bị xóa bỏ.

Thực tế, trước đây khi đăng tải MV Sống xa anh chẳng dễ dàng lên YouTube, ekip của Bảo Anh không hề nhắc đến những đoạn nhạc của Ivan Torrent.

Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 11, dòng chữ với nội dung “đặc biệt cảm ơn đến Ngài Ivan Torren” cùng các đường link dẫn đến bài nhạc gốc đã được thêm vào phần mô tả video.

Đến nay, thông tin này thậm chí còn được làm rõ hơn với nội dung “Icarus feat. Julie Elven và Glimmer of Hope feat. Aeralie Brighton thuộc bản quyền của Ivan Torrent, Cả hai đều nằm trong album Reverie - The Compilation Album…”

Tắt chế độ kiếm tiền, nêu tên tác giả, Bảo Anh vẫn có nguy cơ mất MV 40 triệu view, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Được biết, ngay sau khi vụ việc có những diễn biến bất lợi hơn, ekip của Bảo Anh đã thực hiện tắt chế độ kiếm tiền từ MV của mình đồng thời gửi lời xin lỗi đến đơn vị giữ bản quyền đoạn nhạc nền, dù vậy mọi thứ có vẻ như không đơn giản như ekip của cô ca sỹ kì vọng.

Thực tế, theo thông tin từ chính YouTube, một video vẫn có thể bị cáo buộc vi phạm bản quyền kể cả khi đã nhắc đến đích danh người nắm giữ bản quyền, tắt chế độ kiếm tiền từ video hay khẳng định rằng không có một hành động vi phạm bản quyền nào được thực hiện một cách có chủ ý.

Như vậy, việc ekip Bảo Anh tắt chế độ kiếm tiền hay nhắc đến Ivan Torrent trong đoạn mô tả video cũng khó “cứu” được MV này nếu đơn vị nắm bản quyền muốn xử lý mạnh tay.

Tắt chế độ kiếm tiền, nêu tên tác giả, Bảo Anh vẫn có nguy cơ mất MV 40 triệu view, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 3.

Để đảm bảo quyền lợi của nội dung xuất bản trên YouTube, dịch vụ này có những chế tài rõ ràng liên quan đến vi phạm bản quyền.

Theo hướng dẫn của YouTube, mỗi quốc gia cũng có thể có các quy định khác nhau về việc một video có thể sử dụng các nội dung từ video khác mà không cần xin phép của người nắm bản quyền (gọi là fair use, tạm dịch: sử dụng hợp lý).

Tại Mỹ, các tác phẩm liên quan đến phim tài liệu, đánh giá, nghiên cứu, giáo dịch hay thời sự có thể được coi là các ví dụ của fair use. Trường hợp MV ca nhạc có sử dụng đoạn nhạc nền của một đơn vị thứ ba khó được xét vào trường hợp này.

Trước đó, Noo Phước Thịnh cũng phải ngậm đắng nuốt cay khi MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi cũng bị thẳng tay gỡ khỏi YouTube vì một phân cảnh nhỏ có sử dụng nhạc nền có bản quyền thuộc về đơn vị khác.

Theo định nghĩa của YouTube, các nội dung, tác phẩm có bản quyền bao gồm: các sản phẩm nghe nhìn (ví dụ như các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc video trực tuyến), các bản ghi âm hoặc sáng tác âm nhạc, các tác phẩm thuộc dạng viết (ví dụ như bài giảng, bài báo, sách, bản nhạc…), các tác phẩm hình ảnh (tranh vẽ, poster hay quảng cáo), trò chơi và phần mềm máy tính và các sản phẩm nghệ thuật như ca kịch.

Theo YouTube, để được công nhận là có bản quyền, một tác phẩm phải sáng tạo (creative) và cố định (fixed) trong một dạng hữu hình (tangible). Tên gọi, tiêu đề, ý tưởng hay sự thật vì thế không được tính là có bản quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại