Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác

Bài: Linh Anh - Thiết kế: Hương Xuân |

Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cho Hà Nội cơ hội lịch sử để trở thành Paris hay Geneva, những thành phố gắn liền với các cuộc đàm phán quan trọng giúp chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho thế giới.

Không chỉ có Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam và những quốc gia ưa chuộng hòa bình trên thế giới đều sẽ nuối tiếc khi cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không kết thúc theo hướng mà người ta trông đợi.

Lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên là nguyên nhân chính khiến việc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên rút ngắn hơn so với dự kiến, The Diplomat, tờ báo ra đời năm 2002, khẳng định được chỗ đứng thông qua các bài phân tích, bình luận có chất lượng về những sự kiện xảy ra ở châu Á và thế giới, nhận định.

Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam mong muốn đóng góp vào tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, nước chủ nhà cũng gặt hái được nhiều thành quả, có thể tác động tới nền kinh tế Việt Nam nhiều năm sau cuộc họp cuối tháng 2.

Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội không thể được đánh giá bằng việc có hay không văn kiện cuối cùng. Điều quan trọng là cần đánh giá xem Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tiếp tục những bước đi nào để tránh sự sụp đổ của quá trình phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Việt Nam cũng còn nhiều việc để làm để gặt hái những lợi ích lâu dài.

 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 1.

Cần phải nhìn nhận một cách tỉnh táo và khách quan về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Truyền thông đã mang đến những kỳ vọng và thông tin sai lệch về trọng tâm trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong Un. Vài ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội diễn ra, báo chí quốc tế rầm rộ đưa tin về một văn phòng liên lạc mới của Mỹ ở Bình Nhưỡng cũng như hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Thật không may, truyền thông đã khiến sự chú ý của thế giới về Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đi xa so với bản chất của nó. Thực tế, Mỹ và Triều Tiên gặp nhau để bàn về các biện pháp trừng phạt mà quốc gia Đông Bắc Á đang phải chịu. Kết thúc Chiến tranh hay mở văn phòng liên lạc là chuyện đã được đồng thuận ở Singapore hồi năm ngoái. Triều Tiên sẽ không quá nặng nề với vấn đề này và có lẽ Mỹ cũng vậy.

 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 2.

Khi Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội kết thúc, thế giới mới có cái nhìn thực sự về bản chất cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong Un. Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ năm trong số các lệnh trừng phạt gần nhất mà Liên Hợp Quốc thông qua từ năm 2016 đến 2017. Tuy nhiên, Mỹ lại coi đây là cốt lõi của các biện pháp gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng để quốc gia này phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ngoài ra, trái với dự đoán của phía Mỹ, ông Kim Jong Un chỉ muốn thảo luận về Tổ hợp hạt nhân Yongbyon mà không muốn đề cập tới các vấn đề khác trong chương trình hạt nhân của nước này. Điều này khiến Mỹ bất ngờ bởi họ không chuẩn bị cho một kịch bản như thế. Nó khiến đôi bên trở nên cách xa nhau.

 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 3.

Trong trường hợp này, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội không ra được tuyên bố chung là điều đáng tiếc, nhưng cần thiết, để đưa Mỹ và Triều Tiên về cái nhìn thực tế.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc không đạt được tuyên bố chung ở Hà Nội với sự kết thúc của mối quan hệ Mỹ - Triều. Thay vào đó, Hội nghị Thượng đỉnh ở Việt Nam là cơ hội để Washington và Bình Nhưỡng nắm bắt tốt hơn những ý định khác của nhau cũng như hiểu rõ đâu là ưu tiên chiến lược của đối phương.

Đối với Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt và hợp tác kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Văn phòng liên lạc hay Hiệp định Hòa bình dường như không phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Triều Tiên nên Bình Nhưỡng có thể dễ dàng nhượng bộ.

Đối với Mỹ, việc Triều Tiên tiếp tục đình chỉ các vụ thử vũ khí và tháo dỡ các cơ sở hạt nhân khác ngoài tổ hợp Yongbyon để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt sẽ là ưu tiên trong các cuộc đàm phán tương lai. Ngoài ra, cả hai bên cần thu hẹp sự khác biệt của họ với định nghĩa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như các biện pháp trừng phạt.

Có những dấu hiệu tích cực cho thấy ông Trump và ông Kim Jong Un không coi việc không đạt thỏa thuận ở Hà Nội là đi vào ngõ cụt và hai bên sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ song phương cũng như gặp lại nhau trong các cuộc thảo luận tích cực.

 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 4.
 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 5.

The Diplomat từng lập luận rằng Việt Nam sẽ nổi lên trong vai trò người chiến thắng bất kể kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ra sao. Thật vậy, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận có thể thấy một chút bất tiện vì tắc nghẽn giao thông do các tuyến đường bị chặn phục vụ hội nghị nhưng hầu hết đều đồng ý về những lợi ích mà sự kiện mang lại.

Quan trọng hơn, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra mà không gặp bất cứ trục trặc an ninh hoặc hậu cần nào. Nó cho thấy công tác chuẩn bị của nước chủ nhà là rất tốt. Bản thân Tổng thống Trump và các quan chức phía Triều Tiên đều ca ngợi những nỗ lực của nước chủ nhà mặc dù thời gian chuẩn bị chỉ chưa đầy 2 tuần, ngắn hơn nhiều so với 2 tháng mà người Singapore có được vào năm ngoái.

 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 6.

Trước và trong sự kiện, hình ảnh Hà Nội tràn ngập khắp phương tiện truyền thông và mạng xã hội trên toàn cầu, góp phần giới thiệu hình ảnh một thành phố đang phát triển nhanh chóng với sự pha trộn độc đáo giữa cũ và mới trong một môi trường năng động, đông đúc với những gương mặt trẻ trung và thân thiện.

Do đó, thật hợp lý khi dự đoán ngành du lịch của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ nhận được một sự thúc đẩy đáng kể trong năm 2019 và những năm sau nữa nhờ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, để thực sự hưởng lợi từ cơ hội này, Việt Nam và Hà Nội phải tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng chung, vốn cần không ít ngân sách.

 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 7.
 Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác - Ảnh 8.

Trong khi đó, giống như việc mọi người không nên quá thất vọng trước cái kết không như mong muốn sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim, Việt Nam không nên bằng lòng với việc tăng doanh thu nhờ thu hút du khách nước ngoài.

Hai ngày diễn ra hội nghị, Hà Nội đã trở thành ngọn hải đăng, thắp lên hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu không duy trì động lực ngoại giao đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh, có thể Việt Nam sẽ không thể đóng góp thêm được gì cho tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Với mong muốn trở thành một Paris hay Geneva khác, những thành phố gắn liền với các cuộc đàm phán quan trọng, mang lại hoà bình cho thế giới, trong đó có cả Chiến tranh Việt Nam, Chính phủ cần duy trì vai trò chủ động.

Tổng thống Trump nhiều lần gợi ý Triều Tiên nên học hỏi từ bài học của Việt Nam trong cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ quốc tế. Trong khi đó, phía Triều Tiên cũng bày tỏ sẵn sàng áp dụng toàn bộ hoặc một phần mô hình đổi mới của Việt Nam để phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam sẽ có vai trò dài hạn trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Triều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại