Tập đoàn Sơn Hải và tuyến đường cao tốc làm nên kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải

Pha Lê |

Một trong những dự án gần đây được coi là kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải mà Sơn Hải thực hiện là Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, tiền thân là công ty TNHH Sơn Hải được thành lập năm 1998, trụ sở chính tại số 117 đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn là xây dựng nhà ở các loại, công trình đường sắt, đường bộ, kinh doanh bất động sản, san lấp mặt bằng. Đây là một doanh nghiệp xây dựng có tiếng tại Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2023, vốn điều lệ của Sơn Hải ghi nhận ở mức 2.366 tỷ. Trong đó, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên nắm 99,912%, còn ông Lê Thanh Hướng – Giám đốc nắm 0,088% vốn điều lệ.

Đến thời điểm này, Sơn Hải là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam có cam kết bảo hành chất lượng 5 đến 10 năm tại các công trình thi công, xây dựng đường giao thông, dự án thủy điện.

Một trong những dự án gần đây được coi là kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải do tập đoàn này thực hiện là Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Tập đoàn Sơn Hải và tuyến đường cao tốc làm nên kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải- Ảnh 1.

Ảnh: VPG Nhật Bắc

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài tuyến 49,1km, điểm đầu tại huyện Diên Khánh, đi qua địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT.

Dự án được khởi công vào tháng 9/2021, giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe, với nền đường rộng 17m và không có làn dừng khẩn cấp. Ô tô được phép chạy tốc độ tối đa 80km/h, tối thiểu 60km/h. Thời gian vận hành khai thác hoàn vốn của dự án là 16 năm 4 tháng.

Cao tốc dự kiến hoàn thành, đưa vào khai tháng vào tháng 9/2023. Tập đoàn Sơn Hải đã làm nên kỳ tích khi đưa vào khai thác từ ngày 19/5/2023, vượt tiến độ 3 tháng.

Toàn tuyến có 4 trạm thu phí đặt tại các nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Trong đó có một nhà điều hành cao tốc CMO đặt tại Suối Dầu. Hình thức thu phí tự động không dừng ETC.

Quy mô các trạm gồm 4 làn thu phí (mỗi chiều có 2 làn), tại mỗi chiều có một làn thu phí tự động không dừng (ETC) đa làn tự do, một làn thu phí hỗn hợp (ETC+MTC); hệ thống có thể xử lý với tốc độ tối đa khi xe vào làn ETC đa làn tự do là 120 km/giờ và vào làn hỗn hợp là 40 km/giờ. Tại làn trung tâm (một làn theo mỗi chiều) áp dụng hình thức thu phí ETC không có barie, tốc độ xe qua làn tối đa là 120 km/giờ, còn các làn ngoài cùng là làn thu phí hỗn hợp (ETC+MTC) có barie với tốc độ xe qua làn tối đa là 40 km/giờ.

Công ty Elcom là đơn vị triển khai việc lắp đặt hệ thông thu phí không dừng tại cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Elcom cho biết, việc giảm bớt vách ngăn, cabin thu phí và barie giúp tiết kiệm diện tích và nhân lực vận hành trạm thu phí. Kết cấu của trạm mới chủ yếu là giá long môn để gắn các camera, thiết bị nhận diện thẻ ETC.

Hệ thống thu phí không dừng của Elcom ứng dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) hiện đại, tự động nhận diện thông tin phương tiện đi vào làn thu phí và tiến hành trừ tiền trong tài khoản giao thông. Ngoài ra, trên giá long môn còn lắp đặt hệ thống camera AI (trí tuệ nhân tạo) nhận diện phương tiện với độ chính xác lên tới trên 99% nhằm hỗ trợ quá trình định danh và ghi nhận hành vi vi phạm khác như sai làn, vượt quá tốc độ cho phép...

Thuộc dự án Nha Trang - Cam Lâm, hầm Dốc Sạn xuyên núi Dốc Sạn qua tỉnh Khánh Hòa là một trong những "mắt xích" quan trọng trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, với chiều dài 1.480 m/2 ống hầm hoàn chỉnh song song, mỗi ống hầm dài hơn 700m.

Tập đoàn Sơn Hải và tuyến đường cao tốc làm nên kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải- Ảnh 2.

Hầm Dốc Sạn

Tại hầm Dốc Sạn, Sơn Hải đã áp dụng công nghệ thi công hầm Dốc Sạn theo phương pháp NATM của Áo hiện đại hàng đầu thế giới. Đây cũng là hầm duy nhất của Việt Nam trải bê tông nhựa toàn bộ. Chính vì vậy, khi đi vào hầm, không còn những tiếng "ù ù" như khi vào các đường hầm khác.

Để hoàn thành dự án, Tập đoàn Sơn Hải huy động tối đa nhân lực với hơn 500 thiết bị, 1.500 công nhân, chia 3 ca làm cả ngày lẫn đêm. Vì thế, hầm được thông vào tháng 5/2022, vượt tiến độ 6 tháng so với tiến độ được phê duyệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại